Công việc mới của cựu CEO Sacombank Trần Xuân Huy
'Chỉ khoảng 20% nhân sự làm việc trong ngành tài chính ngân hàng là tốt nghiệp chuyên ngành tài chính – ngân hàng. Chúng tôi không xây trung tâm đào tạo, mà xây mô hình thực hành'.
Giới thiệu: Ông Trần Xuân Huy gia nhập Sacombank từ năm 2000. Ông Huy đảm nhiệm chức vụ TGĐ trong giai đoạn từ T7/2007-T5/2012 và thành viên HĐQT từ T5/2012-T4/2013.
Sau khi rời Sacombank, ông Huy hiện là Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Hoàng Gia và trực tiếp điều hành Trung tâm thực hành Tài chính – Ngân hàng Việt Thành Công (Viet Victory).
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Xuân Huy về công việc hiện tại và mô hình trung tâm mới mà cựu lãnh đạo của Sacombank đang vận hành sau khi rời ngân hàng này.
Chào ông, cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện ngày hôm nay. Đang công tác và thành công trong ngành ngân hàng, ý tưởng nào khiến ông chuyển sang làm việc tại một trung tâm thực hành tài chính - ngân hàng vậy?
Cảm ơn bạn vì câu hỏi rất thú vị. Thực ra tôi vẫn đang làm những công việc liên quan đến ngành Ngân hàng mà thôi, cụ thể là điều hành một trung tâm hướng dẫn thực hành cho các học viên muốn làm việc trong ngành này.
Thời gian qua, các ngân hàng thường xuyên tuyển dụng nóng để có đủ nhân sự cho việc mở rộng mạng lưới, và trung bình một ngân hàng tốn chi phí bằng tiền khoảng 50 triệu/6 tháng cho 1 nhân viên mới. Chưa kể, không phải toàn bộ nhân viên mới đều có thể ở lại làm việc được sau 6 tháng đầu tiên. Trung tâm thực hành Ngân hàng là cách hiện thực hoá mong ước của nhiều tổ chức tín dụng (trong đó có tôi), giúp ngân hàng rút ngắn thời gian đào tạo, tiết kiệm chi phí và đặc biệt là giảm thiểu rủi ro trong hoạt động.
Thị trường đã có nhiều trung tâm đào tạo nghiệp vụ tài chính ngân hàng. Ông có thể cho biết sự khác biệt với những trung tâm khác, và kỳ vọng của ông với trung tâm mới này là gì?
Chúng tôi không xây dựng trung tâm đào tạo, chúng tôi xây dựng mô hình thực hành. Do vậy, sự khác biệt rất rõ nét.
Chúng tôi hướng dẫn thực hành các chức danh làm việc trong ngành tài chính ngân hàng. Chúng tôi xây dựng trung tâm này theo đúng chuẩn của một mô hình Chi nhánh Ngân hàng, giúp học viên làm quen với môi trường chuyên nghiệp. Học viên sẽ là những thực tập sinh tại Chi nhánh Ngân hàng, được hướng dẫn thực hiện tuần tự các công việc trên mẫu biểu, hồ sơ thực tế, được thao tác thực tế trên phần mềm ngân hàng lõi Core-banking.
Ông có nhắc đến phần mềm Ngân hàng lõi (core-banking), ông có thể giải thích cụ thể hơn?
Thuật ngữ này chỉ mới mẻ đối với các bạn sinh viên, còn với những người trong ngành như chúng tôi thì Core-banking khá quen thuộc và không thể thiếu cùng với sự phát triển của Ngân hàng. Đây là phần mềm, giúp Ngân hàng ghi nhận và lưu trữ thông tin khách hàng, quản lý và giám sát hoạt động Ngân hàng theo từng phân hệ: Tiền gửi, tiền vay, thanh toán quốc tế, kế toán, và một số phân hệ khác nhằm phục vụ cho công tác quản lý, báo cáo, thống kê toàn hàng.
Core-banking chính là hạt nhân toàn bộ hệ thống thông tin của một ngân hàng, tất cả các giao dịch được chuyển qua hệ thống core-banking.
Tôi có thể lấy ví dụ, học lái xe hơi thì không thể thiếu chiếc xe hơi để thực hành thử. Tương tự như với việc đào tạo Ngân hàng thì không thể thiếu Core-banking để tác nghiệp. Do vậy, mong muốn của chúng tôi khi triển khai là tạo cơ hội để các bạn sinh viên có thể trải nghiệm và tự tin hơn khi gia nhập vào lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng.
Đã từng điều hành một trong những ngân hàng TMCP lớn tại Việt Nam, xin ông cho biết các chức danh mà ngân hàng tuyển dụng nhiều nhất. Ông làm gì để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng đó?
Chúng tôi đang tập trung hướng dẫn thực hành các chức danh mà Ngân hàng có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất trong giai đoạn hiện nay, như: Giao dịch viên, Chuyên viên khách hàng, Chuyên viên Thanh toán quốc tế, Chuyên viên Kinh doanh tiền tệ.
Những người bạn trong ngành của tôi là các Tổng giám đốc ngân hàng đều ủng hộ mô hình này, và các học viên sau khi hoàn thành khoá thực hành chức danh tại Viet Victory đều được chúng tôi gửi hồ sơ giới thiệu đến các Ngân hàng để phỏng vấn tuyển dụng.
Thực hành giao dịch viên tại quầy ở trung tâm thực hành Viet Victory. (ảnh: NVCC)
Có thể hiểu, mô hình này đem lại cơ hội nghề nghiệp rất lớn cho sinh viên chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng và hướng đến đối tượng sinh viên. Vậy các sinh viên, nhân viên chuyên ngành khác Tài chính ngân hàng có thể trở thành học viên được không, thưa ông?
Theo thống kê của cá nhân tôi, chỉ khoảng 20% nhân sự làm việc trong ngành tài chính ngân hàng là tốt nghiệp chuyên ngành tài chính – ngân hàng. Vì vậy, chúng tôi không giới hạn đối tượng học viên, chúng tôi trao cơ hội cho tất cả các bạn có đam mê làm việc trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.
Học viên của chúng tôi không chỉ là sinh viên, mà còn là nhân viên Ngân hàng học để nâng cao nghề; nhân viên các đơn vị khác học để tìm cơ hội làm việc trong ngành tài chính – ngân hàng, hoặc có thể hiểu được các sản phẩm dịch vụ, quy trình tác nghiệp của Ngân hàng để áp dụng thực tế tại đơn vị mình khi giao dịch với Ngân hàng.
Trung tâm có gặp khó khăn nào trong quá trình hoạt động không, thưa ông?
Rất may mắn là chúng tôi nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các cơ quan quản lý, các bạn đồng nghiệp trong ngành ngân hàng và các em sinh viên. Nếu có khó khăn, thì hiện tại là chúng tôi vẫn chưa quảng bá được rộng rãi mô hình này đến nhiều đối tượng quan tâm thực sự. Chúng tôi cũng đã liên kết với các trường đại học khối kinh tế ở TPHCM để kết nối rộng hơn với các bạn sinh viên kinh tế đang học năm thứ 3 và năm cuối.
Nếu thành công ở TPHCM, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng mô hình thực hành mới ở Hà Nội và các tỉnh thành khác.
Xin chân thành cảm ơn ông. Chúc ông thành công với các dự định của mình!
Kỳ Anh