Nhà sáng lập Lee Kun-Hee: 'Bạn có thể thay đổi tất cả mọi thứ, nhưng tuyệt nhiên không phải là vợ và con của mình'

17/02/2017 20:46 PM | Xã hội

Người ta thường kể lại rằng gần như tất cả những gì tinh hoa nhất của Samsung vào lúc này đã được bắt đầu trong một buổi họp kéo dài 3 ngày, với một bài phát biểu dài 200 trang của chủ tịch Lee Kun-Hee trong một ngày tháng 6/1993 tại nước Đức.

Vị lãnh đạo thuộc hàng cao nhất của Samsung là Phó Chủ tịch là Lee Jea-yong đã vừa bị bắt. Có thể nói, tập đoàn hùng mạnh này đang ở vào những thời điểm cam go nhất trong lịch sử 80 năm tồn tại của mình.

Lật lại những trang sử trước đây, là không ngoa khi nói rằng Samsung là một đế chế kinh tế thực sự với đầy đủ những yếu tố như gặp khó khăn rồi thành công tột bậc, những vị lãnh đạo kiệt xuất và cả những câu chuyện đầy tính khởi dậy niềm cảm hứng.

Người ta vẫn thường lưu truyền câu chuyện rằng, con đường trở thành một công ty hùng mạnh về hàng điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới như ngày nay của Samsung đã được bắt đầu với một bài phát biểu kéo dài trong ba ngày, được thảo ra thành 200 trang giấy, từ vị Chủ tịch Lee Kun Hee trong một phòng họp thuộc một khách sạn tại nước Đức.

Hồi đó là vào năm 1993, chủ tịch của Samsung lúc đó là ông Lee Kun-Hee đã có một chuyến đi công tác quốc tế để xem xem liệu Samsung hiện đang hoạt động như thế nào trên các thị trường ở ngoài Hàn Quốc.

Chuyến công tác này đồng thời cũng được khai thác trong một bài báo gần đây mang tên “Làm sao mà Samsung có thể trở thành nhà sản xuất smartphone số một thế giới của tác giả Sam Grobart từ tờ Bloomberg BusinessWeek. Và theo những gi viết trong bài báo này, ông Lee đã hoàn toàn không hề hài lòng với những gì mà mình được thấy.

Cụ thể, lúc tới miền Nam California, ông đã đi vào trong một cửa hàng điện tử để nhìn ngó xem vị trí hàng điện tử Samsung ở đâu. Kết quả, ông thấy những chiếc TV của Samsung bị ném vào góc tường, bụi phủ đầy. Trong khi đó, những chiếc TV của Sony và Panasonic thì được đặt tại vị trí trang trọng và cũng đồng thời có lượng bán nhiều nhất.

Vào thời điểm đó, Samsung của Lee Kun-Hee vốn đang hoạt động tương đối tốt. Vị chủ tịch đã nắm Samsung trong vòng 6 năm cho tới lúc đó (1987 – 1993) và làm cho Samsung tăng trưởng gấp 2,5 lần, theo như tác giả Grobart báo cáo. Những thành tích này hẳn đã làm người Samsung và ông Lee rất tự hào.

Thế nhưng, với câu chuyện thành tích đang lên như vậy và rồi nhìn vào hình ảnh trái ngược kia tại nước Mỹ, mọi thứ giống như một gáo nước lạnh với vị Chủ tịch. Làm sao có thể chấp nhận được khi mà hàng điện tử Samsung đang quá thất thế với những hàng điện tử khác cũng đến từ châu Á vào lúc đó.

Điều này đã càng "xát muối" khi trước đó, ông Lee đã nói rằng ông muốn Samsung trở nên lớn hơn, mạnh hơn, trở thành giống như G.E - một cường quốc công nghiệp được cả thế giới công nhận. Điều này, Lee Kun-Hee kỳ vọng nó phải xảy ra càng sớm càng tốt, muộn nhất là vào năm 2000.

Ngay sau thời điểm đó, khi đáp xuống Frankfurt, Đức, ông đã triệu tập tất cả các vị lãnh đạo lớn nhỏ của Samsung vào và tham gia một buổi họp đột xuất chưa từng thấy trong lịch sử công ty.

Buổi họp diễn ra trong 3 ngày, mọi người không được nghỉ, duy chỉ có khoảng thời gian buổi tối để ngủ. Trong suốt thời gian đó, việc của chủ tịch Lee là diễn thuyết, diễn thuyết và diễn thuyết...liên tục trong 3 ngày.

Ở đó, ông đã đặt ra tầm nhìn "đau đáu" của mình về tương lai của Samsung và những gì công ty này sẽ cần phải làm để trở nên thành công trên trường quốc tế. Trong bài phát biểu này, ông cũng đã nói một câu nói nổi tiếng mà đã sau này đi cùng với cái tên Lee Kun-Hee :"Bạn có thay đổi tất cả mọi thứ, nhưng tuyệt nhiên không phải là vợ và con của bạn”

Bài phát biểu này cuối cùng được biết đến với cái tên nội bộ bên trong Samsung là "Tuyên ngôn Frankfurt năm 1993". Nó được viết lại thành một cuốn sách dày 200 trang, được phát cho các nhân viên Samsung đọc để thấm nhuần tư tưởng của vị Chủ tịch. Với các nhân viên, không có cơ hội đoc, thậm chí Samsung còn sản xuất phim hoạt hình với nội dung tương tự cho họ xem.

Từ ngày đó, cái tên Samsung đã dần quen thuộc trên thế giới như một gã khổng lồ sản xuất TV, smartphone lớn nhất thế giới. Hình ảnh của một nhà sản xuất thường xuyên bị ngồi chiếu dưới trong các cuộc đua của các ông lớn đã gần như không còn nữa.

Còn về phần bài phát biểu, nó thậm chí đã tạo tiếng vang lớn và gây ảnh hưởng mạnh đến sự phát triển của Samsung đến mức để lưu giữ nó, công ty này đã mua lại tất các đồ nội thất, đồ trang trí trong căn phòng mà chủ tịch Lee đã nói ở Đức.

Chúng được vận chuyển một cách cẩn thận đến trụ sở của Samsung Hàn Quốc, qua đó hình ảnh cả khán phòng được tái tạo. Tất cả những thứ này được đặt trong phòng truyền thống của Samsung để mọi người cùng tưởng nhớ.

Căn phòng linh thiêng đến độ tại đại bản doanh của Samsung ở Hàn Quốc, nó được ghi chữ "cấm" ở ngay ngoài cửa. Các nhân viên bước vào căn phòng này giống như những tín đồ bước vào nhà thờ để cầu nguyện, tất cả phải thì thầm, có khi là chỉ là tĩnh lặng, trong sự kính trọng với những đã diễn ra trong một buổi họp trọng đại vào một ngày tháng 6 năm 1993.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM