Cuộc đua vào ghế chủ tịch VFF: Quyền lực hay tiền bạc?

29/03/2013 13:08 PM | Nhân vật

Các ứng viên phân chia theo hai hướng, quyền và tiền khiến cuộc chạy đua vào chức danh này trở nên nóng hơn bao giờ hết.

Chiều hôm qua 28.3, VFF đã chính thức công khai danh tính của những người được đề cử vào chức danh chủ tịch liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Các ứng viên phân chia theo hai hướng, quyền và tiền khiến cuộc chạy đua vào chức danh này trở nên nóng hơn bao giờ hết.

Nhưng vào cuối giờ chiều, chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã chính thức xác nhận, ông Nguyễn Bá Thanh – trưởng ban Nội chính Trung ương đã từ chối lời đề nghị đứng vào danh sách ứng cử. Ai cũng biết bóng đá Đà Nẵng có được như ngày hôm nay nhờ công rất lớn của ông Nguyễn Bá Thanh, chính ông Bá Thanh là người đã cương quyết nhận Huỳnh Đức về với bóng đá xứ Quảng khi cầu thủ này gần như bị loại khỏi đời sống bóng đá sau vụ “quyền lực đen” của bóng đá TP.HCM. 

Cũng chính ông Thanh là người đã giúp bóng đá Đà Nẵng sống khoẻ, dù phải chuyển sang cơ chế chuyên nghiệp bằng việc giao đất cho bầu Hiển đầu tư để đổi lấy nguồn tài trợ từ SHB. Nhưng, tất cả những thành công ấy diễn ra khi ông Thanh hoàn toàn không phải là chủ tịch liên đoàn Bóng đá Đà Nẵng mà là bí thư Thành uỷ. Chính vì vậy, khi ngồi hẳn vào chiếc ghế chủ tịch VFF để quản lý bóng đá Việt Nam khác hẳn với chuyện trước đây, việc ông Thanh từ chối cũng dễ hiểu.

Cùng với sự từ chối của ông Nguyễn Bá Thanh, ông Võ Quốc Thắng, ông Đỗ Quang Hiển, người vẫn thường được biết đến bằng cách gọi bầu Hiển và bầu Thắng cũng đã xin rút. Bầu Thắng ở cương vị chủ tịch hội đồng quản trị VPF, nhiều người tin rằng việc đưa tên ông Thắng vào chẳng qua chỉ là hình thức bởi nếu ông Thắng trúng cử, vừa quản lý VFF vừa quản lý VPF khác nào, vừa đá bóng vừa thổi còi. 

Bầu Hiển xin rút cũng dễ hiểu, sự bất phục của những ông bầu khác, các huấn luyện viên về chuyện ông một lúc có vài đội bóng vẫn còn nguyên. Thậm chí, việc mới đây ông xuất hiện ở sân Chi Lăng để trao thưởng cho cầu thủ Đà Nẵng ở trận tranh siêu cúp bị không ít người coi như sự thách thức. Có tên mà rớt thì rút tên trước được coi là thượng sách.

Với những người còn lại là ông Lê Hùng Dũng, hiện là phó ở cả VFF lẫn VPF, ông Phạm Văn Tuấn, hiện đang là phó tổng cục trưởng tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) được coi là ứng viên sáng giá nhất trong cuộc đua lần này. Bởi lẽ ông Hoàng Anh Xuân, tổng giám đốc tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) cũng được đề cử nhưng có thông tin không chính thức, ông không mặn mà lắm với chức danh này. 

Ông Lê Quý Phượng – hiệu trưởng trường đại học TDTT TP.HCM, gặp bất lợi khi ở xa, quyền không to, tiền cũng không nhiều. Có chăng ông Phượng được đánh giá cao bởi lành tính. 

Ông Lê Khánh Hải, thứ trưởng bộ Văn hoá – thể thao và du lịch cũng có tên trong dánh sách ứng cử nhưng ngặt nỗi, việc bầu ông Hỷ vốn không rành bóng đá vào chiếc ghế chủ tịch VFF trước đây đã bị coi là một phần nguyên nhân đi xuống của bóng đá Việt Nam. Giờ với ông Hải, nhiều người cũng chẳng biết rõ ông rành thế nào về bóng đá nên hơi khó.

Cuộc đua giữa ông Lê Hùng Dũng và ông Phạm Văn Tuấn được coi là cuộc đua giữa một bên là tiền và một bên là quyền. 

Xét về mặt chức danh nhà nước lẫn chuyên môn bóng đá, ông Tuấn hơn hẳn ông Lê Hùng Dũng. Từng quản lý thể thao ở Gia Lai một thời gian dài trước khi về tổng cục, ông Tuấn đã đi cùng bóng đá Việt Nam từ thời bao cấp đến nay nên hiểu khá rõ những góc khuất. 

Ngược lại, ông Dũng tuy có đôi lần phát biểu hớ về chuyên môn nhưng lại đang nắm hầu bao của VFF. Nói không ngoa suốt thời gian qua VFF sống nhờ “bình oxy” mà ông Dũng bơm, cho bằng việc dùng ngân hàng Eximbank nơi ông đang quản lý để tài trợ cho các giải bóng đá quốc nội.

Thế nhưng, việc bầu bán đâu chỉ đơn giản là nhìn vào những gì đang diễn ra. Các đội bóng được quyền bỏ phiếu đã không ngần ngại tiết lộ, họ cần người có uy tín, có uy lực để huy động các nguồn từ xã hội, chính vì vậy nhìn vào “hậu vận” của các ứng viên để bỏ phiếu rất quan trọng, nhất là đã có những thông tin đồn đoán về tương lai của cả hai ứng viên. Và thời điểm từ đây tới ngày đại hội chính thức chính là thời điểm để họ “nghiên cứu” nên bỏ phiếu theo hướng nào để có lợi nhất.

Lần đầu tiên, chức danh VFF trở nên khó chọn đến vậy, bởi như lần ông Hỷ ngồi vào ghế chủ tịch VFF, ông gần như một mình một ngựa vì ứng viên tự ứng cử là luật sư Trần Vũ Hải bị phê là “không đủ tư cách”.

Theo Tất Đạt

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM