Nhà văn Trang Hạ: "Có một thực tế là "người Việt rất cuồng trai Tây"

27/08/2019 15:45 PM | Sống

Cùng chia sẻ với nhà văn Trang Hạ về chủ đề tình yêu là tác giả trẻ 9X Nguyễn Siêu xoay xung quanh những trải nghiệm ở nước Mỹ xa xôi.

Nhờ có công nghệ thông tin phát triển như ngày nay, du học đã được nhận ra là không chỉ có duy nhất một màu hồng như trước đây. Cuộc sống ở bất kì quốc gia nào cũng vậy, cũng có rất nhiều mảng màu. Có màu hồng thì sẽ có màu xám, màu xanh, màu đỏ, ở quốc gia nào cũng có những điểm tốt, điểm cần cải thiện. Cuốn sách "Cô đơn để trưởng thành" của tác giả trẻ Nguyễn Siêu đã phần nào kể chi tiết về những mảng màu ấy trong quãng thời gian anh học đại học 4 năm ở Mỹ.

Trong buổi talkshow "Tôi không nói về tình yêu. Tôi nói về kì thị văn hóa", một lần nữa, Nguyễn Siêu lại mở ra cho độc giả những góc nhìn mới lạ về cuộc sống ở một đất nước cách Việt Nam nửa vòng Trái Đất. Chủ đề mà tác giả trẻ chọn để đưa đến độc giả là về sự khác biệt làn da ở Mỹ mà điều này ở Việt Nam lại chẳng hề xảy ra.

"Trong quãng thời gian 4 năm học ở Mỹ, mình đã luôn muốn có một xuất phát điểm sớm trong sự nghiệp của mình. Vì thế, đến năm thứ 3, mình đã bắt đầu tìm các chương trình thực tập để vừa đi làm vừa đi học. Mình đã gửi hồ sơ vào khá nhiều công ty truyền thông lớn nhỏ ở New York và Los Angeles. Khi họ nhìn vào hồ sợ của mình, có vẻ họ khá ấn tượng và đã liên hệ với mình. Nhưng sau khi mình có nói thật rằng mình là sinh viên quốc tế, không phải người Mỹ, ngay lập tức mình nhận được những mail từ chối rất lạnh lùng. 

Nhà văn Trang Hạ: Có một thực tế là người Việt rất cuồng trai Tây - Ảnh 1.

Lúc đầu, mình đã suy nghĩ tại sao mình lại bị đánh giá bởi đất nước mình sinh ra và lớn lên, mình đến từ Việt Nam và tại sao mình lại không có cơ hội được thử làm việc tại đây, mà bước đầu chỉ là thực tập. Sau những lần từ chối như vậy, mùa hè năm ấy, mình may mắn có cơ hội được thực tập tại một công ty ở Los Angles. 

Mình để ý thấy không có mấy người có màu da vàng như mình làm những công việc mang tính quyết định, sáng tạo mà công việc của hầu hết những người châu Á làm ở Los Angeles là những công việc không được quá tôn trọng. Khoảng thời gian ấy, mình cảm thấy sẽ không tìm được ai (có làn da giống như mình - PV) để noi gương và có thể sự nghiệp sẽ kết thúc sớm vì không tìm thấy ai như bản thân mình cả. Tại sao mình không làm gì sai mà chỉ vì mình không phải người Mỹ mà con đường sự nghiệp của mình lại trắc trở đến vậy?"

Từ câu chuyện của Nguyễn Siêu, nhà văn Trang Hạ cũng đã phần nào thấy được nếp gấp nào đó của kì thị nhưng không phải kì thị chủng tộc, chỉ là sự chênh lệch cơ hội. Trên thực tế, chúng ta không bao giờ có thể xóa nhòa được ranh giới địa lý, màu da hay năng lực bởi điều đó làm nên đa dạng văn hóa trên thế giới này. Chẳng hạn như bạn muốn theo đuổi bộ môn Giáo dục khai phóng, bạn chỉ có cách là sang Mỹ học chứ ở Việt Nam không hề có bộ môn này.

Trang Hạ chưa bao giờ thử hay phải xin việc tại Mỹ như Nguyễn Siêu nhưng có một khoảnh khắc đau khổ đã diễn ra trong 4 năm sự nghiệp làm vận động viên ở đất nước này khiến chị không thể quên. Trong giải chạy Poster Marathon, Trang Hạ là người Việt duy nhất tham gia sau 122 năm. Dưới thời tiết khắc nghiệt 12 độ C, vận tốc gió thổi 43km/h, chị chọn cách núp gió tức là chọn chạy phía sau hai người Mỹ cao to, lại mặc áo mưa. Nhưng khi nhận ra hai người đó là người khiếm thị, giây phút ấy, chị cảm thấy hơi mặc cảm và cay đắng.

Không chỉ bày tỏ vì khác màu da dẫn tới công việc khó khăn mà còn đưa tới cho Nguyễn Siêu những trải nghiệm không thể nào quên về chuyện yêu đương nơi xứ người. 4 năm du học tại Mỹ, tác giả trẻ cũng đã phần nào thấm thía được góc nhìn của người da trắng đối với người da vàng.

"Ở Việt Nam, chúng ta định dạng nhau bằng giọng nói, đôi mắt hay tính cách, khuôn mặt, nhưng chúng ta tuyệt nhiên không nói tới màu da của nhau. Nước Mỹ thì khác, yếu tố màu da chính là cách họ nhận dạng nhau đầu tiên. Nói cách khác, yếu tố màu da chính là màng lọc đầu tiên của sức hấp dẫn.

Một lần, có một người hỏi mình rằng ‘mẫu người bạn thích hẹn hò là gì?’. Nhưng chưa kịp trả lời là ‘mẫu người tình cảm hay thông minh’ thì người hỏi đã chen ngang luôn là ‘bạn thích người da trắng, da đen, châu Á hay Latin’. Điều đó làm mình rất bất ngờ và tự hỏi mình vì sao con người lại được so sánh giống như những quả trứng vậy, trứng vàng xếp một giỏ, trứng trắng xếp ở kia. Vì sao họ lại định nghĩa nhau bằng màu da, sắc tộc như vậy? Sau đó thì mình nhận ra rằng ở Mỹ, có rất nhiều người chỉ thích hẹn hò với một chủng tộc người nhất định.

Có một thuật ngữ gọi là ‘cơn sốt da vàng’, ngụ ý chỉ những người da trắng chỉ thích phụ nữ hoặc đàn ông châu Á, và họ không thể hẹn hò được với những người ở chủng tộc khác. Ở Việt Nam, chuyện này có thể không hề hấn gì và có thể bạn lấy đó là một lời khen ngợi cho sự hấp dẫn của mình, nhưng thực ra đó là sự phân biệt chủng tộc. Bạn thử tưởng tượng bạn yêu một anh chàng da trắng và khi nhìn thấy những bức ảnh anh ta chụp với các cô bạn gái cũ đều là gái da vàng, tự nhiên bạn tự hỏi bản thân rằng anh ta yêu mình vì tính cách, vì chiều sâu nội tâm của mình hay yêu mình vì màu da? Liệu mình trong mắt anh ta chỉ là một con búp bê không hơn không kém?"

Nhà văn Trang Hạ: Có một thực tế là người Việt rất cuồng trai Tây - Ảnh 2.

Lý do mà một số người thích đàn ông, phụ nữ châu Á mà Nguyễn Siêu được nghe trả lời là người châu Á dễ bảo, nghe lời, rất dễ khiến cho người ta có cảm giác được yêu chiều, được ở vị trí bên trên trong mối quan hệ. Tác giả trẻ cũng không ngần ngại chia sẻ một trải nghiệm của cậu trong mối quan hệ với một người da trắng: "Một buổi tối đến nhà chơi, bạn ấy bảo hôm nay chỉ được nói ‘có’, chứ không được nói ‘không’. Bạn ấy còn nói thằng rằng những thằng con trai châu Á thì rất dễ bảo, nghe lời.

Mặc dù có thể thoát ra khỏi buổi tối ấy, nhưng mình cũng muốn thử xem đêm nay sẽ đi đến đâu nên mình tiếp tục làm theo những yêu cầu của bạn ấy. Ban đầu bạn ấy sai bảo mình rất nhiều thứ, khi đồ ăn mang đến, bạn ấy yêu cầu mình ra ngoài lấy đồ ăn, ăn xong bạn ấy nằm dài xem phim và bắt mình massage từ đầu đến chân, mỗi chỗ 2 lần. Mình tưởng đó là đỉnh điểm của đêm hôm ấy rồi nhưng nửa đêm bạn ấy bắt mình mặc bộ đồ Pikachu từ đầu đến chân đi ra giữa Quảng trường Thời đại chỉ để khoe đây là con Pikachu của tôi.

Lúc ấy mình có một cảm giác mình đang trở thành một thứ không phải là người nữa, mà là một con thú cưng, một thứ đồ vật."

Chia sẻ thêm, nhà văn Trang Hạ cũng đồng ý rằng có một thực tế là "người Việt rất cuồng trai Tây": "Có một số người phụ nữ châu Á nghĩ rằng cơ hội trong cuộc sống, tình yêu của mình sẽ cao hơn, có giá trị hơn nếu như mình dám hẹn hò với một người đàn ông da trắng và nói tiếng Anh".

Trong khi đó, Nguyễn Siêu lại quan tâm đến việc các app hẹn hò hiện nay có làm gia tăng thêm sự khác biệt màu da hay không. Anh cho biết: "Nhiều ứng dụng hẹn hò cho bạn quyền được lựa chọn chủng tộc, chẳng hạn như bạn thích đàn ông da trắng thì bạn sẽ từ chối tất cả những lời chào của những người đàn ông màu da khác. Có không ít những người đàn ông da trắng công khai chia sẻ bí quyết để có thể ‘lên giường’ với những người phụ nữ châu Á và dùng những từ ngữ coi thường giá trị của người phụ nữ châu Á. 

Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Chúng ta đang sống trong một nền văn hoá mà da trắng, mũi cao, dáng thon thả đang trở thành tiêu chuẩn của vẻ đẹp, đến mức mà nhiều khi chúng ta thấy tự ti về vẻ đẹp của chính dân tộc mình, tự kỳ thị chính bản thân mình.

Và cách để vị thế xã hội của mình được nâng cao hơn, nhiều người chọn hẹn hò với một anh chàng da trắng. Nhiều phụ nữ Việt Nam quan niệm người phụ nữ tìm được những anh chàng da trắng là may mắn, giống như những người đó kiếm được ‘vàng’, tương đương với việc tự coi mình là ‘đá’. Đó chính là sự tự kỳ thị. Nó cũng góp phần khiến cho sự phân biệt chủng tộc ngầm trong việc hẹn hò tăng lên."

Vũ Quang

Cùng chuyên mục
XEM