Nhà nước sẽ thoái vốn khỏi Petrolimex, VEAM, Vinatex cùng hàng chục tổng công ty lớn ngay trong năm 2017 - 2018

22/08/2017 08:33 AM | Kinh doanh

Ngay trong năm 2017, Nhà nước có kế hoạch thoái vốn khỏi 15 doanh nghiệp, nổi bật là những cái tên như Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - VEAM (bán 52,5% vốn), Hancorp (bán 47,8% vốn), Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng (bán 43,6% vốn) hay Licogi, Vinapharm…

Thủ tướng Chính Phủ vừa có Quyết định số 1232/QĐ-TTg phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 – 2020. Đa số các doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương như Petrolimex, Vinaincon, MIE, Vinatex, Vnsteel, ACV... được lên kế hoạch thoái vốn vào năm 2018.

Doanh nghiệp duy nhất mà Bộ Công thương dự kiến thoái vốn ngay trong năm 2017 là Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - VEAM

Theo quyết định trên, Bộ Công thương sẽ thoái 52,5% vốn cổ phần tại VEAM trong năm 2017 để giảm tỷ lệ sở hữu từ 88,5% xuống còn 36% và sẽ thoái nốt số còn lại vào năm 2020.

VEAM là doanh nghiệp hàng đầu ngành công nghiệp chế tạo máy móc, thiết bị nông nghiệp và được biết đến là một trong những doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất trong số các tổng công ty thuộc sở hữu của Nhà nước, đứng trên cả ACV, Vinacomin hay Vinachem. Điều này có được là nhờ khoản lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết khi VEAM đang sở hữu cổ phần trong 3 liên doanh với các hãng xe lớn là Ford (25% thông qua công ty Diesel Sông Công), Honda (30%) và Toyota (20%).

Ngày 29/08/2016, VEAM thực hiện IPO với khối lượng chào bán là 167 triệu cổ phiếu tương đương 12,57% vốn điều lệ. Tuy chỉ có 89,5% số lượng này được mua với giá đấu bình quân là 14.291 đồng/cp nhưng đáng chú ý là khối ngoại đã mua 30 triệu cổ phần VEAM và một tổ chức trong nước đã mua 79,7 triệu cổ phần. Phiên IPO của VEAM được ghi nhận là phiên IPO có giá trị lớn nhất năm 2016 với 2.137 tỷ đồng.

Trước đó, VEAM cho biết Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco) – một doanh nghiệp có quan hệ với BRG Group đã có đề nghị được mua tối thiểu 36% cổ phần VEAM theo phương thức mua trước khi bán đấu giá công khai với mức giá tối đa 10.050 đồng/cp, thấp hơn đáng kể so với mức giá IPO.

Có kế hoạch thoái vốn “dồn dập” nhất vẫn là Bộ Xây dựng. Bộ này có kế hoạch thoái vốn tại Tổng công ty CP Sông Hồng, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty CP (Hancorp), Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng - Công ty CP, Tổng công ty Đầu tư Nước và Môi trường Việt Nam - Công ty CP, FICO, Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam - Công ty CP (VNCC)…

Các doanh nghiệp mà Bộ Xây dựng dự kiến thoái toàn bộ vốn ngay trong năm 2017 là Tổng công ty CP Sông Hồng, FICO, CC1 và Licogi.

Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1)

Theo kế hoạch, Bộ Xây dựng sẽ thoái hết 40,5% vốn tại CC1 trong năm 2017.

Có vốn điều lệ 492 tỷ đồng, CC1 là thương hiệu thi công xây lắp hàng đầu tại khu vực phía nam, chủ đầu tư của các dự án lớn trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, sản xuất năng lượng và dân dụng.

Trong lĩnh vực xây lắp, CC1 nổi tiếng với các công trình tiêu biểu như Nhà máy Thủy điện Trị An, nhà máy Thủy điện Thác Mơ, cao ốc 225 Bến Chương Dương, cầu Thủ Thiêm, cao ốc Sailing Tower, nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 1… Giá trị sản lượng xây lắp của CC1 chiếm từ 2 – 3% giá trị sản lượng xây lắp của cả nước.

Bên cạnh đó, CC1 là chủ đầu tư của nhiều DA lớn trong lĩnh vực năng lượng, giao thông và dân dụng theo hình thứ BT, BOT, BOO, PPP. CC1 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận là Nhà đầu tư BOT cầu Đồng Nai mới.

Vào tháng 7/2016, CC1 đã IPO hơn 14 triệu cổ phần (tương ứng 12,81 % vốn điều lệ). CC1 có 2 nhà đầu tư chiến lược được chọn là CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc (mua 38% vốn) và CTCP Top American Việt Nam (mua 7% vốn).

CC1 đang quản lý, sử dụng 460.803 m2 đất, bao gồm 437.923 m2 đất tại Tp.HCM và 22.880 m2 đất tại Bà Rịa Vũng Tàu. Tại tòa nhà Sailing Tower và khu lán trại Phú Mỹ, CC1 đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hình thức giao đất lâu năm. Tại KDC hạnh Phúc và KDC sinh thái Phước Cơ, CC1 chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng có quyết định giao đất lâu dài

FICO

Tổng công ty FICO hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản, đầu tư kinh doanh bất động sản.

Trong lĩnh vực gạch men, FICO đầu tư vốn tại CTCP Vitaly (VTA) và CTCP Gạch men Thanh Thanh với tổng công suất trên 11 triệu m2/năm. Trong mảng gạch và các sản phẩm đất sét nung, FICO thực hiện qua đơn vị thành viên là CTCP Gạch ngói Đồng Nai. Còn trong mảng khai thác, chế biến đá xây dựng, Đá Hóa An là một trong 3 đơn vị thành viên của FICO.

Nhưng lĩnh vực nổi bật nhất và đem lại doanh thu lớn nhất cho FICO chính là xi măng, hoạt động thông qua công ty con là FICO Tây Ninh (Tafico). Đây là thương hiệu xi măng chiếm 12% thị phần tại thị trường phía Nam với doanh thu từ 2.500 – 3.000 tỷ đồng mỗi năm, tương đương với xi măng Bỉm Sơn trên sàn niêm yết.

Licogi

Tổng công ty Licogi nổi tiếng bởi kết quả kinh doanh kém. Vào cuối tháng 4/2017 vừa qua, Licogi đã công bố BCTC tổng công ty – công ty mẹ đã kiểm toán của công ty kiểm toán PWC, trong đó có hàng loạt ý kiến ngoại trừ của PWC về số dư đầu kỳ tại BCTC giai đoạn từ ngày 1/1/2013 đến 31/12/2015 - ngày Tổng công ty chính thức được cổ phần hóa.

Trong năm tài chính 2016, Tổng công ty-công ty mẹ đã phát sinh khoản lỗ sau thuế 293,4 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần trong năm âm 142 tỷ đồng và tổng nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 803,52 tỷ đồng. Các vấn đề này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn mang tính trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty-công ty mẹ.

Licogi có 3 cổ đông lớn trong đó bộ Xây Dựng đang nắm giữ 40,71% vốn điều lệ, cổ đông chiến lược Công ty TNH Đầu tư và Kinh doanh BĐS Khu Đông nắm giữ 35% vốn điều lệ và Công ty TNHH Đầu tư Gia Cường sở hữu 22,24% vốn. Tổng cộng 3 cổ đông lớn đã sở hữu đến 97,95% vốn điều lệ Licogi.

Tháng 4/2015, Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển Hạ Tầng – Licogi đã tiến hành bán đấu giá gần 21,3 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng với mức giá bình quân là 10.006 đồng/cổ phần. Ngày 05/06/2017, 90 triệu cổ phiếu LIC của Tổng Công ty Licogi - Công ty Cổ phần chào sàn UPCoM và chìm trong cảnh không có thanh khoản.

Cũng trong năm 2017, Bộ Y tế dự kiến thoái vốn khỏi Tổng công ty Dược Việt Nam – Vinapharm

Vinapharm tiến hành IPO vào 22/6/2016. Toàn bộ 42.557.000 cổ phần mang ra đấu giá được các nhà đầu tư tham gia mua hết với giá đấu thành công bình quân 10.433 đồng/cổ phần. Tổng công ty lên giao dịch trên UPCoM vào ngày 19/05/2017 với mã chứng khoán DVN. Cổ phiếu này đã ghi nhận một quá trình tăng sốc lên gấp đôi nhưng từ sau khi tạo đỉnh tại mức giá trên 28.000 đồng, cổ phiếu này đã giảm liên tục đến nay. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/08, DVN có giá 16.600 đồng.

Vinapharm có 2 cổ đông lớn nắm giữ tổng cộng 82% vốn điều lệ, trong đó Bộ Y Tế sở hữu 65% vốn còn nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn Việt Phương sở hữu 17% vốn điều lệ công ty. Theo kế hoạch, Bộ Y tế sẽ thoái 35% vốn tại Vinapharm trong năm 2017 và bán nốt 30% còn lại vào năm 2018.

Vinapharm hiện đang đầu tư vào hàng chục doanh nghiệp dược lớn như Imexpharm, Mekophar, OPC, Vidipha, Vimedimex, Phytopharma…

Ngoài ra, Vinapharm còn sở hữu nhiều lô đất tại Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh với tổng diện tích trên 11.000m2. Trong đó đáng chú ý là lô đất số 95 Láng Hạ, Hà Nội có diện tích gần 3.280m2, lô đất số 60B Nguyễn Huy Tưởng, Hà Nội có diện tích 2.670m2, lô đất số 12 Ngô Tất Tố, Đống Đa, Hà Nội và lô đất số 178 Điện Biên Phủ, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây đều là các lô đất công ty được thuê đất sử dụng trả tiền hàng năm.

Bên cạnh đó, Vinapharm còn có lô đất số 138B Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội rộng hơn 1.168m2 đang chờ bàn giao về Bộ Y Tế.

Theo Mai Linh

Cùng chuyên mục
XEM