Giấc mơ "McDonalds kiểu Việt"

07/07/2011 17:11 PM |

Từ một người làm thuê, chàng trai 28 tuổi Nguyễn Thành Dương quyết tâm trở thành ông chủ với sản phẩm “McDonalds kiểu Việt”.

Vì sao anh quyết định kinh doanh đồ fastfoods khi ở Việt Nam bây giờ sẽ gặp phải quá nhiều đối thủ cạnh tranh?

Tôi may mắn được tiếp xúc với rất nhiều người và được đi khá nhiều nơi trên thế giới. Một ấn tượng mạnh mẽ nhất với tôi, đó là nhịp sống sôi động ở các nước phát triển, thậm chí ngay cả những nước lân cận. Qua đó, tôi hiểu tại sao fastfoods lại phát triển, thậm chí nó trở thành một phần của cuộc sống và văn hóa Mỹ. Đơn giản, nó mang lại sự tiện dụng cho những con người bận rộn.

Cuộc sống của chúng ta cũng đang bắt nhịp vào xu hướng đó. Tôi tin rằng, fastfoods trong chừng mực nào đó sẽ cũng trở thành ngày một phổ cập cho cuộc sống.

Nhưng ẩm thực không như các lĩnh vực khác lại khá bảo thủ?

Đúng thế, mọi người có thể dễ dàng chấp nhận những trào lưu thời trang mới, những phương tiện giải trí mới, thậm chí một ngôn ngữ mới từ nước ngoài, nhưng họ không dễ dàng thay đổi cách ăn truyền thống từ cha ông để lại.

Hơn nữa, đồ ăn Việt vốn có những nét rất riêng của mình. Khác với món ăn Trung quốc thường coi trọng ngon và bổ, bữa ăn Việt của chúng ta ngon và rất lành. Đó cũng là lý do để ngày nay, rất nhiều quán ăn của người Việt ở nước ngoài đã tự tin treo biển "Nhà hàng Việt Nam". Và tôi quyết định cho ra đời một thương hiệu giao thoa giữa tính tiện dụng của thức ăn nhanh và tính lành đặc trưng của ẩm thực Việt. Có thể nói, VietMac là sản phẩm ‘nâng cấp’ món cơm nắm truyền thống của các cụ ngày xưa.

Tuổi trẻ luôn được gắn liền với sự năng động, với hoài bão, nhưng cũng thường bị coi là sốc nổi, thiếu kinh nghiệm!

Tôi cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, tôi có cơ may được trải nghiệm công việc qua khá nhiều vị trí, ngay từ khi còn ngồi trên ghế trường đại học. Từ vị trí nhân viên, rồi quản lý cho các công ty đa quốc gia, đến làm chủ của một công ty nhỏ về thực phẩm. Mặc dù vậy, điểm yếu nhất của tôi với vị trí CEO, là kinh nghiệm quản lý, điều hành cho một công ty sáng tạo, đầu tư bài bản và có tầm nhìn dài hơi như VietMac.

Đâu sẽ là lợi thế mà anh tin rằng sản phẩm đang làm sẽ có chỗ đứng trên thị trường?

Trước hết, đó là xu hướng về nhu cầu của người tiêu dùng đối với những sản phẩm tiện dụng và có lợi cho sức khỏe. ‘Đã nhanh, lại lành’ không chỉ đơn thuần là slogan, mà còn hàm chứa cả những lợi ích chính của VietMac với người tiêu dùng.

Với những công ty mới ra đời, sức ép rất lớn giữa sự đảm bảo chất lượng sản phẩm và áp lực về tài chính. Điều này càng quan trọng hơn với một ngành nhạy cảm như sản xuất thực phẩm. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng, mục tiêu quan trọng nhất của chúng tôi là thương hiệu VietMac- điều này chỉ đến khi chúng tôi giữ vững cam kết về chất lượng sản phẩm.

Không chỉ đầu tư máy móc khá hiện đại và đạt tiêu chuẩn, chúng tôi còn đặc biệt chú trọng đến nguyên liệu đầu vào, bằng cách ký kết hợp đồng lâu dài với các nhà cung cấp có uy tín. Rau sạch được thu hoạch hằng ngày từ nông trại Lộc Xuân (Tonkin) - dự án lớn nhất của Hà Nội, thịt sạch từ nguồn cung cấp cho các siêu thị lớn.

Nghe như không hề có rào cản?

Rào cản lớn nhất là sự kết hợp một cách phù hợp giữa khẩu vị tinh tế của người Việt, và sự tiện dụng của fastfoods.

Khẩu vị người Việt thật lành, thật tinh tế, nhưng không dễ để tiêu chuẩn hóa. Từ xa xưa, nấu một bữa ăn ngon luôn là niềm tự hào, là bí quyết giữ tổ ấm gia đình của mỗi người mẹ. Trong khi đó, yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp phát triển lên quy mô lớn, là phải tiêu chuẩn hóa được sản phẩm và quy trình sản xuất. Chắc chắn, đây là rào cản lớn, và đòi hỏi chúng tôi phải nỗ lực hơn nữa trong một thời gian dài.

Theo VietMac

thuthuy

Cùng chuyên mục
XEM