Nhà máy điện ảo đầu tiên tại Quảng Đông, Trung Quốc

19/09/2022 10:36 AM | Kinh doanh

Trung Quốc mới đây đã khai trương trung tâm quản lý nhà máy điện ảo đầu tiên tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, miền nam nước này.

Nhà máy điện ảo không phải là một nhà máy điện theo đúng nghĩa, mà là một công nghệ lưới điện thông minh, được tạo ra bằng cách điều động các nguồn năng lượng phân tán. Hệ thống này gồm một mạng lưới các máy phát điện khác nhau, giúp dễ dàng chuyển hướng năng lượng đến những nơi cần thiết.

Trung Quốc đến nay đã thí điểm xây dựng các nhà máy điện ảo ở nhiều nơi như Thượng Hải, Hà Bắc, Sơn Tây và Sơn Đông để phân phối điện hiệu quả hơn.

Anh Sử Quân - Chuyên gia điện lực, Tập đoàn lưới điện Phương Nam, Trung Quốc: "Nhà máy điện ảo có thể được sử dụng như một nhà máy điện thông thường để phát điện trong giờ cao điểm, đồng thời cũng có thể dùng để hấp thụ nguồn cung điện dư thừa, đặc biệt là vào ban đêm. Ngoài ra, nó cũng có thể đóng vai trò phụ trợ, giúp tăng cường sự ổn định vận hành của lưới điện".

Nhà máy điện ảo Thâm Quyến có công suất 870 MW, tương đương với công suất của một nhà máy điện than cỡ lớn. Công suất này dự kiến sẽ tăng lên 1.000 MW vào năm 2025, giúp tiết kiệm hàng chục nghìn tấn than tiêu chuẩn, đồng thời góp phần giảm phát thải các loại khí nhà kính như carbon dioxide.

Tuy nhiên, việc phát triển các nhà máy điện ảo hiện vẫn đứng trước nhiều rào cản, nhất là về chính sách.

"Một mặt, cần có các chính sách đặc biệt ở cấp quốc gia là để làm rõ định nghĩa, phạm vi, vai trò, định hướng phát triển các nhà máy điện ảo. Mặt khác, mô hình kinh doanh của nhà máy điện ảo vẫn chưa rõ ràng và các chủ thể thị trường còn chưa thực sự hứng thú với lĩnh vực này", anh Sử Quân nói.

Giá trị thị trường của ngành công nghiệp nhà máy điện ảo ở Trung Quốc ước tính có thể vượt 18,8 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Dù vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, nhưng ngành công nghiệp này dự kiến sẽ phát triển nhanh chóng tại Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh nước này đặt mục tiêu đạt đỉnh lượng phát thải carbon vào năm 2030 và đạt mức trung hòa carbon vào năm 2060.

Theo Ban thời sự

Cùng chuyên mục
XEM