Chàng thanh niên từ 'con nghiện' nặng trở thành 'hiệp sĩ' CNTT

06/05/2013 20:10 PM | Nhân vật

Cái tên Trần Song Khoa đã trở thành một tấm gương sáng cho ý chí và nghị lực vươn lên trong phong trào cai nghiện những năm qua. Nhưng ít ai biết được đằng sau những thành công vang dội ấy, người thanh niên trẻ tuổi Trần Song Khoa đã phải vượt biết bao sóng gió, sự kỳ thị và cả những hệ lụy khi đã mang cái mác là một người nghiện...

Chỉ vì những suy nghĩ ngông cuồng tuổi trẻ, muốn khẳng định mình trước bạn bè, cậu học trò Trần Song Khoa ngày nào đã để cuộc đời mình trượt dài trong những cơn nghiện từ chất trắng. Tuy nhiên, chàng thanh niên này đã kịp bừng tỉnh và đối diện với những sai lầm của mình. Anh đã quyết tâm cai nghiện thành công để không trở thành đứa con bất hiếu.

“Bập” vào ma túy khi đã đỗ 3 trường đại học

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ đầy những tấm bằng khen, Trần Song Khoa (SN 1980, ngụ phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM) không ngớt những nụ cười hiền hòa, thân thiện trên môi với những câu chuyện nghề. Thế nhưng, ít ai biết được ẩn sau những nụ cười ấy, còn có một phần đời đầy sóng gió mà chàng thanh niên Trần Song Khoa phải từng bước vượt qua để tìm lại chính mình. Với ánh mắt trầm lặng, anh Khoa dần hé lộ cho chúng tôi về những câu chuyện buồn chỉ vì những ngông cuồng của tuổi trẻ.

Anh Khoa tâm sự: "Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình trí thức, lại được tiếp xúc với nhiều luồng văn hóa trên mảnh đất Sài Gòn lộng lẫy. Thế nhưng, tôi đã không phát huy được những điều kiện thuận lợi vốn không dễ dàng gì có được như thế. Năm 1998, tốt nghiệp THPT cũng là lúc tôi nhận được giấy báo đậu của ba trường đại học tại TP.HCM. Thế nhưng, vì ham chơi, lại a dua theo bạn bè, tôi lần mò tìm đến và thử cảm giác "đê mê" của chất trắng. Cuốn theo trào lưu "đi bão ban đêm" của giới trẻ lúc bấy giờ. Càng ngày tôi càng lún sâu và trượt dài cùng ma túy, chỉ vì muốn khẳng định độ "sành điệu" của dân chơi. Cũng vì thế, tôi bỏ bê việc học hành ở giảng đường đại học mà gia đình đã kỳ vọng ở cậu con trai "quý tử" như tôi".

Anh Khoa tiếp lời: "Tôi đã lầm tưởng vì nghĩ có thể giấu được tội lỗi tày trời của mình với những người thân yêu. Lúc đầu, tôi nói dối là xin tiền đóng học phí để có tiền mua thuốc. Đến lúc không thể sử dụng "chiêu bài" cũ để xin tiền, tôi nảy sinh ý định ăn trộm tiền của bố mẹ. Thậm chí, tôi còn "chôm chỉa" cả đồ nữ trang của hai chị gái bán kiếm tiền mua chất trắng. Mọi sinh hoạt hàng ngày của tôi cũng vì thế mà đảo lộn. Tôi thức trắng cả đêm, nhưng ngày thì lăn ra ngủ như chết. Những cơn thèm thuốc khiến tôi vật vã, và tìm mọi cách để có tiền thỏa mãn cơn nghiện. Quá dễ dàng bởi lúc này tôi chỉ cần bước ra khỏi cửa là có thể mua ma túy mà chẳng cần tốn công đi tìm".

Thế rồi, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, ba mẹ tôi sốc vì phát hiện đứa con trai ngoan bấy lâu của mình trở thành một con nghiện nặng mà không hề hay biết. Nghĩ đến tương lai của con mình, năm 1997, ba mẹ tôi đã đưa tôi đi cai nghiện. Tôi không nhớ nổi mình đã ra vào trại bao nhiêu lần. Bởi khi vào trại, những con nghiện có "cơ hội" truyền tai nhau cách thức khiến mình có thể cảm nhận được độ phê của thuốc bằng cách chích. Chính vì thế, cứ ra khỏi trại tôi lại tìm cách khám phá những điều bí ẩn về chất trắng. Có thời gian, ba mẹ còn phải thuê bác sĩ về nhà để giúp tôi cai nghiện nhưng cũng chẳng thể nào chiến thắng cái con người bản năng trong tôi lúc đó. Cuộc sống của tôi cứ thế trượt dài trong nỗi đau vật vã, trong sự thất vọng của gia đình và bạn bè".

Quyết tâm cai nghiện vì "chữ hiếu"

Trong quãng thời gian buồn bã ấy, anh đã chứng kiến hàng loạt bệnh nhân nhiễm HIV - AIDS chỉ vì ma túy. Và con số những bệnh nhân này không ngừng tăng lên mỗi ngày. Thế nhưng, điều khiến anh buộc phải thay đổi số phận của mình không phải là cái “bóng ma ám ảnh” của những con số ấy. "Một lần, trong một trại cai nghiện, tôi tận mắt chứng kiến hai người thanh niên nói với một bà cụ: "Bà mà không lãnh tôi về là tôi giết và đốt bà luôn". Câu nói đường cùng của con nghiện đã đụng đến trái tim tôi. Nó khiến tôi đau đớn, xót xa dù cho mình chưa bao giờ nói ra điều đó. Lúc bấy giờ, tôi nhận ra rằng, ma túy thực sự đã biến đổi nhân cách của con người. Tình mẫu tử, cha con cũng mất đi chỉ vì cơn nghiện", anh nhớ lại.

Anh Khoa chia sẻ: "Tôi sợ rằng đến một lúc nào đó mình cũng sẽ hành động và văng ra những lời tàn bạo đến người thân sinh ra mình. Sợ sẽ trở thành đứa con bất hiếu nên tôi quyết tâm cai nghiện cho bằng được. Khoảng thời gian này, tôi đã một mình chiến đấu với những cơn vật vã, đau đớn. Có những lúc, cảm thấy không thể chịu đựng thêm được nữa và định buông xuôi theo số phận. Nhưng nghĩ đến nỗi vất vả, hi sinh của bố mẹ tôi lại sực tỉnh và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quan trọng của mình. Thậm chí, tôi còn phải cầu cứu ba mẹ chuyển nhà về một nơi yên tĩnh để tránh tiếp xúc với bạn bè. Sau 13 tháng ăn dầm nằm dề ở trại, tôi đã cai nghiện thành công và trở về với gia đình vào năm 1999".

Thế nhưng, mọi thứ không mấy dễ dàng với những người đã từng lầm lỡ như anh. Thời gian anh mới trở về, không ai, ngay cả bố mẹ dành cho anh một niềm tin dù chỉ là nhỏ nhất. Mỗi lúc có việc đi đâu, cần xin tiền, mọi người lại nhìn anh bằng ánh mắt ngờ vực như một tên tội phạm nguy hiểm. Vì họ cho rằng với một con nghiện như anh thì khó mà dứt bỏ khỏi thứ chất trắng cám dỗ ấy. Thậm chí, mới về được hôm trước, thì hôm sau có bạn bè tìm đến và dụ dỗ đi theo con đường cũ. Thế nhưng, những điều vụn vặt ấy không khiến anh buồn và thất vọng. Anh nghĩ rằng đó là cái giá mà mình phải trả sau những cuộc chơi ngông. Để tạo dựng lại niềm tin trong lòng mọi người, anh phải cố gắng bằng chính năng lực của bản thân.

Sáu tháng sau, sự quyết tâm của anh đã khiến mọi người phải hoàn toàn tin tưởng rằng anh không còn bị phụ thuộc vào ma túy nữa. Anh chia sẻ: "Tôi rất hạnh phúc bởi mình đã có thể tìm lại chính bản thân mình sau bao nhiêu năm. Tôi vui vì đã mang lại sự bình yên cho gia đình. Vui mừng hơn nữa là việc cai nghiện thành công của tôi đã được Nhà nước công nhận. Điều đó chính là động lực để tôi tiếp tục cố gắng sống tốt hơn để sửa đổi sai lầm mà không sợ bị mọi người ruồng bỏ hay khinh thường. Cho đến bây giờ, trong mọi sự buồn đau của cuộc sống, tôi chưa một lần nghĩ tới ma túy". 

Ba yếu tố không thể thiếu khi cai nghiện

Anh Trần Song Khoa chia sẻ: "Để giúp một con nghiện cai thành công thì cần phải có đầy đủ ba yếu tố: Cá nhân, gia đình và xã hội. Nếu như chỉ cần thiếu một trong ba yếu tố đó thì việc cai nghiện cũng hoàn toàn thất bại. Mọi người hãy mở rộng vòng tay để che chở và tiếp thêm sức mạnh để họ cai nghiện thành công chứ không nên hắt hủi hay tách biệt cuộc sống với họ. Bởi đó chính là nguyên nhân đẩy họ nhanh chóng tìm đến cái chết. Với tư cách là một người đã thoát khỏi sự lệ thuộc của ma túy bao năm nay, tôi mong đối với những người mới bắt đầu nghiện hoặc là những em học sinh thì không nên đưa đến trại và cần tránh xa những con nghiện".

Theo Thơ Trịnh - Hà Hưng

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM