Nửa dốc cuộc đời

15/04/2015 11:20 AM | Nhân vật

35 năm đầu sống vì cha mẹ, 35 năm sau bạn sống vì con cái, vậy khi nào thì bạn sống cho bạn?

- Hay bạn xin nghỉ làm một thời gian, rồi mọi thứ sẽ đâu vào đấy ngay.

- Không được, vì mình còn phải lo phụ hai đứa con ăn học.

- Vậy rồi sao?

- Thì thôi, mình cứ cố gắng vậy, cứ đi làm rồi tới đâu hay tới đó.

Bạn tôi, một trong những người bạn giỏi giang, chín chắn và thành công sớm trong những đứa ra trường ngày ấy nói với tôi rằng mấy tháng trở lại đây, cô ấy thấy ngày càng bế tắc hơn trong công việc.

Ngày nào cũng quay đi quẩn lại từng đó thứ và con số nhưng vì đã có hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này và cũng đang giữ một vị trí đủ khiến nhiều người mơ ước, nên cô ấy không dám từ bỏ công việc, lại càng không dám nghĩ đến chuyện đổi qua công việc khác dù đó từng là niềm ao ước của cô ấy.

Nửa dốc cuộc đời, bạn phát hiện mình không yêu thích công việc hay công việc này vốn dĩ không dành cho bạn, hay nó không thú vị như bạn từng nghĩ, hãy nói thật với tôi lúc đó bạn làm gì?

Tự cân bằng bản thân và trả lời thành thật với mình

Bạn làm công việc này là vì điều gì? Vì ngày xưa bạn yêu nó, vì bạn có khả năng làm nó tốt, vì nó đem lại cho bạn mức lương cao, vì nó cho bạn quyền lực? Khi bạn đặt những câu hỏi này cho bản thân, đấy cũng là lúc bạn tự đối chiếu mình với ngày xưa và bây giờ.

Tôi nghĩ nhiều bạn có thể tự tìm lời giải đáp cho mình khi bạn thấy “mất lửa” vì mọi thứ đối với bạn bây giờ đã quá thành thục, và cái bạn đang thiếu chính là sự thử thách mới trong công việc của mình.

Vậy thì tại sao bạn không thử thay đổi môi trường làm việc bằng cách nói chuyện với sếp về mong muốn của mình. Ví dụ như  từ phòng kế toán sang phòng đầu tư dự án. Lúc đó bạn vẫn có thể làm việc với con số, nhưng kỹ năng tổng hợp tất cả con số và thông tin để đưa ra tư vấn đúng cho khách hàng sẽ giúp bạn thấy điều mới mẻ hơn trong công việc của mình.

Và nếu cơ hội thay đổi môi trường chưa xuất hiện, bạn cũng hãy cố gắng tăng cường thêm những kiến thức mới, tự tạo thách thức mới trong công việc. Bạn sẽ có cơ hội học hỏi và giải quyết các tình huống mà trước đây mình chưa gặp.

Trong quá trình cân bằng bản thân, cô bạn tôi nói rằng hóa ra cô ấy không thích các con số bởi chúng khô khan và chán ngắt. Nhưng vì ngày xưa cô ấy đi học kế toán theo mong muốn của gia đình. Rồi sau đó đi làm cũng là do gia đình giới thiệu, nên dù đã gần 15 năm trong ngành kế toán, cô ấy vẫn không thích các con số dù cô ấy vẫn hoàn tất trách nhiệm trong công việc. Cô ấy nói với tôi rằng cô ấy thích cái gì bay bổng hơn, có màu sắc và sáng tạo nhưng cô ấy thiếu can đảm để nghỉ việc và đi qua hướng khác.

Bài toán này thật nan giải khi chúng ta cứ tự đặt mình vào những chữ “trách nhiệm” với gia đình, ba mẹ và con cái. Bạn thích màu sắc, sự bay bổng và sáng tạo và nghề kế toán chỉ cho bạn cuộc sống tối ngày với con số thu chi, cân bằng sổ sách, báo cáo tài chính.

Vậy thì tôi chỉ hỏi bạn một câu thôi: 35 năm đầu sống vì cha mẹ, 35 năm sau bạn sống vì con cái, vậy khi nào thì bạn sống cho bạn?

Yêu bản thân mình

Hãy yêu bản thân mình trước khi yêu người khác hay sống vì người khác. Nghe có vẻ nghịch lý nhưng lại là một điều hoàn toàn hợp lý và nhân văn. Mỗi con người sinh ra có một cuộc đời với những niềm vui, hạnh phúc từ những lựa chọn của bản thân.

Bạn tôi vì gia đình nên đã sống cho cha mẹ nhưng bạn tôi thật không hạnh phúc khi sáng sáng ra khỏi nhà đến công sở và làm những gì cha mẹ, công ty kỳ vọng. Vậy còn ước mơ kia thì sao?

Hay bạn lại tiếp tục trao ước mơ ấy cho con và kỳ vọng chúng thực hiện? Và rồi những bi kịch sống vì gia đình này lại tiếp diễn ở các thế hệ sau. Bạn đã công bằng với bản thân mình chưa?

Có thể thoạt đầu gia đình sẽ phản đối giấc mơ sáng tạo, bay bổng nhiều màu sắc của bạn, nhưng nếu họ thấy bạn sống vui và hạnh phúc với lựa chọn của bạn thì họ có hạnh phúc không? Nếu bạn yêu công việc, cống hiến sức mình cho nó, tôi tin bạn sẽ gặt hái những thành công nhất định, bao gồm từ mặt tinh thần lẫn vật chất.

Bạn đang lo lắng cho tương lai con mình ư? Tôi nghĩ chúng sẽ nhìn bạn để sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết và đam mê cho những gì chúng theo đuổi.

Không khó để bắt đầu lại

Bạn hỏi tôi, bây giờ bạn 35 rồi, chẳng lẽ lại vào học chung lớp với những đứa trẻ hơn cả giáp…

Bạn ơi, chúng ta 35 có nghĩa là chúng ta đã trải qua rất nhiều thăng trầm cuộc sống, vậy thì chẳng lẽ vì ước mơ của mình mà bạn lại sợ đối mặt với cảm giác “già nhất lớp” hay sao?

Bạn lại hỏi, thế ai cho mình cơ hội để bắt đầu lại? Một câu hỏi có lý khi hầu hết các công ty sẽ chỉ tuyển dụng người có kinh nghiệm.

Thế thì bạn hãy suy nghĩ xem, tại sao ngày xưa lúc mới ra trường, bạn cũng đã có đủ kinh nghiệm để xin vào làm ở một công ty tầm trung. Nỗi sợ lớn nhất này sẽ dần nhỏ lại một cách từ từ khi bạn từng bước sống với đam mê, không ngừng học hỏi, nâng cao tay nghề và kiến thức được nâng cao.

Đến lúc đó, tôi cá rằng những cơ hội sẽ tự tìm đến bạn.

Đi qua nửa dốc cuộc đời nghe thật đáng sợ và càng đáng sợ hơn khi một ngày bạn thấy mình không yêu công việc đã gắn bó bao năm trời, hoang mang lạc lối trong những guồng quay cơm áo gạo tiền.

Nhưng tin tôi đi, người ta thường sẽ chỉ hối tiếc cho những việc họ đã không làm và cuộc đời này chỉ có một thôi. Công việc chiếm đến một phần ba thời gian chúng ta có, nên hãy để nó là một phần ba ý nghĩa trong cuộc sống của mình nhé!

>> 'Kệ nó, cứ bắt tay vào làm thôi'

Hà Phạm

CTV Thu Hà

Cùng chuyên mục
XEM