Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Đừng từ bỏ kinh doanh, hãy đi bằng con đường khác

12/10/2012 21:53 PM | Nhân vật

Giữ niềm tin ở sự nghiệp kinh doanh, nhưng đi bằng con đường khác.

Nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10), trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, điều ông mong muốn chia sẻ lúc này với cộng đồng doanh nghiệp là hãy giữ niềm tin ở sự nghiệp kinh doanh, nhưng đi bằng con đường khác.

Thưa ông, thời điểm này ông có nhận định gì về tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp? 

Đây có thể nói là một trong những giai đoạn khó khăn nhất của doanh nghiệp kể từ sau Đổi Mới (1986), số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể tăng đột biến. Các doanh nghiệp trụ lại được cũng khó khăn, số doanh nghiệp thua lỗ rất lớn.

Sau một thời gian tăng trưởng theo chiều rộng, khá nhiều doanh nghiệp chạy theo các làn sóng đầu cơ, chưa chú ý đến cải thiện năng lực quản trị, chưa chú ý đến xây dựng những yếu tố nền tảng của doanh nghiệp. Chiến lược kinh doanh không rõ ràng, tính chuyên nghiệp thấp. Trong khi bối cảnh thị trường trở nên khó khăn thì bộ phận này sẽ bị khó khăn nhiều nhất.

Bên cạnh đó, một bộ phận doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh thực sự cũng bị liên lụy. Bản thân họ không có lỗi nhưng khách hàng, đối tác của họ khó khăn nên không thanh toán được các khoản nợ, dòng tiền của họ bị đứt đoạn, họ đứng trước nguy cơ phá sản.

Những doanh nghiệp lớn có khó khăn về thành khoản kéo theo một loạt các doanh nghiệp vừa và nhỏ …

Nếu tình hình cứ như thế này, thì dự báo số doanh nghiệp tiếp tục phá sản, giải thể sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Hiện nay có gần 200.000 doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường, và số lượng sẽ tiếp tục tăng lên nếu tình hình không được cải thiện.

Đáng chú ý, trong một hai năm tới, chưa có các nhân tố mới cho sự phát triển. Ví dụ như đầu tư công, chúng ta vẫn đang phải thắt chặt, thứ hai là tín dụng, khả năng tiếp cận tín dụng khó khăn và lãi suất còn cao, FDI cũng đang chững lại, nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi, chưa có nhân tố đột biến để khôi phục nhịp độ tăng trưởng nhanh trong một hai năm trước mắt.

Trong điều kiện đó, hội nhập lại đang đến gần, đặc biệt thị trường ASEAN – Trung Quốc sẽ là một thị trường thống nhất. Thuế nhập khẩu các mặt hàng sẽ giảm chỉ còn 0- 5%. Sức ép của thị trường rất lớn. Có những thuận lợi là thị trường mở rộng nhưng cũng có khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong bức tranh ảm đạm đó, ông có thấy điểm sáng? 

Trong khi nhiều doanh nghiệp lớn đang gặp khó khăn. Và bức tranh doanh nghiệp chung không mấy sáng sủa thì vẫn có những điểm sáng. Một số doanh nghiệp chủ yếu thuộc quy mô vừa, do có chiến lược kinh doanh đúng, cần mẫn, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, không mạo hiểm, có hệ thống quản trị tốt, đặc biệt là hệ thống quản trị rủi ro, biết đa dạng hóa thị trường, biết chủ động tích hợp với các chuỗi giá trị thế giới, thì vẫn tăng trưởng tốt. 

Có doanh nghiệp vẫn tăng trưởng với nhịp độ 30-50%/năm hoặc hơn thì dường như khủng hoảng không ảnh hưởng gì đến họ, thậm chí còn là cơ hội. Các doanh nghiệp này thường được lãnh đạo bởi các doanh nhân trẻ, được đào tạo bài bản. Họ có thể hoạt động trong những lĩnh vực truyền thống như dệt may, giầy dép, thủy sản, hay những lĩnh vực mới như thông tin truyền thông…Nhưng quan trọng là họ đã chú ý hướng vào những khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị.

Tôi cho rằng tái cấu trúc doanh nghiệp nên bắt đầu tư chính kinh nghiệm đó. Đó chính là điểm yếu của nhiều doanh nghiệp Việt.

Theo ông cần làm sao để điểm sáng này phát huy được, giúp có bức tranh kinh tế đỡ ảm đạm hơn? 

Bên cạnh các doanh nghiệp “chết” do chiến lược sai, quản trị tồi thì cũng có một bộ phận DN làm ăn bài bản, nhưng biến động của thị trường và hệ lụy của khách hàng nên họ gặp khó khăn. Đó chính là đối tượng rất cần quan tâm hỗ trợ trong bối cảnh hiện nay. Nhà nước phải hướng chính sách vào để cứu khu vực này.

Tôi muốn lưu ý là các doanh nghiệp “điểm sáng” không nhất thiết phải là những ngành thời thượng như công nghệ thông tin, viễn thông, điện tử…mà còn là các ngành truyền thống như nông nghiệp, thủy sản, dệt may, giày dép…và có thể tạo ra giá trị gia tăng cao trong những ngành này nếu chú ý đầu tư vào khâu nghiên cứu phát triển, phát triển thương hiệu, thị trường…

Ông có thể nói cụ thể là Nhà nước cần hỗ trợ nhóm này ra sao?

Hiện nay chúng ta đang thực hiện chính sách tương đối cào bằng, hỗ trợ theo lĩnh vực hoạt động, theo quy mô doanh nghiệp. Tuy nhiên, phải xác định rõ chính sách và hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp phải tập trung vào khu vực có năng lực cạnh tranh, có khả năng tạo giá trị gia tăng cao hơn và hướng tới phát triển bền vững.

Trong thời điểm khó khăn này, ông muốn chia sẻ điều gì?

Tôi mong muốn các doanh nghiệp hãy quay trở lại những vấn đề cơ bản, chăm lo xây dựng những nền tảng cho sự phát triển của mình.

Nhân ngày doanh nhân, chúng ta nhớ tới Bác Hồ và ta có thể tìm thấy những chỉ đạo quan trọng của người cho công cuộc tái cấu trúc hiện nay. Bác nói phải nâng cao năng suất lao động, phải giữ chữ tín, đề cao trách nhiệm xã hội, quan tâm đến lợi ích của người lao động, phải học tập kinh nghiệm nước ngoài, phải thi đua...

Có một điều làm tôi băn khoăn là dường như hình ảnh doanh nhân đang xấu đi, có một bộ phận trong số họ đang mất niềm tin. Củng cố niềm tin cho họ và giúp họ định hướng con đường kinh doanh là một việc làm quan trọng. Chính phủ cần có định hướng, khuôn khổ cho tái cấu trúc. Tiếp tục xây dựng thể chế kinh tế thị trường minh bạch hơn, bình đẳng hơn, điều hành của Chính phủ phải rõ ràng và nhất quán hơn với chiến lược phát triển. Phải thay đổi, phát tái cấu trúc để tồn tại.

Ông có lạc quan rằng doanh nghiệp sẽ vượt qua khó khăn?

Với những thất bại, đổ vỡ vừa rồi, tất nhiên từ đây doanh nghiệp sẽ thận trọng hơn nhiều, thay đổi về nhận thức, vì họ đã “thấm, ngộ” rồi, sẽ thay đổi hành động.

Với quyết tâm của Chính phủ, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, tạo môi trường ổn định cho doanh nghiệp. Và điều quan trọng nhất là cần thiết phải thực hiện tái cấu trúc hệ thống doanh nghiệp Nhà nước, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng nhanh, tạo môi trường cạnh tranh, bình đẳng hơn. Vấn đề bây giờ là hành động, tình thế không thể không hành động. 

Trụ vững hay phải rút khỏi thị trường. Rõ ràng cộng đồng doanh nghiệp cần có sự động viên, khích lệ tích cực hơn nữa từ phía Chính phủ thông qua những nỗ lực tạo động lực cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển, mà quan trọng nhất đó là việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng tích cực, thể hiện sự Chính phủ đồng hành với doanh nghiệp trong những nỗ lực tái cơ cấu sắp tới.

Ông muốn nhắn nhủ gì với cộng đồng doanh nghiệp nhân ngày 13.10 này?

Điều quan trọng là hãy vẫn giữ niềm tin vào sự nghiệp kinh doanh của các bạn, nhưng phải đi bằng con đường khác. Hãy tiếp tục và vững vàng với sự nghiệp kinh doanh của mình bằng việc trở về những vấn đề và giá trị cơ bản, hướng tới mục tiêu bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Theo Việt Anh
Sài Gòn Tiếp thị

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM