Nhầm lẫn tên gọi giúp cổ phiếu vô danh tăng giá 70.000%

20/04/2019 11:19 AM | Kinh doanh

Cổ phiếu của công ty nhỏ Zoom Technologies bất ngờ tăng vọt khi công ty phần mềm Zoom Video Communications Inc. nộp đơn đăng ký IPO...

Chỉ 2 tháng trước, cổ phiếu của Zoom Technologies Inc. - một nhà sản xuất linh kiện điện thoại di động nhỏ, giao dịch trên thị trường phi tập trung (OTC), tăng chưa đầy 1%. Nhưng kể từ giữa tháng 3 đến nay, cổ phiếu này đã tăng hơn 70.000%. 

Theo Bloomberg, nguyên nhân được cho là cổ phiếu này đã bị nhầm với cổ phiếu mới niêm yết của một công ty lớn hơn -  Zoom Video Communications Inc.

Lượng giao dịch cổ phiếu Zoom Technologies bắt đầu tăng vào giữa tháng 3, ngay thời điểm Zoom Video - công ty phần mềm nhận được quan tâm từ Microsoft Corp., nộp đơn đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Sự quan tâm và nhầm lẫn đã đẩy giá cổ phiếu Zoom Technologies lên 5,76 USD/cổ phiếu, tương đương vốn hóa khoảng 17 triệu USD. Lượng giao dịch trung bình của cổ phiếu này trong tháng qua cũng tăng lên gần 75.000 cổ phiếu, cao gấp 24 lần so với mức trung bình 3.000 cổ phiếu trong năm 2018.

Trong khi đó, Zoom Video có phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 18/4 với vốn hóa vượt 16 tỷ USD và hơn 13 triệu cổ phiếu được giao dịch trong 30 phút đầu mở cửa. Giá cổ phiếu này tăng tới 83% so với mức giá IPO 36 USD trên sàn Nasdaq. Có trụ sở tại San Jose, California, Zoom Video huy động được 751 triệu USD khi IPO hôm 17/4.

Trong thông cáo phát đi ngày 18/4, nhà vận hành sàn giao dịch phi tập trung OTC Markets Group đã liệt cổ phiếu Zoom Technologies vào nhóm "thận trọng trước khi mua" và cảnh báo các nhà đầu tư nhận thức rõ khả năng bị nhầm lẫn giữa những "công ty không liên quan". Zoom Technologies hiện giao dịch với mã chứng khoán "ZOOM" còn Zoom Video có mã "ZM."

Việc nhầm lẫn giữa một công ty nhỏ với một công ty lớn hơn có tên gọi gần giống, hoặc các cổ phiếu có mã giao dịch gần giống nhau không phải chuyện hiếm. Năm 2013, khi trang mạng xã hội Twitter thực hiện IPO, cổ phiếu của Tweeter Home Entertainment Group cũng tăng hơn 500% khiến cổ phiếu này phải buộc dừng giao dịch.

Thời điểm đó, giá cổ phiếu của Tweeter vẫ tiếp tục tăng dù chuỗi cửa hàng điện tử tiêu dùng này đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản và thanh lý tài sản vào năm 2008 - sáu năm trước IPO của Twitter.

Theo Nhật Minh

Cùng chuyên mục
XEM