Nhà kinh tế học khẳng định: Nếu mỗi tuần chỉ phải làm việc 4 ngày, cả thế giới sẽ hạnh phúc

12/10/2016 15:01 PM | Sống

Chúng ta có quá nhiều giờ thừa trong mỗi ngày làm việc, các nhân viên không có nhiều việc để làm trong khi không thể về sớm vì cái gọi là “chủ nghĩa vị lượng”.

Được nghỉ 3 ngày mỗi tuần nghĩa là ta có nhiều thời gian hơn dành cho gia đình và bạn bè, để đi chơi và khám phá thế giới, và để giải tỏa áp lực từ công việc. Ngoài những lợi ích về nghỉ dưỡng, 3 ngày nghỉ mỗi tuần có thể là những bước dễ dàng nhất giúp chúng ta giảm thiểu triệt để tác động của con người với môi trường.

Theo 2 nhà kinh tế học David Rosnick và Mark Weisbrot, giờ làm việc ít đi sẽ làm giảm đáng kể năng lượng tiêu thụ. Trên thực tế, nếu người Mỹ tuân thủ mức giờ làm việc của người châu Âu chẳng hạn, họ sẽ thấy năng lượng tiêu thụ giảm đi 20% - và nhờ thế lượng khí thải carbon cũng giảm đi.

Với tuần làm việc 4 ngày, thời gian đi làm và về nhà cũng giảm đi, bên cạnh đó là năng lượng dùng cho nơi làm việc. Đến thời điểm chúng ta phải cắt giảm lượng khí thải carbon, áp dụng chính sách 4 ngày làm việc/tuần là cách đơn giản nhất để khiến nền kinh tế trở nên thân thiện hơn với môi trường.

Điều này đã từng có tiền lệ. Chẳng hạn vào năm 2007, bang Utah ở Mỹ quy định lại giờ làm việc của nhân viên nhà nước với 2 giờ làm thêm từ thứ Hai đến thứ Năm, và được nghỉ hoàn toàn thứ 6. Trong 10 tháng đầu tiên, động thái này đã tiết kiệm được cho bang ít nhất 1,8 triệu USD chi phí năng lượng.

Utah hủy bỏ thử nghiệm này vào năm 2011 sau khi người dân phàn nàn rằng họ không được phục vụ vào ngày thứ 6. Điều đó cho thấy có vẻ sự thay đổi này cần phải thực hiện cùng với sự thay đổi về kỳ vọng thông thường, để thứ 6 trở thành “ngày cuối tuần thứ 3” chứ không đơn thuần chỉ là một ngày trong tuần không phải đi làm.

Dù sao đi nữa những gì Utah đã làm cũng cho thấy nếu áp dụng trên toàn nước Mỹ, chính sách này sẽ tạo nên sự chuyển biến đáng kể cho nền kinh tế và gây hại ít hơn cho môi trường.

Ngoài ra còn có một số lợi ích khác nữa. Ngày làm việc ít hơn sẽ giúp mọi người cân bằng cuộc sống và công việc tốt hơn, giúp phục hồi sức khỏe tinh thần và thể chất. Chúng ta còn có nhiều thời gian hơn dành cho các hoạt động xã hội, như chăm sóc người già và trẻ nhỏ, gắn kết với cộng đồng. Các thử nghiệm giảm giờ làm việc ở một số nơi tại Thụy Điển vào năm 2015 cho thấy số ngày nhân viên xin nghỉ ốm giảm đi và năng suất lao động tăng lên.

Một số người còn hoài nghi có thể nghĩ: “Liệu chúng ta có đủ điều kiện để thực hiện việc đó không?”. Nhưng rõ ràng có rất nhiều lý do nghiêm túc cả về kinh tế lẫn kỹ thuật để các chính phủ, đảng phái chính trị, các chuyên gia cố vấn và các phong trào xã hội bắt đầu nghĩ về xu hướng áp dụng chính sách 3 ngày nghỉ cuối tuần.

Trên thực tế, nhiều nhà kinh tế học từ lâu đã nhận thấy chúng ta có quá nhiều giờ thừa trong mỗi ngày làm việc, các nhân viên không có nhiều việc để làm trong khi không thể về sớm vì cái gọi là “chủ nghĩa vị lượng” – tức cách đánh giá của các nhà quản lý dựa trên số giờ có mặt ở văn phòng chứ không phải năng suất làm việc.

Dưới góc nhìn dài hạn, một làn sóng tự động hóa nơi làm việc đang đến với rất nhiều robot và hệ thống máy móc được cho là sẽ thay thế 47% công việc hiện có trong thập niên tới. Trong hoàn cảnh này, việc áp dụng các chính sách như tuần làm việc 4 ngày sẽ trở nên thiết yếu để giúp cuộc sống trở nên dễ thở hơn dưới những thay đổi về điều kiện kinh tế.

Tự động hóa sẽ sớm mang lại cho chúng ta một thế giới công việc khác hẳn. Nhờ có tự động hóa, nhiều quy trình sản xuất sẽ trở nên hiệu quả hơn, sử dụng ít năng lượng hơn và ít lao động hơn, và cuối cùng chúng ta nhìn chung sẽ được giải phóng khỏi lao động chân tay.

Điểm mấu chốt để nắm bắt được lợi ích của tự động hóa mà không làm xáo trộn mọi thứ phụ thuộc một phần vào việc đưa ra các chính sách hợp lý. Tất nhiên không phải mọi thứ đều có thể xảy ra trong một ngày, nhưng nếu bạn may mắn được nghỉ ngày thứ Hai đầu tuần, đừng quên rằng thêm một ngày được nghỉ ở nhà hoặc vui chơi trong công viên không chỉ khiến chúng ta vui vẻ mà còn giúp con người chiến đấu với tình trạng biến đổi khí hậu.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM