Người đạo diễn của Kim Jong-il

19/07/2013 15:19 PM | Nhân vật

Số phận ly kỳ của đạo diễn Shin Sang-ok trở thành tâm điểm chú ý trong dịp 60 năm ngày ký thỏa thuận ngừng bắn trên bán đảo Triều Tiên.

Trong tháng 7 này, CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc có nhiều hoạt động lớn để kỷ niệm 60 năm ngày ký thỏa thuận ngừng bắn Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953). Theo Yonhap, khoảng 10.000 binh sĩ đang tích cực luyện tập chuẩn bị cho đại lễ duyệt binh vào 27.7, ngày mà Bình Nhưỡng gọi là “Ngày chiến thắng”. 

Trong khi đó, báo chí Hàn Quốc và phương Tây tiết lộ thêm nhiều chi tiết về nghi án nhà lãnh đạo Kim Jong-il ra lệnh bắt cóc đạo diễn Hàn Quốc Shin Sang-ok và vợ là diễn viên Choi Eun-hee để “giúp xây dựng nền điện ảnh cộng sản tiên tiến”. Cũng dịp này, một bộ phim tài liệu về cuộc đời truân chuyên của hai vợ chồng đã được khởi quay tại Hàn Quốc.

Ông Kim Jong-il tại trường quay của bộ phim Pulsagari - d
Ông Kim Jong-il tại trường quay của bộ phim Pulsagari - Ảnh: Monsterpictures.com.au

“Thượng khách” của ông Kim

Shin Sang-ok được xem là người hiện đại hóa điện ảnh Hàn Quốc sau chiến tranh. Trong những năm 1950 và 1960, ông đã làm hàng chục bộ phim được quốc tế đánh giá cao về thân phận người nghèo, nhất là phụ nữ, theo tạp chí The Economist. Diễn viên được ưa thích nhất của Shin chính là Choi Eun-hee, người mà ông kết hôn đúng vào năm bán đảo Triều Tiên tạm im tiếng súng.

Tuy nhiên, đến năm 1970, các phim của Shin bắt đầu gây khó chịu cho chính quyền Tổng thống Park Chung-hee và hãng phim của ông bị đóng cửa vào năm 1978. Cùng năm, hai vợ chồng ly hôn. Những diễn biến này không lọt khỏi mắt một nhà lãnh đạo bên kia biên giới.

Trước khi qua đời vào năm 2011, ông Kim Jong-il nổi tiếng là người hâm mộ điện ảnh, từng tự tay sản xuất nhiều bộ phim và thấu hiểu sức mạnh tuyên truyền của màn bạc. “Điện ảnh có nhiệm vụ góp phần vào sự phát triển lên chủ nghĩa cộng sản thực thụ của nhân dân. Nhiệm vụ lịch sử này đòi hỏi một cuộc cách mạng về đạo diễn”, ông Kim viết trong cương lĩnh Về nghệ thuật điện ảnh năm 1973. Vì thế, ông quyết tâm “mời” bằng được nhà làm phim tài danh của miền Nam.

Tờ The Guardian trích hồi ký của Choi Eun-hee viết rằng vào cuối năm 1978, bà được mời đến Hồng Kông để xem xét một hợp đồng đóng phim. Choi không ngờ 2 “nhà đầu tư” nói chuyện với bà là 2 điệp viên Bình Nhưỡng và khi thuốc mê tan đi thì bà đã ở trên một con tàu hướng thẳng về Triều Tiên. Đích thân ông Kim ra bến tàu đón và câu đầu tiên của ông là “Cảm ơn vì đã đến, thưa bà Choi”.

Dù đã ly dị nhưng Shin Sang-ok vẫn tỏ ra bất an với sự biến mất của vợ cũ. Ông tìm đến Hồng Kông để rồi cũng “được mời” sang Triều Tiên và bắt đầu chuỗi ngày dài học chính trị. Hai người gặp lại nhau trong một bữa tiệc do ông Kim Jong-il tổ chức. “Hãy ôm nhau đi. Sao đứng như trời trồng vậy?”,The Economist dẫn lời ông Kim nói và đề nghị 2 người tái hôn.

Sau đó, lãnh đạo Kim nói rõ với Shin rằng ông muốn xây dựng một nền điện ảnh tiên tiến, vừa phục vụ công cuộc xây dựng đất nước vừa được công nhận về giá trị nghệ thuật, theo The Guardian. Ông tự nhận rằng điện ảnh bao cấp của Triều Tiên đang trì trệ khi các đạo diễn “làm đi làm lại những thứ chán ngắt”. Không còn cách nào khác, Shin và Choi đồng ý làm phim cho Triều Tiên và họ được cấp ngay nhiều triệu USD, đồng thời được “tự do sáng tạo”.

Đào tẩu ở Vienna

Ông Kim Jong-il yêu cầu đạo diễn Shin làm ra những phim về “chiến thắng huy hoàng” của Triều Tiên trong chiến tranh lẫn công cuộc xây dựng đất nước vinh quang. Nhưng ông nói rõ đó không thể là những phim tuyên truyền thô thiển mà phải “đủ tiêu chuẩn dự LHP Cannes”. Kết quả là Pulsagari ra đời năm 1985 và được Triều Tiên xem là câu trả lời cho những phim về quái vật khổng lồ đang làm mưa làm gió của Nhật Bản khi đó. Pulsagari kể về một con quái vật khổng lồ giúp nông dân đứng lên đấu tranh và lật đổ những kẻ áp bức. Theo The Economist, hàng trăm binh sĩ Triều Tiên đã được huy động vào vai quần chúng. Ngoài ra còn có phim Sogum giúp Choi Eun-hee đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc tại LHP quốc tế Moscow năm 1985.

Sau những thành công trên, vợ chồng Shin Sang-ok được cho phép đến thủ đô Vienna của Áo dự một liên hoan phim vào năm 1986. Tại đây, với sự giúp đỡ của một nhà phê bình người Nhật, họ cắt đuôi các vệ sĩ Triều Tiên và chạy vào Đại sứ quán Mỹ xin tị nạn. Hai người ở Mỹ một thời gian do Shin sợ rằng chính quyền Hàn Quốc sẽ nghĩ ông là gián điệp. Cuối cùng, ông về nước năm 1994 và tiếp tục làm phim cho đến khi qua đời năm 2006 sau một cuộc đời ly kỳ hơn bất cứ bộ phim nào của mình.

Đến nay, CHDCND Triều Tiên vẫn khẳng định vợ chồng Shin tự nguyện rời bỏ Hàn Quốc và còn cáo buộc Mỹ “bắt cóc họ”.

1 triệu USD “để phỏng vấn ông Kim Jong-un”

Báo Hàn Quốc Chosun Ilbo ngày 18.7 dẫn nguồn giấu tên loan tin CHDCND Triều Tiên ra giá 1 triệu USD nếu báo chí nước ngoài muốn phỏng vấn nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhân dịp kỷ niệm 60 năm “Ngày chiến thắng”. Theo đó, con số trên được đưa ra trong thư mời tham dự đợt kỷ niệm gửi tới các hãng thông tấn lớn của phương Tây và Nhật Bản như AP, BBC và Kyodo News. Nguồn tin trên nhận định có thể 1 hoặc 2 cơ quan truyền thông sẽ chấp nhận trả tiền vì đây là cơ hội cực kỳ hiếm hoi để phỏng vấn nhà lãnh đạo Triều Tiên. Chính quyền Bình Nhưỡng và các hãng tin nói trên chưa có phản ứng về thông tin này.

Cũng trong ngày 18.7, một nhóm phóng viên nước ngoài đầu tiên đã tới Triều Tiên để tác nghiệp về các hoạt động chào mừng “Ngày chiến thắng”, theo Chosun Ilbo.

Lê Loan


Theo Trùng Quang

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM