Chân dung CEO hãng thời trang Yves Saint Laurent

08/07/2013 07:57 AM | Nhân vật

Không chỉ là nhà thiết kế thời trang danh tiếng, người đã đánh dấu nhiều mốc quan trọng cho nền công nghiệp thời trang, Yves Saint Laurent còn là biểu tượng của tài năng, của đam mê và mục đích cao quý của thời trang.

Tình yêu với thời trang

Yves Saint Laurent tên thật là Yves Henri Donat Mathieu Saint Laurent, là một trong những tên tuổi vĩ đại của ngành thời trang Pháp thế kỷ XX. Sinh năm 1930 tại Oran – Algerie từ một gia đình trung lưu người Pháp.

Là con trai của giám đốc công ty bảo hiểm, Yves Henri Donat Mathieu Saint Laurent sớm rời xa gia đình từ năm 17 tuổi để theo đuổi giấc mơ thiết kế thời trang với nhà thiết kế Christian Dior và khai sinh thương hiệu Yves Saint Laurent (YSL) đã đi vào lịch sử và là niềm khát khao của nhiều quý bà.

Yves Saint Laurent được tán dương bởi những nhà phê bình Pháp bởi sự phá cách trong chặng đầu của sự nghiệp

Năm 1957, Christian Dior bất ngờ qua đời sau cơn đột quỵ tim. Saint Laurent, người trợ lý mới 21 tuổi được chỉ định thay thế nhà thiết kế nổi tiếng. Trong một đêm thức trắng, Saint Laurent đã phác thảo 100 mẫu, và sau đó chọn ra một tâm điểm cho buổi ra mắt bộ sưu tập (BST) đầu tiên dưới nhà Dior vào tháng 1/1958.

Mẫu trang phục ấy là chiếc váy hình thang (trapeze dress), được tán dương bởi giới phê bình, khi nó giải phóng người phụ nữ khỏi hình dáng bó sát cơ thể bằng bộ váy xòe rộng chít eo – thiết kế New Look đặc trưng của Dior, mà vẫn thanh nhã, sang trọng.

Le Figaro đăng tin “Saint Laurent đã cứu giúp nước Pháp”. Cũng trong dịp này, Yves gặp Pierre Bergé, người trở thành bạn tâm giao và hỗ trợ sự nghiệp, tình cảm lẫn tinh thần cho ông đến tận cuối đời.

Với sự động viên của Bergé, mùa Thu - Đông 1960, Yves Saint Laurent cho ra đời BST đầu tiên trong lịch sử thời trang cao cấp lấy cảm hứng từ thời trang đường phố, mang âm hưởng “beatnik” của phe cánh tả, giới tri thức, nghệ sĩ trẻ tuổi tập trung bên bờ trái sông Seine.

Trong BST này, mẫu áo cho dân đua xe máy (motorcycle blousons) ngắn qua eo (tuy là may bằng da cá sấu và cổ viền lông thú), ủng cao quá đầu gối, mặc cùng áo len cao cổ đã làm số đông khách hàng thời trang cao cấp ngỡ ngàng và chủ đầu tư của Dior là Marcel Boussace phật ý.

Ông là người đầu tiên khoác bộ vest nam tính lên người nữ giới và nhận được những phản ứng tích cực lẫn tiêu cực

Sau sự kiện này, ông bị gọi nhập ngũ nhưng nhà mốt Dior đã không can thiệp để ngăn cản việc này, chỉ sau 20 ngày nhập ngũ, Yves đã phải vào viện tâm thần vì suy sụp và rối loạn thần kinh. Không biết ngẫu nhiên hay cố ý, nhưng chủ đầu tư của nhà mốt Dior đã hủy hợp đồng với ông sau biến cố này.
Bao giờ cũng vậy, tài năng thời trang không phải lúc nào cũng phù hợp với công chúng, tài năng của Yves bị phủ nhận ở giai đoạn này. Từ số tiền đền bù và một số nguồn ủng hộ tài chính, Yves mở nhà mốt thời trang cao cấp riêng của mình.

BST đầu tiên có mẫu áo khoác dạ xanh sẫm, hai hàng nút (pea coat) lấy cảm hứng từ trang phục của thủy thủ ra mắt năm 1962 tại phố Spontini.

Trong thập niên 1960, thương hiệu Yves Saint Laurent, với biểu tượng YSL do Cassandre thực hiện, trở thành tiêu biểu cho người phụ nữ hiện đại đang dần dần chiếm lĩnh chỗ đứng quan trọng trong xã hội phương Tây. “Cuộc cách mạng trẻ” nửa cuối thập kỷ 1960 đã gây ảnh hưởng lớn nhất đến ông lúc bấy giờ.

Những điểm nhấn thời trang


Con người Yves Saint Laurent: nghệ sĩ, phóng khoáng và đam mê

Cuộc đời sự nghiệp của ông mang nhiều dấu ấn độc tôn, ông là người dẫn đầu cho nhiều sự kiện quan trọng trong làng thời trang mà không ai có thể ngờ tới.Những điều “đầu tiên” mà ông đem lại đã từng làm chấn động và thay đổi cả cách nhìn về thế giới thời trang.

Ông là nhà thiết kế đầu tiên tuyển dụng người dân tộc thiểu số làm người mẫu trên sàn catwalk. Có lẽ “YSL” nổi tiếng nhất là qua bộ sưu tập tuxedo “Le Smoking” phảng phất nét nam tính bên ngoài chiếc áo vest smoking, nhưng chứa đựng sự dịu dàng nữ tính.

Hay các mẫu áo blouse bằng vải mousseline mềm, áo thôn nữ, áo jacket boléro, vest theo bộ và áo khoác smock. Bằng cách nữ tính hóa các đường nét căn bản trong trang phục dành cho nam giới, YSL đã đặt ra tiêu chuẩn mới cho thế giới thời trang.

Ông không chỉ tạo ra cho nữ giới các mẫu áo tuxedo của nam mà còn cả các mẫu áo jacket safari, áo vai rơi và đồ bay của phi công. BST “40s” đột phá vào năm 1971 cũng như chiến dịch quảng cáo cho mẫu nước hoa nam giới đầu tiên của YSL là “Pour Homme”, với tạo hình của chính Yves trong tư thế nude của ông đã làm sững sờ các nhà phê bình thời trang.

Nước hoa đầu tiên mang thương hiệu của ông

Năm 1977, YSL tung ra mẫu nước hoa “Opium” nổi tiếng với hương thơm nồng của hoa oải hương quyến rũ lòng người.

Năm 1983, ông trở thành nhà thiết kế thời trang đầu tiên còn sống được phép tổ chức triển lãm cá nhân ở Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, cũng như show trình diễn thời trang hoành tráng với 300 người mẫu ở trận giải chung kết vô địch bóng đá thế giới năm 1998 ở sân Stade de France và vinh dự nhận giải thưởng “Thành tựu trọn đời” của Hội đồng các Nhà thiết kế thời trang Mỹ.

Vào tháng 1/2002, nhà thiết kế 65 tuổi này đã thông báo nghỉ hưu. Ông tiết lộ rằng quyết định của ông dựa trên sự chán nản về một ngành công nghiệp đã bị xâm chiếm bởi lợi ích thương mại hơn là nghệ thuật.

“Tôi không có gì chung với thế giới mới của thời trang, mà đã bị giảm xuống chỉ còn những bộ quần áo tầm thường”, “Sự thanh lịch và vẻ đẹp đã bị trục xuất”. Các tin tức xuất hiện chỉ 16 ngày trước khi ông trình diễn bộ sưu tập thời trang cao cấp cuối cùng của mình.

Một kết thúc phù hợp với sự nghiệp 40 năm của mình. Ở tuổi 71, ông chết vì bệnh ung thư não vào tháng 6/2008 trên một chuyến đi trở lại quê hương Paris của mình.

Bộ sưu tập mang tên ông mùa Xuân - Hè 2013

Theo Quyên Bùi

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM