Nha sĩ Hàn Quốc trở thành CEO startup 2,2 tỷ USD sau 8 lần thất bại, dự kiến 'lấn sân' sang thị trường Việt Nam

22/09/2019 09:31 AM | Kinh doanh

Seunggun Lee từ bỏ công việc nha sĩ ổn định để sáng lập ứng dụng thanh toán Toss.Tính đến tháng 8, tổng số vốn kêu gọi đầu tư của Toss là 261,5 triệu USD, đưa định giá của công ty lên mức 2,2 tỷ USD. Kỳ lân Hàn Quốc có kế hoạch mở rộng sang thị trường Đông Nam Á và Việt Nam có thể là lựa chọn đầu tiên.

Với công việc là một bác sĩ nha khoa, Seunggun Lee đã quá quen thuộc với nhiệm vụ hàn những lỗ hổng trên răng của người bệnh.Và khi phát hiện ra một “lỗ hổng” trong lĩnh vực dịch vụ tài chính -ngân hàng tại Hàn Quốc, như một thói quen nghề nghiệp, anh muốn ngay lập tức “lấp đầy” nó.

Lee không hề bận tâm về thực tế rằng ý tưởng của mình hoàn toàn không hề hợp pháp vào thời điểm đó.

“Tôi nghĩ rằng dịch vụ này nên được phát triển tại Hàn Quốc, cho dù nó có phù hợp với pháp luật hay không”, Lee chia sẻ với CNBC Make It.

Vị doanh nhân trẻ này là người ưa thích mạo hiểm. Anh đã từ bỏ công việc nha sĩ ổn định, sau đó dồn khoản tiền khoảng 400.000 USD (một nửa là tiền tiết kiệm, một nửa là tiền vay ngân hàng) đầu tư vào “những ý tưởng điên rồ” của mình. Chính những điều đó giúp anh có một tinh thần thép, không sợ sệt điều gì.

Lee là nhà sáng lập kiêm CEO của Toss, một ứng dụng chuyển tiền của Hàn Quốc. Trong năm 2018, công ty của anh đã trở thành công ty khởi nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực công nghệ tài chính (hay còn gọi là fintech) đạt giá trị 1 tỷ USD tại quốc gia này.

Anh nhen nhóm ý tưởng về Toss vào năm 2014, khi mà những đối thủ cùng lĩnh vực khác như Paypal của Venmo, đang “phủ sóng” trên quy mô toàn cầu. Nhưng những ứng dụng kiểu đó bị coi là bất hợp pháp dưới những quy định quản lý trong hệ thống tài chính - ngân hàng tại Hàn Quốc.

“Tôi biết rất nhiều các sản phẩm ở thị trường Mỹ và đã nghĩ rằng: Nếu như một ứng dụng kiểu này xuất hiện tại Hàn Quốc, nó ắt hẳn sẽ phát triển ngoài sức tưởng tượng”, Lee chia sẻ. Anh cho biết hệ thống chuyển tiền tại quốc gia của mình là một quá trình cồng kềnh và rắc rối vào thời điểm đó.

Nha sĩ Hàn Quốc trở thành CEO startup 2,2 tỷ USD sau 8 lần thất bại, dự kiến lấn sân sang thị trường Việt Nam - Ảnh 1.

Seunggun Lee, người sáng lập và CEO ứng dụng thanh toán Toss. Ảnh: Toss.

Nhưng để ý tưởng này có thể trở thành hiện thực, Lee cần phải đưa ra những lý lẽ đầy thuyết phục, không chỉ đối với những nhà lập pháp và nhà đầu tư, mà ngay với chính cha mẹ của mình.

Lee đã dành một năm làm việc với các nhà lập pháp nhằm thuyết phục họ ủng hộ ý tưởng về một nền tảng chuyển tiền đơn giản, thuận lợi.

“Họ tỏ ra rất ngạc nhiên vì thấy điều này quá mới mẻ, do đó họ đã từ chối trợ giúp”, anh chia sẻ về các nhà lập pháp. Nhưng cuối cùng vào năm 2015, họ cũng đồng ý nới lỏng các quy định pháp luật áp dụng đối với các ứng dụng dịch vụ tài chính và đó chính là lúc Toss được giới thiệu đến người dùng, với định hướng phát triển hết sức nghiêm túc.

Nhưng đối với cha mẹ của Lee, điều đó thậm chí còn khó khăn hơn nhiều. Khi anh chia sẻ với cha mẹ của mình về ý định từ bỏ công việc nha sĩ để trở thành một doanh nhân, họ đã hết sức phẫn nộ. Sự bất ổn trong lĩnh vực kinh doanh là điều khiến hai người khó lòng đồng thuận với kế hoạch của anh. Nhưng ở Hàn Quốc, nơi những tư tưởng mang tính chất bảo thủ vẫn còn in đậm trong cách suy nghĩ của rất nhiều người, việc thuyết phục họ ủng hộ anh thậm chí còn chông gai gấp bội.

“Đó không phải là một khoảng thời gian dễ chịu đối với tôi”, Lee nhớ lại. “Điều đó khiến cha mẹ tôi rất buồn. Tại châu Á nói chung, mọi người trong xã hội và gia đình bạn luôn kỳ vọng bạn sẽ làm những công việc truyền thống giống như bác sĩ hoặc nha sĩ. Nhưng tôi lại là một người không chịu an phận”.

Sự ngần ngại của họ không hẳn là không có cơ sở. Sau khi từ bỏ công việc nha sĩ, Lee đã mất khoảng 4 năm và “đốt” hết số tiền tiết kiệm của mình để thực hiện nhiều ý tưởng khác nhau. Sau 8 lần khởi nghiệp thất bại, với các lĩnh vực trải dài từ mạng truyền thông xã hội cho đến những ứng dụng điện thoại, cuối cùng Lee cũng đã tìm thấy thành công với Toss.

Lee tỏ ra hết sức quyết tâm với những ý định của mình, cho dù có nhận được sự ủng hộ từ cha mẹ hay không.

“Tôi mất khoảng 3 tháng cố gắng thuyết phục họ (đồng ý cho anh nghỉ việc), nhưng không thành công. Cuối cùng thì tôi buông xuôi, không thuyết phục họ nữa”, anh chia sẻ.

Nha sĩ Hàn Quốc trở thành CEO startup 2,2 tỷ USD sau 8 lần thất bại, dự kiến lấn sân sang thị trường Việt Nam - Ảnh 2.

Toss đang lên kế hoạch 'lấn sân' sang các thị trường Đông Nam Á, trong đó Việt Nam có thể là lựa chọn đầu tiên. Ảnh: Bloomberg.

Đáp ứng nhu cầu

Sự quyết tâm đó cuối cùng cũng giúp anh gặt được những quả ngọt. Các nhà đầu tư nhanh chóng nhìn thấy tiềm năng trong Toss và bắt đầu đổ tiền vào hỗ trợ Lee và đội ngũ kỹ sư đang ngày một phát triển của anh.

Năm 2014, Altos Ventures trở thành nhà đầu tư chiến lược đầu tiên của Toss. Tiếp sau đó là các tên tuổi như Paypal, Sequoia China và quỹ đầu tư nước ngoài đến từ Singapore - GIC, cũng góp phần xây dựng công ty khởi nghiệp non trẻ này.

Việc thu về 80 triệu USD trong vòng gọi vốn hồi tháng 12/2018 vừa qua đã chính thức đưa giá trị của Toss cán mốc 1 tỷ USD, trở thành một trong số ít những kỳ lân công nghệ tại Hàn Quốc. Tính đến tháng 8, tổng số vốn kêu gọi đầu tư đã tăng lên 261,5 triệu USD, khiến định giá của Toss chạm ngưỡng 2,2 tỷ USD.

Trong chưa đầy 5 năm, Toss đã có hơn 14 triệu lượt người dùng đăng ký, chiếm 27% trong tổng số 51 triệu người dân tại xứ sở kim chi. Giá trị khối lượng giao dịch thông qua Toss cũng vượt qua con số 48 tỷ USD, theo thông tin được công ty công bố.

“Bản năng của tôi, cũng như những khảo sát đánh giá thực tế đã mách bảo cho tôi biết rằng mọi người có nhu cầu chuyển tiền với nhiều mục đích khác nhau”, Lee cho biết. “Tôi nghĩ họ có thể là những người trẻ hoặc một số nhóm người trong khác trong xã hội”.

Theo Varun Mittal, chuyên gia phân tích lĩnh vực fintech của Ernst & Young, Lee đã nhìn thấy được cơ hội rất đúng thời điểm, khi mà lĩnh vực ngân hàng tại Hàn Quốc đang rất cần sự đổi mới.

“Người dùng muốn một phương thức tốt hơn để thanh toán các khoản nợ hơn là việc phải “vắt óc” ghi nhớ những dãy dài số tài khoản”, Mattal chia sẻ.

“Việc sử dụng số điện thoại tạo nhiều thuận lợi hơn cho cả hai bên”, ông nói.

Thị trường tiềm năng

Hiện tại, Hàn Quốc là “sân nhà” của hơn 400 công ty trong lĩnh vực fintech. Con số này, theo Mattal, là sẽ không ngừng tăng lên khi ngày càng có nhiều khách hàng tìm kiếm những giải pháp dịch vụ tài chính- ngân hàng đơn giản.

“Con số đó sẽ chỉ tăng lên mà thôi vì số lượng những giao dịch trực tuyến mà người dùng thực hiện cũng đang có sự gia tăng nhanh chóng. Chừng nào mà nền kinh tế còn tiếp tục tăng trưởng, thì đó vẫn chưa phải là con số cuối cùng”, Mattal cho biết.

Về phần mình, Lee cho biết anh đã lên kế hoạch kêu gọi thêm vốn đầu tư nhằm đón đầu sự tăng trưởng nhu cầu của khách hàng bằng cách chào bán thêm cổ phiếu tại thị trường Hàn Quốc. Tháng 4/2019, công ty của Lee đã chính thức thêm tính năng thẻ - Toss Card vào danh mục các dịch vụ hiện có của mình trong đó bao gồm quản lý điểm tín dụng, tài khoản tiết kiệm và kế hoạch bảo hiểm.

“Phân nửa số người dùng sử dụng các dịch vụ của Toss không đơn thuần chỉ để chuyển tiền trực tiếp mà còn nhiều mục đích khác, Lee nói. Anh cho biết Toss đặt mục tiêu có 10 triệu người dùng thường xuyên mỗi tháng trong tháng 9 này. “Đó là một nền tảng toàn diện. Chúng tôi muốn làm thỏa mãn tất cả những nhu cầu của người dùng”.

Công ty cũng có kế hoạch “lấn sân” tại các thị trường mới. Đông Nam Á là một thị trường hết sức tiềm năng với dân số lên đến khoảng 650 triệu người, và Việt Nam có thể là nơi Toss đặt những bước chân đầu tiên nhằm thực hiện hóa tham vọng của mình.

“Kế hoạch mở rộng của chúng tôi với đích đến rõ ràng là thị trường Đông Nam Á. Những thị trường khác vốn đã là sân chơi của một số nhà cung cấp lớn rồi”, Lee cho biết. Ông lấy ví dụ về Alipay và WeChat Pay tại thị trường Trung Quốc, Venmo tại thị trường Mỹ và Revolut tại thị trường Châu Âu.

“Đông Nam Á chính là “miếng bánh” hầu như chưa bị ai xâu xé”, ông nói.

Và với thống kê hơn một nửa số lượng người trưởng thành tại khu vực Đông Nam Á chưa có cơ hội tiếp xúc hoặc sử dụng những dịch vụ tài chính - ngân hàng, đó chính là ”lỗ hổng” cần được lấp đầy. Và may mắn thay, giờ đây Lee đã có được sự ủng hộ hoàn toàn đến từ cha mẹ của mình.

“Họ cảm thấy rất tự hào về tôi”, Lee chia sẻ.

Theo Trọng Đại

Cùng chuyên mục
XEM