Nhận 1.000 tỷ đồng đầu tư, tiNiWorld có thống trị "mỏ vàng" dịch vụ giải trí cho trẻ em?

24/11/2016 16:42 PM | Kinh doanh

Theo một nguồn thông tin, quy mô thị trường các dịch vụ vui chơi dành cho trẻ em ước tính vào khoảng 3,1 tỉ USD/năm, mức sinh lợi theo các doanh nghiệp vào khoảng 30%.

Việt Nam được đánh giá là mỏ vàng của các doanh nghiệp bán lẻ và dịch vụ giải trí nhờ lực lượng dân số trẻ cùng với xu hướng tăng lên của mức thu nhập bình quân đầu người. Trong đó, sản phẩm dịch vụ dành cho trẻ em có thể nói là một trong những thị trường “béo bở” nhất. Báo cáo năm ngoái của Nielsen cho biết, 12% số hộ gia đình tại Việt Nam có trẻ em dưới 1 tuổi – mức cao nhất trong khu vực và gấp 2 lần mức trung bình toàn cầu.

“Khi nói đến việc chăm sóc những nguồn vui bé nhỏ đó, các bậc phụ huynh rất sành điệu - từ thực phẩm mà họ cho con họ ăn đến tã giấy cho con họ sử dụng, rất ít khi họ thỏa hiệp cho những điều không vừa lòng với sản phẩm, và họ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho chất lượng" - nhận xét của Connie Cheng, trưởng bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng của Nielsen khu vực Đông Nam Á, Bắc Á và Thái Bình Dương về các phụ huynh Việt Nam.

Và không chỉ có ăn mặc, thị trường dịch vụ vui chơi , giáo dục cho trẻ em cũng “béo bở” không kém. Theo một nguồn thông tin, quy mô thị trường các dịch vụ vui chơi dành cho trẻ em ước tính vào khoảng 3,1 tỉ USD/năm, mức sinh lợi theo các doanh nghiệp vào khoảng 30%.

Chân dung N Kid Corporation

Quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity (SCPE) thuộc Ngân hàng Standard Chartered vừa thông báo rót 40 triệu USD (gần 1.000 tỷ đồng) vào CTCP Thương mại và Dịch vụ Thiếu Nhi Mới (N Kid Corporation) – một công ty chuyên kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí phục vụ trẻ em và đối tượng thanh thiếu niên. Đây là công ty sở hữu chuỗi trung tâm “Giáo – Trí” mang tên tiNiWorld hoạt động theo mô hình kết hợp giáo dục và giải trí dành cho trẻ em từ 2-12 tuổi.

N Kid được điều hành bởi doanh nhân người Mỹ gốc Việt Thomas Ngô. Ngoài tiNiWorld, N Kid còn sở hữu nhiều thương hiệu khác nhau như mô hình giải trí dành cho giới trẻ T-CLB, phân phối đồ chơi trẻ em (Công ty đồ chơi Phương Nga), chuỗi cửa hàng bán lẻ (Toyland & Babyland).

Không phải chỉ đến khi nhận được khoản vốn gần 1.000 tỷ đồng từ SCPE thì người ta mới biết đến N Kid và tiNiWorld. Trước đó, công ty này đã ký kết hợp đồng trở thành đối tác chiến lược của Vingroup và hiện diện ở tất cả các chuỗi trung tâm thương mại của Vincom.

Không những thế, cổ đông sáng lập của N Kid cũng là một tập đoàn bất động sản nổi tiếng mang tên BIM Group - một đại gia bất động sản tại Hạ Long.

Với vốn điều lệ ban đầu là 200 tỷ đồng, N Kid do Lifestyle Việt Nam (công ty do BIM Group nắm quyền chi phối) sở hữu 80%. 2 công ty khác của ông Thomas Ngô nắm 20% còn lại.

Được rót 40 triệu USD, tiNiWorld có trở thành vua trong lĩnh vực giải trí cho trẻ em?

Bắt đầu từ năm 2012 - 2013, hàng loạt nhà đầu tư đã đổ tiền vào lĩnh vực vui chơi kết hợp giải trí cho trẻ em. Vượt qua những trung tâm vui chơi quy mô nhỏ và vừa như Funny Land, Maika Wonderland… thì thị trường biết đến nhiều nhất là Vietopia (của CTCP Him Lam Phát triển Trí tuệ Trẻ em Việt), Kizcity (CTCP Tư vấn và Đầu tư Thái Dương), KizWorld (CTCP giải trí KizWorld), Kinder Park (Công ty vui chơi Thế Hệ Mới) và tiNiWorld.

Các mô hình này đều có cách kết hợp đa dạng giữa hoạt động vui chơi, phát triển trí tuệ, kỹ năng... cho thiếu nhi và nhu cầu mua sắm cho phụ huynh. Nếu như tiNiWorld, Kinder Park thiên về các trò chơi vận động kết hợp phát triển tư duy thì Kiz City, Kizworld và Vietopia cho trẻ trải nhiệm nghề nghiệp như bác sĩ, cứu hỏa, làm bánh...

Như những con số nói trên thì đây quả là một thị trường màu mỡ. Tuy nhiên thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp là các khách hàng bé nhỏ rất nhanh chán. Theo chuyên gia của IAAPA (Hiệp hội quốc tế chuyên về đầu tư, xây dựng, quản lý khu du lịch - giải trí), mô hình giáo dục trải nghiệm ngành nghề sẽ không thể lôi kéo trẻ quay lại quá 5 lần.

Các mô hình giải trí, vận động như tiNiWorld và Kinder Park sẽ có sức hút lâu dài hơn đối với trẻ em.

Mặt khác, so sánh các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, Vietopia là khu vui chơi lớn nhất với vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng, diện tích 22.000 m2 nhưng chỉ có 1 điểm tại Tp.Hồ Chí Minh. Kiz City, Kizworld, tiNiWorld dù diện tích nhỏ hơn song có nhiều địa điểm hơn hẳn.

Ngoài bài toán đặt ra phải đổi mới liên tục thì sự hiện diện thương hiệu là điều quan trọng không kém. Về điều này, Kinder Park thua tiNiWorld khi chỉ có một địa điểm tại Hồ Tây (Hà Nội) trong khi tiNiWorld, với sự kết hợp cùng Vingroup, đã có 24 trung tâm trên khắp các thành phố lớn.

Một chuyên gia cho hay, với đặc tính vốn đầu tư ban đầu lớn và thời gian thu hồi vốn lâu thì hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ “Giáo – trí” cho trẻ em hiện tại đều chưa có lãi. Năng lực tài chính là vấn đề vô cùng quan trọng khi tham gia vào lĩnh vực này. Với việc được rót thêm 40 triệu USD và những lợi thế so sánh nói trên, tiNiWorld dường như là gương mặt sáng giá nhất cho vị trí “thống trị” tại thị trường vui chơi giải trí cho trẻ em.

Theo Minh Châu

Cùng chuyên mục
XEM