Nhân tố tạo nên khác biệt giữa những người thành công như Bill Gates với những người thông minh nhưng chưa thành công

03/05/2017 09:32 AM | Sống

Những người biết kết hợp giữa kiến thức và hành động mạnh mẽ mới là kẻ bất khả chiến bại trong việc theo đuổi bất kỳ mục tiêu nào.

Phải chăng những người uyên bác nhất, thông minh nhất hay học giỏi nhất đều gặt hái những thành công tột bậc? Dĩ nhiên là không, vì nếu vậy thì tất cả những ông/bà tiến sĩ hay các thành viên Hội MENSA (Hội những người có chỉ số thông minh cao nhất) đều trở thành triệu phú cả. Sự đời thường trớ trêu, một số người học cực giỏi cuối cùng lại phải đi làm thuê cho những người có học vấn trung bình.

Kể ra thì có Bill Gates, Steve Jobs, Oprah Winfrey, Steven Spielberg, Larry Ellison, Soichiro Honda và Richard Branson... tất cả đều không tốt nghiệp đại học. Vậy mà họ đã gây dựng được những tập đoàn trị giá hàng tỷ đô la và giao cho các nhà quản lý, chuyên gia tài giỏi vận hành, trong số đó có nhiều người có bằng MBA hoặc tiến sĩ Kinh tế ở trường Harvard danh tiếng. Vậy làm thế nào mà những người không có tấm bằng đại học lại làm được điều đó? Đơn giản là vì họ đã hành động không ngừng.

Hành động là yếu tố thúc đẩy tạo ra mọi kết quả. Khi bạn hành động kiên định hướng tới một mục tiêu rõ ràng, chắc chắn bạn sẽ đạt được một kết quả nào đó. Đó có thể là kết quả bạn mong muốn (thành công) hoặc không mong muốn (nhưng là bài học kinh nghiệm cho bạn). Bằng cách thay đổi phương pháp và kiên trì hành động nhiều hơn, cuối cùng bạn sẽ gặt hái được kết quả mong muốn.

Bạn thấy đấy, kiến thức, trí thông minh và năng lực không đơn thuần mang lại cho bạn thành công. Đó chỉ là những dạng tiềm năng, và chỉ bằng hành động, bạn mới có thể biến những tiềm năng thành hiện thực.

Thành công được định nghĩa bằng việc bạn hành động như thế nào chứ không phải bằng số lượng kiến thức hay năng lực mà bạn sở hữu. Kiến thức có thể học được và năng lực có thể đạt được qua thời gian. Nhưng hành động là thứ duy nhất xuất phát từ bên trong bản thân bạn. Và một lần nữa, đó là thứ duy nhất có thể tạo ra kết quả.

Henry Ford bị gọi là kẻ "ngu dốt" nhưng ông đủ thông minh để thuê được người tài giỏi hơn về làm việc cho mình!

Henry Ford, nhà sáng chế ra xe hơi, mặc dù không có nhiều kiến thức về kế toán, kỹ thuật hay khoa học, Ford đã thành lập công ty Ford Motor mà hiện là một tập đoàn toàn cầu trị giá hàng tỷ đô la.

Trong thực tế, Ford không hề có đủ kỹ năng hay tài năng để phát minh ra bất cứ thứ gì. Ông chỉ là một người liên tục hành động mạnh mẽ với niềm tin không hề lay chuyển: "không có gì là không thể". Bí quyết của ông nằm ở việc: "thuê những người thông minh hơn tôi và giao việc cho họ".

Đúng thế, đó chính là những gì Ford làm. Ông săn lùng và tập hợp những "bộ não siêu phàm" về làm việc cho mình, giúp ông sáng chế ra Ford-T, chiếc xe hơi đầu tiên của nhân loại. Khi các nhà khoa học và kỹ sư cho rằng việc này không thể làm được, ông một mực nói, "Hãy làm tất cả những gì có thể, thế nào bạn cũng tìm được cách, đừng đẩy vấn đề cho tôi mà hãy tìm cách giải quyết". Cuối cùng, với sự thúc đẩy động viên của ông, mô hình Ford-T đầu tiên ra mắt toàn thế giới vào năm 1908.

Từ quá khứ đến hiện tại, thực tế đã chứng minh rằng đây là một sự thật không thể chối cãi. Trong cuộc sống có biết bao nhiêu người thông minh, học vấn cao, có bằng thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ, nhưng suốt đời không thành công, chỉ vì một lẽ đơn giản họ đã không hành động đủ kiên trì để thành công.

Mặt khác, nhiều nhà triệu phú và chủ doanh nghiệp thành đạt chưa bao giờ bước chân vào trường đại học hay bỏ học giữa chừng lại đạt được những thành tích phi thường, nhờ vào việc họ liên tục hành động. Thường thì những người này trước đây không có gì để mất (không tiền tài, không danh vọng...) nên họ không hề chần chừ và hành động thật nhiều để bù lại cho sự "thiếu hụt" đó.

Thật vậy, điều đáng tiếc là mặc dù kiến thức trong sách và giáo dục ở trường có giá trị to lớn, nhiều người lại bị khối kiến thức đồ sộ đó "đè nặng" lên vai. Những người dư thừa kiến thức thường dành hết thời gian ngồi phân tích và suy nghĩ "tại sao việc này không thể làm được"... đến nỗi họ bị tê liệt và không bao giờ hành động hoặc hành động rất e dè, cầm chừng để tránh rủi ro càng nhiều càng tốt.

Không thể phủ nhận rằng kiến thức và giáo dục rất quan trọng với chúng ta. Nhưng chỉ có hành động mạnh mẽ mới là chìa khóa giải phóng tiềm năng của bản thân bạn. Do đó, những người biết kết hợp giữa kiến thức và hành động mạnh mẽ mới là kẻ bất khả chiến bại trong việc theo đuổi bất kỳ mục tiêu nào.

Diệu Bảo

Cùng chuyên mục
XEM