Những nhịp cầu của vị Việt kiều Pháp tuổi 75

15/04/2013 14:00 PM | Nhân vật

Cầu chỉ rộng 2-2,2 m để bà con qua lại chứ không phải để xe hơi chạy.

Lịch làm việc của kỹ sư Nguyễn Văn Công thật đáng nể vì ở tuổi 75, mấy ai còn năng nổ được như ông: 1.4 làm lễ khởi công xây cầu ở Hậu Giang, 5.4 dự lễ khánh thành cầu mới ở An Giang, 11.4 nghiệm thu cầu ở Ninh Thuận, 15.4 khởi công xây dựng cầu mới ở Long An... 

Hơn 8 năm trước, kể từ khi về hưu, kỹ sư Nguyễn Văn Công, Việt kiều Pháp đã quyết định về lại quê hương để xây cầu từ thiện với vai trò trưởng nhóm VK. Nhóm VK do ông đồng sáng lập, tập hợp hầu hết là trí thức Việt kiều đã về hưu từ nhiều nước trên thế giới với mục đích vận động Việt kiều đóng góp tài chính để xây dựng cầu bê-tông ở nông thôn, thay thế cầu khỉ, cầu ván. 

Tính đến nay, 160 cây cầu mang tên VK đã được xây dựng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh thuộc miền Trung và Tây Nguyên. Tính trung bình, mỗi năm, nhóm VK đã vận động xây dựng và tham gia thi công 18 cầu cầu mới. Như năm 2012, 18 cầy cầu đã được nhóm xây dựng với tổng giá trị hơn 3,5 tỉ đồng. Ông Công cho biết, hiện trong tay ông còn 265 đề án và dự án xây cầu mới đang lưu trong các tập hồ sơ: chuẩn bị thi công; kêu gọi tài trợ.

Kể từ khi cây cầu mang tên VK 1 được xây dựng năm 2004 đến nay nhiều việc đã thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp: nhóm VK đã vận động được thêm nhiều Việt kiều và các tổ chức khác cùng góp sức xây cầu; ứng dụng phương pháp xây cầu mới tiết kiệm thời gian, chi phí và gia tăng độ bền; các địa phương đã cùng tham gia xây cầu bằng ngân sách địa phương... Những nỗ lực của ông và các thành viên khác đã nhận được sự tương trợ của cộng đồng người Việt đang sinh sống ở nhiều nước và các nhà hảo tâm trong nước. 

Như cầu VK 160 mới hoàn thành nghiệm thu đã nhận được viện trợ trực tiếp của Tổng lãnh sự Úc tại TP.HCM với số tiền 200 triệu đồng và của một kiều bào tại Mỹ 200 triệu đồng. Ngày khánh thành cầu VK 160 vừa được tổ chức với bà con địa phương không chỉ là một buổi lễ mà còn là ngày hội khi nhóm VK và các nhà hảo tâm đã tổ chức hẳn một đêm lửa trại cho bà con chung vui. “Cảm động lắm, nhiều bà con cứ cầm tay tôi cảm ơn hoài và bảo có làm mơ cũng không nghĩ sẽ có được một cây cầu vững chắc thế này để tiện cho việc giao thông qua lại giữa 2 bờ”, ông Công chia sẻ.

nhung-cay-cau-mang-ten-vk

Cầu VK chỉ rộng 2-2,2 m để bà con qua lại chứ không phải để xe hơi chạy.

Từ Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ đến Bạc Liêu, Kiên Giang hay cực Nam của tổ quốc là đất mũi Cà Mau, nơi nào nhóm VK đặt chân đến, chỉ trong một thời gian ngắn, các cây cầu lắt lẻo đều được thay bằng cầu bê-tông với công nghệ hiện đại. Khi hoàn thành xong, công trình tiếp tục được nhóm bảo trì trong 3 năm, sau đó chuyển giao cho địa phương tự quản lý. Vốn xuất thân là các kỹ sư am hiểu về cầu đường nên các thành viên của nhóm đã biết cách tính toán tiết kiệm thời gian, chi phí thi công mà vẫn có được những cây cầu đẹp với độ bền hơn 40 năm. 

Ông Công cho biết, cầu VK chỉ rộng từ 2-2,2 m và đó là một tiêu chí xây dựng của nhóm vì đây là cầu để cho bà con qua lại dễ dàng, chứ không phải xây để cho xe hơi chạy. Ông nói vui, cây cầu là cần câu của bà con, có nó cuộc sống của bà con đã thật sự thay đổi, người lớn thuận tiện vận chuyển hàng hóa nông nghiệp, trẻ em thuận lợi đến trường, nhất là trong mùa mưa, kinh tế vùng từ đó cũng phát triển hơn, dần dần đưa người dân thoát khỏi nghèo khó.

Ông kể, trước đây có nhiều người mời nhóm VK xây nhà tình thương nhưng ông quyết làm cầu vì sẽ giải quyết được vấn đề lớn hơn cho những vùng quê nghèo. “Chúng tôi tin rằng chiếc cầu là sự kết nối cụ thể nhất về văn hóa, giao thông, kinh tế, là sự giúp đỡ thiết thực, lâu dài và gần gũi với bà con”, ông cho biết.

Ông cho biết thêm, sau giai đoạn đầu tiên là xây cầu từ thiện tặng 100% kinh phí, nhóm đã chuyển sang giai đoạn 2 là xây cầu hữu nghị tặng 50% kinh phí, khoản còn lại kêu gọi địa phương đóng góp. Trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục chuyển sang giai đoạn 3, cho vay 50% kinh phí xây cầu không thu lãi, 50% vốn do địa phương trả trước, khi khánh thành cầu sẽ thu hồi 50% vốn đã vay để tiếp tục giúp địa phương khác. 

Sắp tới, phạm vi hoạt động của nhóm sẽ mở rộng ra miền Bắc vì hiện có rất nhiều lời đề nghị từ các địa phương đã được gửi đến ông. Do cách trở địa lý, nên ông Công dự tính sẽ phối hợp với các địa phương triển khai phổ biến chương trình xây cầu từ thiện, có dự án nào nhóm VK sẽ cung cấp miễn phí bản vẽ kỹ thuật, kêu gọi tài trợ rồi bàn giao cho địa phương thi công. Một, hai cây cầu đầu tiên nhóm sẽ cử kỹ sư ra xây dựng, hỗ trợ đào tạo cho kỹ sư của địa phương rồi tiến tới chuyển giao hẳn.

Ngoài kỹ sư Công, thành viên duy nhất của nhóm VK có mặt thường xuyên tại Việt Nam để đôn đốc công việc còn có một mạnh thường quân khác luôn sát cánh cùng các hoạt động của nhóm là bà Mỹ Linh, vợ của ông Công. Đến với ông khi cả 2 tóc đã điểm bạc nhưng cũng như chồng, bà là người nhiệt tình tham gia các chương trình vận động tài trợ và trực tiếp tài trợ cho nhiều dự án. Các con của bà ở Mỹ, các con ông ở Pháp dẫu đều mong ông bà qua sống gần con cháu cho vui nhưng không ngăn cản họ ở lại Việt Nam làm thiện nguyện. Vì họ biết niềm vui, lẽ sống của cha mẹ họ hiện giờ là đi bắc những nhịp cầu.

Nhắc lại một kỷ niệm trong hành trình xây cầu từ thiện, bà Linh tâm sự: “Có lẽ chúng tôi sẽ khó mà quên được cây cầu ở huyện Cờ Đỏ vì nhịp cầu đó đã giúp cho 2 người bạn già gặp lại nhau. Hai người bạn ấy, một bị liệt, một bị mù, mấy chục năm xa cách chỉ biết trò chuyện qua tiếng sóng của dòng sông. Ngày xây xong cây cầu, nhóm VK tặng cho ông cụ chiếc xe lăn làm chân sang bên kia sông thăm bạn cố tri. Bữa khánh thành, 2 người đàn ông già gặp nhau đã khóc vì hạnh phúc và cảm động”. 

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM