CEO Netflix: Tôi dành 6 tuần mỗi năm để "khai sáng"

05/11/2015 16:25 PM | Nhân vật

Đấy là con số khiêm tốn. Trên thực tế, người sáng lập kiêm CEO Netflix, Reed Hastings mất ít nhất 6 tuần cho kỳ nghỉ mỗi năm và ông tin rằng phương pháp cải tiến của nó sẽ là chiếc chìa khóa thành công của mọi công ty.

Được thành lập từ một ý tưởng ít ai ngờ tới và không có kế hoạch gắn bó lâu dài, câu chuyện thành công của Netflix đáng kinh ngạc ngay cả với cá tính lập dị như Hastings.

Phát kiến đến vào năm 1997, khi Hastings nhận được thông báo trả khoản phí 40 đô la quá hạn thuê DVD từ hệ thống cửa hàng Blockbuster bằng thư tín. Ông với đồng sáng lập, Marc Randolph ngay sau đó cùng nhau nuôi ý tưởng thành lập một công ty cho thuê DVD qua thư tín và đó là cách kỳ lạ mà Netflix ra đời.

Netflix đã kinh doanh khá tốt, nhưng dưới tầm vóc quá lớn từ gã khổng lồ trong ngành cho thuê DVD là Blockbuster, Hastings muốn bắt tay làm bạn thay vì đối đầu, nên đã chào bán cổ phần của công ty vào năm 2000. Tuy nhiên, Blockbuster không quan tâm đến lời đề nghị này.

Trong sự phát triển bùng nổ của thời đại Internet vào đầu thế kỷ 20, công nghệ đã mang đến sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian cho người sử dụng khi muốn coi một bộ phim, vì thế họa vô đơn chí đẩy ngành cho thuê DVD đi vào dĩ vãng mà không kèn không trống.

Blockbuster với hệ thống hàng ngàn cửa hàng đã phải phá sản vào năm 2010 do không thay đổi và hội nhập với xu thế. Trong khi đó, Hastings đủ nhạy bén để kiến tạo lại tương lai Netflix khi chuyển mình từ từ ngành kinh doanh chủ chốt là DVD để trở thành dịch vụ truyền hình trực tuyến Internet, sản xuất cả phim và show truyền hình.

Hiện tại, Netflix đang có tầm 70 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ giải trí trực tuyến của công ty, với tầm bao phủ hơn 50 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của công ty bắt đầu chậm lại trong năm nay do áp lực từ sự cạnh tranh.

Trong biển khó khăn nhằm tìm ra giải pháp cho sự tăng trưởng tiếp theo của công ty, có thể gã lập dị Hastings lại thực hiện một chuyến đi du lịch vì theo ông, phương pháp này sẽ giúp mình “khai sáng” tầm nhìn.

“Bạn thường cho ra đời những ý tưởng tốt nhất của mình khi tâm trạng thư thái và đang thả hồn vào một không gian mới. Vì thế, đi bộ thong dong giữa một hàng cây hay đi bộ đường dài lên núi sẽ giúp tôi có được một cái nhìn khác để cải tiến những lối mòn”, Hastings chia sẽ tại một hội nghị Dealbook ở New York và được tờ báo New York Times đăng tải.

“Tôi mất rất nhiều thời gian để đi nghỉ và tôi cũng cố gắng thiết lập thói quen trên vào mã di truyền của Netflix”, ông tiếp tục nói.

Văn hóa “du lịch” tại công sở

Hiện tại, Netflix là một trong số ít công ty “dám” thực hiện chính sách kỳ nghỉ không giới hạn. Cụ thể, khi một nhân viên nữ trong Netflix lên chức mẹ, Hastings sẽ cho họ nghỉ phép “không giới hạn” trong vòng một năm sau khi sinh mà vẫn giữ nguyên mức lương cho họ.

Hay các nhân viên nam lên chức cha, họ cũng sẽ được “thơm lây” khi được đặc quyền nghỉ tùy thích trong 365 ngày kể từ khi em bé chào đời mà vẫn được nhận lương đầy đủ.

“Mô hình tương lai của chúng tôi là tăng quyền tự do trong nhân viên cũng quan trọng như cách chúng tôi tồn tại, chứ không hạn chế nó, để tiếp tục thu hút nhân tài và nuôi dưỡng cá nhân sáng tạo”, Business Insider dẫn lời Hastings.

Theo ông, hiệu quả công việc nên đặt lên hàng đầu thay vì chấm công số giờ nhân viên có mặt tại công ty. Vì thế với chính sách nghỉ phép khá lạ lẫm của mình, Hastings kỳ vọng kết quả mang lại sẽ là lòng trung thành, tin tưởng và khơi dậy đam mê từ nhân viên.

Bên cạnh đó, Netflix cũng không giới hạn ngày nghỉ phép của nhân viên. Thay vao đó, nhân viên và người quản lý của họ sẽ có những trao đổi về những gì là thích hợp để phát triển cũng như đảm bảo đặc quyền này không bị sử dụng không hiệu quả hay bị lạm dụng.

Đinh Lộc

Cùng chuyên mục
XEM