Nhà phân tích quỹ tỷ USD: Việt Nam sẽ trở thành một Thái Lan thứ hai

07/02/2017 19:42 PM | Kinh tế vĩ mô

Việt Nam tự hào với tốc độ tăng trưởng cao và thị trường chứng khoán non trẻ nhưng đầu tư nước ngoài tại đây vẫn còn khó khăn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng sẽ thay đổi điều đó.

Ngay đầu năm 2017, các thị trường chứng khoán mới nổi đã bùng nổ. Chỉ số MSCI Emerging Markets tăng 5,5% trong tháng 1 – mức cao nhất kể từ tháng 3/2016. Nhiều nhà quan sát lo lắng rằng chủ nghĩa bảo hộ của tân Tổng thống Mỹ - ông Donald Trump – có thể kìm hãm thị trường mới nổi bởi những thị trường này vừa có khoảng thời gian không yên ả. Tuy nhiên, những chỉ báo gần đây cho thấy viễn cảnh đó sẽ không diễn ra.

Câu hỏi được đặt ra: Đầu tư vào đâu? Brazil và Nga phục hồi mạnh mẽ trong thời gian qua. Hiện nay các nhà đầu tư và quản lý quỹ đang bỏ qua các nền kinh tế mới nổi lớn. Việt Nam không thể so sánh với các nước thuộc nhóm BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) về quy mô nhưng nền kinh tế này đang nhanh chóng trở thành điểm nóng đầu tư.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg(Ảnh: Maika Elan)

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg Television hồi đầu tháng 1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết ông muốn đưa Việt Nam trở thành 1 trong 4 nền kinh tế thân thiện với nhà đầu tư nhất tại Đông Nam Á. Phát biểu này của Thủ tướng được đưa ra sau hàng loạt những tuyên bố tiếp tục mở cửa thị trường với đầu tư trực tiếp nước ngoài. Những phát biểu này của ông Nguyễn Xuân Phúc nhanh chóng được ủng hộ bởi các nhà đầu tư bấy lâu nay đang tìm đường tham gia thị trường Việt Nam.

Tổng cục Thống kê cho biết GDP 2016 của Việt Nam tăng trưởng 6,2% so với cùng kỳ năm trước - nằm trong mức dự báo đưa ra trước đó. Theo các chuyên gia, tốc độ này sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới.

Trước đây, Chính phủ Việt Nam giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty trong khi thị trường chứng khoán vẫn còn khá kém phát triển so với một số quốc gia trong khu vực như Indonesia hay Thái Lan. Đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể giúp tăng thanh khoản và chiều sâu cho thị trường chứng khoán cũng như các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, phải tới gần đây, Chính phủ mới có những động thái mở cửa cho dòng vốn ngoại.

Hồi tháng 9/2016, thị trường có dịp thử nghiệm những gì sắp diễn ra. CTCP Sữa Việt Nam – Vinamilk – lọt vào rổ chỉ số MSCI Vietnam. Vinamilk hiện đang đại diện cho hơn một nửa chỉ số chứng khoán của Việt Nam và sự thành công của công ty này tạo cảm hứng cho những đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của hàng loạt các doanh nghiệp khác. Vinamilk và các đợt IPO khác giúp vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam có thêm 13 tỷ USD chỉ trong vài tháng cuối năm. Hồi tháng 12/2016, Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, mời gọi các doanh nghiệp nước ngoài đấu giá cổ phần tại Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Đây là một doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lên tới 6 tỷ USD và là một thương hiệu nổi tiếng trong nước.

Diễn biến chỉ số VN-Index và HNX-Index từ đầu tháng 12/2016 tới nay

Nhà phân tích Adam Choppin của FIS Group cho biết công ty đầu tư trị giá 5 tỷ USD của mình đang rất lạc quan vào tình trạng tổng thể của thị trường Việt Nam. Ngày 1/2, FIS Group công bố một báo cáo, trong đó nhấn mạnh Việt Nam là một trong những nền kinh tế mới nổi quan trọng ở châu Á.

Ông Choppin cho biết, sau cuộc trò chuyện với các nhà quản lý kinh doanh tại thị trường mới nổi, nhiều người cho biết họ đang thay đổi cấu trúc của quỹ nhằm tăng cường đầu tư vào Việt Nam bởi sự tự do hóa đang diễn ra.

Những thay đổi đó bao gồm việc thuê các nhà phân tích Việt Nam và thay đổi các tiêu chí của các quỹ nhằm cho phép tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Nhà phân tích của FIS Group cho biết hiếm khi ông thấy một cái nhìn thống nhất về Việt Nam như hiện nay. Ông Choppin nói: “Việt Nam được cho là sẽ trở thành một Thái Lan thứ hai”.

Trên các thị trường mới nổi và sơ khởi, FIS Group thường làm việc với các nhà quản lý bán lẻ để tăng cường đầu tư vào các cổ phiếu niêm yết. Ông Choppin rất ngạc nhiên vì sự quan tâm giành cho Việt Nam hiện nay là khá lớn bất chấp vẫn còn vô số vấn đề tại quốc gia này. Theo nhà phân tích của FIS Group, các nhà đầu tư đang theo sát Việt Nam cũng có thể thấy những vấn đề tương tự đang diễn ra tại các nền kinh tế mới nổi lớn như Trung Quốc, Nga hay Brazil. Điểm mạnh của Việt Nam nằm ở cơ hội đầu tư rộng mở.

Nhà kinh tế Aaron Batten của Asian Development Bank cũng đồng ý với quan điểm của ông Choppin. Trong một cuộc phỏng vấn, ông Batten cho rằng Chính phủ Việt Nam nỗ lực rất nhiều trong việc thu hút đầu tư và giải quyết các vấn đề của hệ thống tài chính-ngân hàng.

Các ngân hàng của Việt Nam thường xuyên găp vấn đề với các khoản nợ xấu và hạn mức tín dụng. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước hiện đang làm việc để thực hiện tiêu chuẩn Basel II. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ sẵn sàng bán toàn bộ cổ phần tại các ngân hàng nhà nước hoạt động không hiệu quả, kể cả cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Nếu điều này thành hiện thực, Nhật Bản – một đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam – có thể đóng vai trò dẫn dắt. Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới hiện đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 tại Việt Nam. Nguồn vốn bổ sung trong thời gian tới có thể thúc đẩy hệ thống tài chính, đưa Việt Nam tới gần hơn với mục tiêu trở thành một trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Batten cho rằng hoạt động cho vay và thị trường chứng khoán chưa phát triển của Việt Nam gây ra một số vấn đề trong quá khứ. Nhưng nhiều bài học đã được rút ra. Việt Nam đang tạo ra một môi trường đầu tư mở cho dù quá trình này sẽ còn cần nhiều thời gian và sự cải tiến trong quy trình quản lý.

Hai nhà phân tích cho biết các khoản đầu tư vào Việt Nam thông qua các quỹ đầu tư tư nhân tăng đột biến trong vài năm trở lại đây. Ông Choppin nói: “Về cơ bản, Việt Nam đang ở tình trạng tốt hơn so với các thị trường mới nổi châu Á và một số thị trường sơ khởi khác. Chúng tôi (FIS Group) cho rằng đây là một điểm đến đáng để các nhà đầu tư cân nhắc”

Theo Thạch Thảo

Cùng chuyên mục
XEM