Ambarish Mitra: Đi lên từ khu ổ chuột Ấn Độ, gây dựng công ty tỷ đô

26/08/2015 14:10 PM | Nhân vật

Sự nghiệp kinh doanh của Ambarish Mitra đang thành công rực rỡ, nhưng không nhiều người biết rằng anh đã gây dựng mọi thứ với hai bàn tay trắng, với điểm xuất phát từ khu ổ chuột nghèo nàn nhất Ấn Độ.

Một cuộc “nổi loạn”

Mitra được sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung lưu ở miền bắc Ấn Độ. Mọi thành viên trong gia đình đều là người coi trọng việc học hành. Cha anh ngay từ những ngày đầu đã hướng Mitra đi theo nghiệp kỹ sư giống ông. Từ khi Mitra còn bé, ông đã cho anh tiếp cận với những tạp chí kỹ thuật rất “hàn lâm” và hy vọng cậu con trai của mình sẽ tiếp tục kế nghiệp mình.

Tuy vậy, Mitra lại bị thế giới công nghệ thu hút một cách kỳ lạ, đặc biệt là internet. Không may, cậu bé Mitra lại thường xuyên không có kết quả học tập tốt tại trường, chỉ mê mẩn nghe nhạc Backstreet Boys và rock trong khi chồng sách bố tặng cứ xếp chồng cao ngất trên bàn. Sau này, Mitra chia sẻ, 2 cuốn sách yêu thích nhất của anh là về sự sụp đổ của IBM và nghiên cứu về... định mệnh.

Bàn làm việc của Ambarish Mitra tại nhà, vẫn không có gì khác so với những năm 1997.
Bàn làm việc của Ambarish Mitra tại nhà, vẫn không có gì khác so với năm 1997.

Chứng kiến sự ra đời và sức ảnh hưởng không tưởng của internet, Mitra luôn thần tượng Bill Gates vì những gì ông đã làm cho thế giới. Anh tìm đọc hết các bài báo về Bill Gates cũng như các tác phẩm của ông. Trên bàn làm việc của mình, Mitra đặt cạnh chiếc máy tính một tấm ảnh của Bill Gates và Warren Buffet được anh cắt ra từ một trang tạp chí. Mitra bộc bạch: “Kể từ lúc đó, tôi bắt đầu trở nên “tôn thờ” Bill Gates, thậm chí gần như là… fan cuồng của ông ấy vậy. Trong khi ở thời đó, người ta thường trưng ảnh Madonna hay một ca sĩ, nhóm nhạc nổi tiếng nào đó, thì tôi lại trưng ảnh Bill Gates”.

Niềm đam mê internet đôi khi khiến Mitra vô cùng khó xử bởi cha mẹ chỉ muốn anh đi theo con đường kỹ sư. Tuy vậy, chàng thanh niên Mitra vẫn muốn làm gì đó để thoát khỏi vòng tay bảo bọc của bố mẹ. Mitra chia sẻ, “Bố mẹ tôi chỉ muốn tôi theo nghiệp bố, nhưng thực sự tôi chẳng có tí hứng thú nào với nghề kỹ sư cả. Và thậm chí, khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, tôi quyết định bỏ nhà ra đi và đến sống ở một khu ổ chuột tại Delhi”.

Cuộc sống mới tại Munirka

Tự lập tại khu ổ chuột, Mitra kiếm sống bằng việc gõ cửa từng nhà trong thành phố mời đăng ký mua tạp chí. Mitra cho rằng, đây chính là cơ hội cho anh làm quen và học cách chấp nhận sự từ chối. Vào các buổi tối, anh làm việc ở một quán trà. Hai công việc này mang lại cho anh một khoản thu nhập khoảng 1,5 USD/ngày. Nhờ cuộc sống rời xa gia đình, Mitra cho biết anh đã “trưởng thành rất nhanh”.

Thêm vào đó, anh còn học được một phẩm chất đáng quý mà sau này đã làm chân lý sống cho chính doanh nghiệp Blippar của anh, đó chính là “không sợ hãi”: “Cuộc sống bần hàn và đầy bạo lực tại khu ổ chuột gần như không thể khiến tôi sợ hãi. Thậm chí còn khiến tôi trở nên mạnh mẽ hơn”.

Mitra gặp Catherine – Nữ Công tước xứ Cambridge – trong chuyến thăm của bà tới New York.

Khu ổ chuột Dehli từng là nơi "trú ẩn" của Mitra khi quyết định dứt áo ra đi khỏi vòng tay bố mẹ.

Trải qua gần 1 năm ở khu ổ chuột, Mitra bỗng phát hiện ra mẩu quảng cáo trên báo về một cuộc thi kinh doanh. Anh ngay lập tức đăng ký dự thi với kế hoạch kết nối mọi người bằng internet nhằm đề cao sức mạnh cho phụ nữ. “Đó quả là một chủ đề khá “nặng đô” với một cậu thanh niên trẻ tuổi lúc đó”, Mitra thành thật, nhưng đây đúng là điều anh đang trải nghiệm từng ngày tại Ấn Độ, nơi vẫn tồn tại sự phân biệt giới tính cực đoan và nỗi thống khổ kéo dài nhiều thế hệ của người phụ nữ. Dù vậy, Mitra vẫn chưa hề biết đây chính là lối thoát cho cậu khỏi cuộc sống tù túng tại khu ổ chuột nghèo nàn.

Và chỉ 3 tháng sau khi đăng ký tham dự cuộc thi, Mitra nhận được tin báo anh là người thắng cuộc. Dường như đây chính là cơ hội đổi đời dành cho chàng trai trẻ tuổi. Sau đó, Mitra đã dùng tiền thưởng và vay thêm để làm vốn thành lập một cổng thông tin internet có tên gọi “Women Infoline”, cung cấp quyền truy cập internet miễn phí cho phụ nữ có thu nhập thấp trong khi tạo nguồn thu chính từ quảng cáo.

Chính điều này đã mở đường cho Mitra “kích nổ” quả bom công nghệ ở Ấn Độ. Tới năm 2000, chàng thanh niên Mitra cùng công ty non trẻ của mình đã phát hành cổ phiếu ra công chúng thành công khi mới chỉ 20 tuổi. Ngoài ra, Mitra còn cho biết đây cũng chính là thời điểm anh làm lành với bố: “Tôi nói với bố rằng tôi sẽ về nhà, nhưng tôi vẫn sẽ tiếp tục làm những gì mình muốn. Bố mẹ cũng rất tự hào về những gì tôi đã làm được”.

Khó khăn luôn trực chờ

Hiện số tiền thu được từ lần IPO đó vẫn chưa được tiết lộ, nhưng gần như ai cũng ngầm hiểu đó là một số tiền khổng lồ. Mitra từ chức sau đó không lâu và “bình an vô sự” sau giai đoạn đen tối của internet sau đó 1 năm, khi “bong bóng Dot-com” bùng nổ (bong bóng Dot-com chỉ những trang web thuộc các công ty trên mạng lưới toàn cầu với tên miền .com).

Mitra từng hỗ trợ rất nhiều và có mối quan hệ chặt chẽ với Chính phủ Anh.

Mitra từng hỗ trợ rất nhiều và có mối quan hệ chặt chẽ với Chính phủ Anh.

Ở tuổi 20, Mitra chuyển tới sống ở London. Chỉ 4 ngày sau khi đặt chân tới xứ sở sương mù, Mitra đã bắt tay ngay vào việc khi trở thành đại lý bán lẻ của nhãn hiệu thời trang Top Shop. Trong suốt quãng thời gian tại Anh, Mitra đã không ít lần hỗ trợ xây dựng mạng nội bộ cho Chính phủ Anh. Tuy nhiên, Mitra lại lâm vào cảnh nợ nần khi cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới bùng nổ năm 2008, khiến anh gần như phá sản. Và Mitra lại phải tiếp tục đi tìm một công việc thích hợp. Anh vào làm việc tại một công ty bảo hiểm, tích cực cống hiến cho đến ngày được đề bạt lên chức vụ Giám đốc phát triển.

Đặc biệt, tình bạn khăng khít từ thuở niên thiếu với Omar Tayeb vẫn được duy trì trong suốt hàng chục năm thăng trầm, thậm chí còn giúp sản sinh ra ý tưởng cho Blippar sau này. Một buổi tối nọ, hai người bạn đang ngồi tán gẫu về việc Nữ hoàng sẽ bước khỏi tờ 20 bảng Anh như thế nào. Và may mắn thay, Tayeb lúc đó chợt nảy ra ý tưởng kinh doanh từ câu đùa tưởng như “vô thưởng vô phạt đó”. Sau đó, họ bắt đầu thử biến ý tưởng này thành một sản phẩm “ăn tiền”, và sẽ không chỉ quẩn quanh tờ bảng Anh nữa. Bởi họ sẽ biến mọi hình ảnh thành hình động có thể tương tác được.

Sau khi huy động được số vốn 200,000 USD, Tayeb và Mitra quyết định đầu tư toàn bộ vào startup mới mẻ này và đặt tên là Blippar. Chỉ trong một thời gian ngắn, Blippar đã mang lại thành công đáng kinh ngạc đến cho bộ đôi, và công ty của họ đã thu về tới 45 triệu USD đầu tư vào tháng 3/2015, góp phần đưa giá trị của Blippar lên 1,5 tỷ USD.

“Hãy tìm cho mình một chiếc tàu chiến”

Nếu nói rằng Mitra rất tự tin về Blippar, đó quả là một sự… nói giảm nói tránh. Bởi anh từng tuyên bố với tờ Business Insider rằng, anh sẽ không bao giờ bán Blippar cho Google hay thậm chí cả công ty thần tượng của anh – Microsoft của Bill Gates – bởi những điều anh đang làm thậm chí còn “vượt xa cả mạng internet”.

Mitra cho rằng, không phải việc bỏ nhà đi sống ở khu ổ chuột đã đem lại thành công cho anh. Anh trở thành triệu phú là nhờ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”: “Sẽ không thể bắn tên lửa từ một chiếc thuyền chèo tay, mà phải là một chiếc tàu chiến. Hiện giờ tôi đã tìm được chiếc tàu chiến cho riêng mình. Tôi đã tập hợp những người có khả năng và phối kết hợp họ nhằm xây dựng doanh nghiệp này’’.

Các nhà đồng sáng lập Blippar: Ambarish Mitra, Jess Butcher, Steve Spencer và Omar Tayeb.

Các nhà đồng sáng lập Blippar: Ambarish Mitra, Jess Butcher, Steve Spencer và Omar Tayeb.

Trong khi có ngày càng nhiều ví dụ cho những nhân vật bỏ học và trở nên nổi tiếng, đặc biệt là trong giới công nghệ, nhưng Mitra lại không hề đồng tình với quyết định bỏ học. Anh thậm chí còn cho biết, mình tuyệt đối sẽ không bỏ học nếu được lựa chọn lần nữa. Bởi anh hiểu rằng, việc anh tạm dừng học tập đã khiến mẹ buồn lòng rất nhiều. Mitra tâm sự, “Bạn không cần phải quá thông minh. Quan trọng là phải biết xây dựng nhiều mối quan hệ tốt xung quanh mình, bởi điều này sẽ có ảnh hưởng lớn tới cả cuộc đời bạn. Hãy thực sự để tâm tới môi trường và mọi người xung quanh bạn, đặc biệt là những người dành cho bạn nhiều sự quan tâm chân thành”.

Cùng chuyên mục
XEM