"Kẻ ngạo mạn" Donald Trump: Khi tỷ phú muốn dọn tới Nhà Trắng

26/02/2016 14:45 PM | Nhân vật

“Chưa có bất kỳ vị tổng thống Mỹ nào có thành công trong sự nghiệp như tôi”, ứng cử viên tổng thống Donald Trump đã từng tự tin tuyên bố như vậy.

Nhiều người khó chịu với lời tuyên bố trên của ông Trump và cho rằng vị tỷ phú này ngạo mạn, trong khi đối thủ của ông cho rằng đế chế kinh doanh của Trump dựa trên vay nợ và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên, dù cho ai đúng thì lịch sử xây dựng sự nghiệp của Donald Trump cũng như những gì mà ông điền vào bảng kê khai tài sản khi tham gia tranh cử cũng cho thấy 4 điều:

-Ứng cử viên Donald Trump thực sự giàu, với khối tài sản lên tới hàng tỷ USD

-Ông Trump đã từng cố chuyển hướng kinh doang khỏi mảng bất động sản, vốn phụ thuộc nhiều vào tín dụng, và xây dựng một thương hiệu toàn cầu cho riêng mình. Nhưng những cố gắng trên không đạt được nhiều tiến triển. Hiện 90% số tài sản của tỷ phú Trump vẫn nằm trên đất Mỹ và 80% là bất động sản.

-Hiệu quả kinh doanh của tỷ phú Trump so với bình quân thị trường không phải thực sự tốt

-Phong cách quản lý từ trước tới nay của tỷ phú Trump cho thấy doanh nhân này có thể thoát khỏi lối mòn kinh doanh nếu đắc cử tổng thống và điều hành cả nước Mỹ.

Sự nghiệp thăng trầm

“Tôi đã trải qua rất nhiều chu kỳ lên xuống của sự nghiệp, rất nhiều”, tỷ phú Trump nói.

Sự nghiệp của vị ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2016 này có thể được chia làm 3 thời kỳ chính. Giai đoạn đầu tiên là khoảng 1975-1990 khi ông Trump tăng cường vay nợ để mở rộng kinh doanh.

Bước ngoạt đầu tiên lớn nhất của ông là khi nhà đầu tư này mua lại khu ga trung tâm Grand Central Station và xây lại thành khách sạn Hyatt Hotel như ngày nay.

Trong dự án khổng lồ này, ông Trump đã vay vốn rất nhiều và tìm các nhà thầu để xây dựng lại khu bất động sản trên. Với tài thuyết phục và quản lý hiệu quả, tỷ phú Trump đã kiếm lời lớn sau thương vụ này.

Tiếp theo đó, ông Trump thực hiện hàng loạt các thương vụ bất động sản với phương thức cũ, vay tiền đầu tư vào một khu bất động sản tiềm năng, xây lại và tái kinh doanh thu lợi nhuận.

Ngoài ra, vị tỷ phú này còn mở rộng sang ngành sòng bạc, casino ở thành phố Atlatic và kinh doanh một hãng hàng không nhỏ.

Tổng giá trị đầu tư của ứng cử viên Trump trong giai đoạn này vào khoảng 5 tỷ USD tính theo giá thị trường hiện tại, trong đó 4/5 nguồn vốn là đi vay.

Giai đoạn tiếp theo của sự nghiệp tỷ phú Trump là thời kỳ khủng hoảng thập niên 90, ngành kinh doanh casino đi xuống và 2 trong số bất động sản kinh doanh sòng bạc của ông Trump đã phải nộp đơn phá sản.

Vụ việc này đã ảnh hưởng lớn đến toàn bộ hoạt động kinh doanh của Donald Trump khi ông đang phải vay vốn tới 6 tỷ USD tính theo giá thị trường hiện tại.

Tuy nhiên, nhờ việc bán bớt các khối tài sản, cho phá sản một số hoạt động kinh doanh và thuyết phục các chủ nợ “chịu khó đợi” thêm một thời gian, tỷ phú Trump đã thoát được kết cục phả sản cá nhân và bị kiện.

Sau này, khi giá bất động sản bắt đầu hồi phục dần, ông Trump đã phần nào giải quyết được một số khoản nợ và đến đầu thập niên 2000, tỷ phú này bắt đầu quay trở lại thương trường với những vụ kinh doanh nhỏ như mua lại khách sạn Delminico tại New York.

Giai đoạn cuối cùng là từ sau khi ứng cử viên Trump tham gia chương trình The Apprentice vào năm 2004 cho đến nay. Chương trình thực tế này đã thành công rực rõ với mức đỉnh 28 triệu lượt xem và được kéo dài cho đến tận năm 2015.

Nhờ sự nổi tiếng sau khi tham gia chương trình, Donald Trump đã thu hút được rất nhiều khoản đầu tư trong các dự án kinh doanh của mình, hay nói cách khác là vay vốn bằng “mặt mũi”.

Năm 2004, ông Trump có cổ phần trong 136 công ty thì đến năm 2015, vị tỷ phú này đã tham gia 487 doanh nghiệp. Doanh nhân này cũng mở rộng kinh doanh ngành khách sạn tại Azerbaijan và mảng nước uống tăng lực tại Israel.

Đặc biệt, cái tên Donald Trump đã trở thành thương hiệu toàn cầu đem lại lợi nhuận không kém gì những siêu sao trên thế giới.

Tài sản mập mờ

Do kinh doanh bất động sản bằng vay nợ nên tỷ phú Trump không cung cấp nhiều thông tin về tài sản của mình. Doanh nhân này không thành lập công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán và cũng không thành lập quỹ đầu tư hay tập đoàn nào để quản ký những dự án của mình.

Vì vậy, rất khó để truy tra những hoạt động kinh doanh của ứng cử viên này. Tuy nhiên, trong bản kê khai tài sản trước khi tranh cử và theo số liệu của các hãng tin Forbes, Bloomberg, tổng tài sản của tỷ phú Trump vào khoảng hơn 4 tỷ USD.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, doanh nhân Trump không còn quá “hiếu chiến” trong giới đầu tư bất động sản nếu so với hàng loạt những cái tên mới nổi như gia đình Fisher và Durst hay nhà đầu tư Gary Barnett.

Dẫu vậy, không thể phủ nhận rằng ông Trump đang sở hữu một khối tài sản khổng lồ bao gồm các tòa nhà chọc trời và những sân golf. Đặc biệt, thương hiệu Donald Trump là tài sản giá trị nhất của ứng cử viên này.

Trong bản kê khai tài sản, ông Trump cho biết thương hiệu mang tên ông đem về thu nhập khoảng 68 triệu USD trong năm 2014.

Thương hiệu toàn cầu

Cho dù cái tên Donald Trump đã trở thành một thương hiệu toàn cầu nhưng chủ yếu doanh nhân này được biết đến nhiều trong lĩnh vực kinh doanh golf, phân khúc mà ông Trump có nhiều sân golf cũng như mối quan hệ.

Ở những mảng kinh doanh khác như khách sạn và ngành hàng tiêu thụ, tên tuổi của vị tỷ phú này vẫn chưa thực sự nổi tiếng lắm.

Hơn thế nữa, nhiều thị trường trên thế giới đã được ông Trump tuyên bố là muốn tiếp cận, nhưng hình ảnh của ông tại những quốc gia này lại không được biết đến nhiều.

Mặc dù muốn vươn ra thị trường toàn cầu nhưng chỉ có 7% tổng tài sản của tỷ phú Trump là từ thị trường nước ngoài trong khi 66% đến từ New York.

Thậm chí, có đến 22% tài sản của ông Trump là có được từ sau khi vị tỷ phú này tham gia chương trình The Apprentice năm 2004 và trở nên nổi tiếng.

Trong số tài sản của ông Trump, có 64% là bất động sản và hơn 17% là các khu nghỉ dưỡng, sân golf. Thương vụ bất động sản lớn nhất gần đây của ông Trump là việc mua lại khách sạn Doral đang trên bờ vực phá sản vào năm 2012.

Ngoài ra, chỉ có khoảng 11 công ty hay thương hiệu trong số các tài sản kiếm được sau năm 2004 của tỷ phú Trump là đang đem về dòng tiền trên 1 triệu USD.

Vị ứng cử viên giàu có này cũng cho biết ông đang có thêm khoảng 38 thương vụ đang đàm phán nhưng thông tin này chưa được kiểm chứng.

Nhà kinh doanh đại tài?

Hiệu quả kinh doanh và đầu tư của tỷ phú Trump cũng khó đánh giá như giá trị khối tài sản thực của ông. Theo số liệu của tờ Forbes, kết quả kinh doanh của ứng cử viên này có thể được chia làm 3 khởi điểm khác nhau.

Khởi điểm thứ nhất là từ năm 1985 khi ông Trump chính thức lên bảng xếp hạng của Forbes nhờ khối tài sản mình kiếm ra mà không phải do hỗ trợ của người cha giàu có.

Nếu xét theo khởi điểm này, hiệu quả kinh doanh và đầu tư của ông Trump thấp hơn nhiều so với các công ty đầu tư niêm yết của chỉ số chứng khoán S&P 500 và của chỉ số thị trường bất động sản Manhattan.

Khởi điểm thứ 2 là từ năm 1996 khi ông Trump bắt đầu hồi phục lại sau cơn xì hơi của ngành casino khiến đế chế bất động sản của ông ngập trong nợ nần thập niên 90. Nếu tính bằng mốc khởi điểm này thì tỷ phú Trump đầu tư khá tốt nhờ thị trường bất động sản bắt đầu nóng trở lại.

Khởi điểm cuối cùng là 10 năm trở lại đây, tình hình đầu tư của tỷ phú Trump có thể nói là không hoàn toàn “quá thành công” như những gì ứng viên này tuyên bố. Xếp hạng của Donald Trump trong bảng những người giàu nhất thế giới đã hạ từ mức đỉnh 26 xuống thứ 121.

Đễ chế bất động sản của ông Trump, điều mà nhà tỷ phú này luôn tự hào hiện cũng chỉ có giá trị bằng 1/7 so với tập đoàn bất động sản lớn nhất tại Mỹ.

Trong ngành casino, tỷ phú Trump đã khôn ngoan khi rút khỏi các dự án sòng bạc ở thành phố Atlantic trước khi mọi việc quá tệ, nhưng doanh nhân này lại không đủ tỉnh táo để nhận ra cơn sốt cờ bạc tại Macao.

Rõ ràng, nhiều sự án đầu tư của ông Trump kiếm được lợi nhuận lớn, nhưng doanh nhân này cũng mất không ít tiền cho các dự án tệ.

Hơn nữa, việc vay vốn đầu tư này khá nguy hiểm bởi nếu không đủ sức thuyết phục các chủ nợ hay đủ “mặt mũi” Donald Trump, chỉ một sai lầm lớn là đủ để toàn bộ hệ thống kinh doanh sụp đổ.

Quyết định tranh cử đầy "tính toán"

Tỷ phú Trump có phong cách quản lý khá mạnh mẽ, nhanh nhạy và luôn cập nhật những thông tin mới nhất. Doanh nhân này cũng là một nhà thương thuyết khá tốt cùng khả năng thuyết trình cuốn hút.

Các nhân viên làm việc cho Trump cũng nhận định ông là người khá sát sao với công việc chứ không phải kiểu “chỉ tay 5 ngón”.

Dẫu vậy, mặt trái của phong cách quản lý này là sự bất ổn, khó đoán trước cũng với tính khí nóng nảy. Những quyết định của ông Trump thường xuyên làm bất ngờ nhiều nhân viên và đương nhiên, tính cách nóng nảy của ông khiến vị tỷ phú này có nhiều “kẻ thù”.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump tuyên bố sẽ điều hành nước Mỹ như điều hành một công ty.

Mặc dù vậy, tỷ phú Donald Trump thích hợp là nhà đầu tư và là một người nổi tiếng hơn là giám đốc quản lý. Doanh nhân này đã từng điều hành một công ty niêm yết đại chúng trong khoảng 1995-2004 và bị phá sản.

Nếu trở thành tổng thống Mỹ, tỷ phú Trump cam kết sẽ không liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình nữa. Trường hợp này đã từng được ứng cử viên tổng thống năm 2012 Mitt Romney và năm 1996 Ross Perot áp dụng nhưng không thành công.

Giả sử ông Trump sẽ trở thành tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tiếp theo, những người con của ông là Donald, Ivanka và Eric sẽ điều hành kinh doanh.

Dù vậy, rất có thể công việc kinh doanh sẽ khó có nhiều bước đột phá như hồi ông Trump quản lý, đặc biệt là khi tổ chức đầu tư của gia đình Trump chỉ có khoảng 200-300 triệu USD tiền khả dụng.

Dẫu vậy, việc ông Trump tham gia tranh cử vẫn là một bước đi khôn ngoan khi tăng thêm danh tiếng cho bản thân. Nếu đắc cử, ông sẽ có hẳn cả một hệ thống tham mưu cho mình và vẫn có danh tiếng sau khi về hưu.

Nếu không, tỷ phú Trump sẽ quay lại kinh doanh và chắc chắn doanh nhân này càng dễ vay vốn hơn cũng như thu lợi từ thương hiệu bản thân sau khi ngày càng nổi tiếng.

Tỷ phú Trump sắp bước qua tuổi 70 và ông vẫn chưa thực sự xây dựng một tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng trên thế giới, thay vào đó, vị doanh nhân này vẫn chỉ là một nhà đầu tư thành công.

Có lẽ việc thất bại trong thành lập một tập đoàn đa quốc gia đã thúc đẩy vị tỷ phú này hướng đến việc điều hành đất nước giàu có nhất thế giới.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM