Ông Jim Yong Kim: Chỉ lo xóa nghèo mà không ngăn tái nghèo thì vô nghĩa

03/10/2015 11:56 AM | Nhân vật

"Nhiều người tại các nước, kể cả nước mà ta đang sống, chỉ cần mắc một bệnh hay bị một tai nạn là bị rơi vào cảnh nghèo ngay. Nếu chỉ nhắm đến mục tiêu xoá bỏ nghèo đói cùng cực mà không chú ý đến việc bảo hiểm cho họ không bị nghèo trở lại thì cũng chẳng có ý nghĩa gì."

Phát biểu tại Viện Hoà bình, Hoa Kỳ, trước thềm Cuộc họp Hàng năm của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế tổ chức năm nay tại Lima, Peru, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim đã nhắc đến tổ chức xã hội dân sự Oxfam và cách đặt vấn đề về bất bình đẳng một cách gay gắt và hiệu quả của họ.

Năm ngoái trong báo cáo mang tên Bình đẳng cho tất cả (Even it up) của mình, Oxfam đã nêu thách thức một cách gay gắt. Bản báo cáo cho biết rằng 85 người giàu nhất trên thế giới nắm giữ số của cải bằng số của cải của 50% số người nghèo nhất thế giới, tức là khoảng 3,5 tỉ người.

“Khi đưa ra thực tế phũ phàng rằng nhiều người trên thế giới hầu như không có phần trong tổng số của cải của nhân loại, Oxfam đã làm lương tâm chúng ta phải lay động.

Chúng ta sẽ giải quyết vấn đề bất bình đẳng như thế nào? Nhóm Ngân hàng Thế giới áp dụng một thuật ngữ mà bản thân nó đã khơi gợi hướng giải quyết – đó là chia sẻ thịnh vượng,” ông Jim Yong Kim tuyên bố.

“Khi làm việc với các chính phủ chúng tôi luôn ủng hộ những nỗ lực nhằm đảm bảo mọi người đều được hưởng lợi từ tăng trưởng chứ không phải chỉ những người đã nắm quyền kiểm soát hay tiếp cận được nguồn vốn.”

Tuy nhiên, thay vì chú ý vào người giàu, chủ tịch Ngân hàng Thế giới cho rằng có thể giải quyết hiệu quả vấn đề bất bình đẳng bằng cách điều chỉnh tiếp cận chính sách sao cho phù hợp với hoàn cảnh tại mỗi nước để giúp nhóm 40% dưới đáy.

“Nỗ lực tăng cường chia sẻ thịnh vượng đòi hỏi các nước phải áp dụng nhiều chiến lược khác nhau bởi nhóm 40% dưới đáy tại mỗi nước rất khác nhau,” ông Kim lưu ý.

“Chính sách và các hành động can thiệp phải mềm dẻo và linh hoạt thì mới có thể phù hợp được với hoàn cảnh. Một nước nghèo có thể cần tập trung tăng năng suất trong nông nghiệp. Một nước thu nhập trung bình có thể quan tâm tới phát triển đô thị. Còn nếu đa số trẻ em chưa đi học phố thông cơ sơ thì người ta phải đặt giáo dục cơ sở lên ưu tiên hàng đầu, và tiếp sau đó là giáo dục trung học.”

Ông Kim nêu 3 vấn đề mà Ngân hàng Thế giới cho rằng hứa hẹn đem lại hiệu quả nhất: “Để phục vụ cả hai mục tiêu xoá bỏ nghèo cùng cực và thúc đẩy chia sẻ thịnh vượng chúng tôi cho rằng cần phải thực hiện bằng được ba vấn đề sau đây— Tăng trưởng, Đầu tư và Bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế, Đầu tư vào con người, và phải bảo đảm thành quả đó để tránh rủi ro tái nghèo.”

Trong 3 yếu tố này, ông Kim cho rằng tăng trưởng kinh tế cùng với tăng lương và tạo việc làm là yếu tố quan trọng nhất giúp xoá nghèo và tăng cường chia sẻ thịnh vượng trong nửa thế kỉ qua.

Nhưng ông Kim cũng thách thức những người tin rằng chỉ cần tăng trưởng và coi nó như con nước có thể nâng mọi con thuyền lên:

“Nếu chỉ tập trung vào GDP thì sẽ sa vào đơn giản hoá vấn đề,” ông Kim nói. “Chúng tôi phản đối cung cách tiếp cận theo học thuyết “phúc lợi chảy xuống” này. Theo chủ thuyết này thì bất cứ sự tăng trưởng nào, không đếm xỉa đến các khía cạnh khác nhau, sẽ làm cho đất đai màu mỡ và mọi hoa trái sẽ đâm chồi cho cả người nghèo. Cái mà ta cần là tìm ra một mô hình tăng trưởng kinh tế bao trùm, giúp cải thiện cuộc sống cho những người nghèo nhất chứ không phải để duy trì địa vị cho những người ở trên đỉnh.”

“Vậy cần làm gì trong thời kì tăng trưởng chậm trên toàn cầu như giai đoạn hiện nay?” Ông Kim đưa ra câu hỏi.

“Câu trả lời là cần khuyến khích các nước làm tất cả những gì họ có thể làm để kích thích tăng trưởng – và đó thường là tiến hành đổi mới, ngừng trợ giá sử dụng năng lượng hoá thạch, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao hiệu quả chi công và chi dùng có mục tiêu hơn”.

Một vấn đề quan trọng khác mà các nước đang phát triển cần thực hiện là xây dựng một hệ thống thuế công bằng và minh bạch hơn, ông Kim nói.

“Bà Christine Lagarde và tôi cùng khẳng định với nhau trước đây vài tháng rằng hai tổ chức của chúng tôi sẽ làm tất cả để giúp đỡ các nước thu được nhiều thuế hơn và công bằng hơn. Người giàu tại quá nhiều nước đã không đóng thuế tương xứng với phần của họ. Một số công ty đã áp dụng những cách rất tinh vi để tránh đóng thuế tại các nước nơi họ hoạt động. Đây cũng là một dạng tham nhũng mà người nghèo phải chịu hậu quả,” ông Kim nói.

Cuối cùng, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới kêu gọi chính phủ các nước, bất kể trình độ hay triển vọng kinh tế của họ như thế nào, tiếp tục đầu tư vào con người và bảo hiểm cho họ trước các rủi ro và các hiểm hoạ do cuộc sống hiện đại mang lại nhằm giảm nhẹ tác động của các cú sốc trong cuộc sống hàng ngày.

“Nhiều người tại các nước, kể cả nước mà ta đang sống, chỉ cần mắc một bệnh hay bị một tai nạn là bị rơi vào cảnh nghèo ngay. Nếu chỉ nhắm đến mục tiêu xoá bỏ nghèo đói cùng cực mà không chú ý đến việc bảo hiểm cho họ không bị nghèo trở lại thì cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Thái Nam

Cùng chuyên mục
XEM