B.B. King – Vua nhạc blues hiếm hoi và hoàn hảo

08/06/2015 09:12 AM | Nhân vật

King là tên thật trong khai sinh của ông nhưng cũng là một danh hiệu mà người đời xưng tụng cho tài năng của ông. Trong khoảng thời gian từ năm 1951 đến năm 1985, B.B. King lọt vào bảng xếp hạng R&B của Billboard đến 74 lần, hết sức ấn tượng với một nghệ sĩ nhạc blues

Ông cũng là một nghệ sĩ rặt nhạc blues hiếm hoi có được bài hit rực rỡ The Thrill Is Gone vào năm 1970. Trùng hợp là nhạc blues có đến ba nhân vật đều có tên King và mỗi người có tài năng thuộc dạng thần sầu quỷ khóc: B.B. King, Albert King và Freddie King.

B.B. King có xuất thân hoàn hảo cho nhạc blues: sinh ra trong một đồn điền bông vải ở Mississipi. Bố mẹ chia tay từ khi ông còn rất nhỏ và King lớn lên khi thì ở nhà mẹ, khi thì cùng với bà ngoại.

Năm 1947, King đi bộ đến Memphis, bang Tennessee để tìm anh họ là tay guitar Bukka White, người dạy ông chơi guitar nhạc blues. Như bất cứ tượng đài nào khác vẫn luôn có cột mốc đổi đời, một ai đó khiến họ quyết định đi con đường sau này sẽ đưa họ trở thành tượng đài và với B.B. King, đó là T-Bone Walker, người khiến ông quyết định phải có bằng được cây guitar điện.

Hai chữ BB viết tắt trong nghệ danh của ông là từ “Blues Boy”, vốn là lời giới thiệu về King trên radio “The Beale Street Blues Boy”. Sau bài hit đầu tay Three O’Clock Blues, King lưu diễn dọc ngang nước Mỹ, có năm như năm 1956, diễn đến 342 buổi!

Dù là một ngôi sao trong cộng đồng da màu nhưng King vẫn ít được biết đến với người nghe nhạc da trắng cho đến năm 1965 khi nhóm nhạc có tay guitar Mike Bloomfield tung ra album The Paul Butterfield Blues Band thành công rực rỡ. Mike trở thành ngôi sao và khi được hỏi sao anh có thể chơi guitar hay như vậy, Mike trả lời: “Cứ bắt chước B.B. King, một con quái vật thật sự”.

Trong thập niên 70, King là một trong những người chơi nhạc blues hiếm hoi vẫn có những bài hit đều đặn. Lý do khá dễ hiểu: King không ngần ngại với những thử nghiệm mới thay vì cố thủ với blues.

Ví dụ năm 1973, ông đến Philadelphia ghi âm các bản nhạc To Know You Is to Love You và I Like to Live the Love với dàn nhạc đệm từng ghi âm các bài hit cho những nhóm hát nhạc soul như The Spinners hay The O’Jays. Năm 1978, ông hợp lực với ban nhạc jazz Crusaders cho ra các bản nhộn nhịp như Never Make Your Move Too Soon và When It All Comes Down.

Tất nhiên cũng có những lần chệch hướng như album Love Me Tender hướng đến sử dụng phong cách nhạc Nashville để chinh phục người nghe đã thất bại về mặt nghệ thuật. Nhưng nếu thích nhạc pop kinh điển dễ nghe theo một cách thể hiện lạ thì đây vẫn là một đĩa thú vị.

Nhạc blues có một dấu ấn rất rõ rệt với rock: Vô số tay guitar kiệt xuất của rock nhìn nhận mình chịu ảnh hưởng từ B.B. King, từ Jimi Hendrix, Eric Clapton, George Harrison cho tới Slash của nhóm Guns N Roses. Với tinh thần phóng khoáng, King đã có những lần hợp tác với rất nhiều tên tuổi thuộc nhiều dòng nhạc khác nhau của làng nhạc như James Brown, Van Morrison, U2, John Mayer, Gloria Estefan…

Một điểm đáng chú ý nữa là King sử dụng các thiết bị tương đối đơn giản: Thời gian đầu, ông sử dụng Fender Telescaster, sau đó chuyển sang sử dụng đàn Gibson ES-355. Có hẳn một câu chuyện truyền thuyết về dòng Gibson mà King sử dụng. Mùa đông năm 1949, King diễn tại một hội trường ở Arkansas. Để sưởi, người ta đã sử dụng một thùng chứa dầu lửa đốt lên tạo hơi ấm.

BB King doanhnhansaigon

Trong khi trên sân khấu đang diễn nhạc, bên dưới có hai người đàn ông đánh nhau, xô vào thùng dầu và khiến hội trường bốc cháy, khán giả tháo chạy tán loạn. Khi ra bên ngoài rồi, King mới nhớ ra ông quên mang theo cây đàn Gibson yêu thích giá 30 đôla của mình nên phải xông vào lại biển lửa để cứu đàn. Hôm sau, ông mới được biết hai người đàn ông kia đánh nhau vì một phụ nữ tên là Lucille.

Từ đó, ông đặt tên cây đàn của mình và tất cả những đàn ông sở hữu sau đó là Lucille, như một lời nhắc nhở rằng đừng bao giờ liều mình xông vào tòa nhà đang cháy hoặc đánh nhau vì phụ nữ! Ông viết hẳn một bài hát về câu chuyện này (chủ yếu là kể chuyện và đàn chứ không hát), tung ra trong album cũng đặt tên là Lucille năm 1968.

Trong bài có đề cập đến giọng hát mà King rất thích là Frank Sinatra rồi Sammy Davis Jr., Ray Charles, Mahalia Jackson. Ông cũng từng tuyên bố về việc biểu diễn của mình: “Khi hát thì tôi chơi đàn trong đầu, giây phút mà tôi ngừng hát bằng giọng của mình, tôi bắt đầu hát bằng cách chơi cây Lucille”.

Một câu chuyện hấp dẫn để làm thương hiệu nên năm 1980, hãng Gibson tung ra dòng đàn B.B. King Lucille. Đến năm 2005, 80 cây Gibson Lucille đặc biệt được sản xuất để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của King. Amply mà ông sử dụng cũng đơn giản và trung thành Lab Series L5. Vì vậy, những âm thanh mà King tạo ra trên sân khấu phụ thuộc hoàn toàn vào tài năng của ông.

Theo Trí Quyền

Cùng chuyên mục
XEM