Nhà giàu Mỹ né thuế hợp pháp như thế nào?

25/04/2021 15:29 PM | Kinh doanh

Nếu nhóm 1% giàu nhất của Mỹ đóng thuế đầy đủ, Chính phủ nước này sẽ thu được thêm 175 tỷ USD mỗi năm...

Tháng 3 vừa qua, Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) công bố một ước tính cho thấy giới siêu giàu nước này có thể đã che giấu khoảng 20% thu nhập chịu thuế.

Theo IRS, nếu nhóm 1% giàu nhất nước Mỹ khai báo tất cả các khoản thu nhập chịu thuế, Bộ Tài chính sẽ có thêm 175 tỷ USD vào nguồn thu ngân sách mỗi năm. Một nghiên cứu độc lập khác đăng trên Tạp chí Thuế Quốc gia cho hay nhóm 1% này chiếm tới hơn 1/3 các hiện tượng che giấu, báo cáo sai lệch thu nhập chịu thuế được ghi nhận hàng năm.

Việc che giấu thu nhập chịu thuế ở giới siêu giàu đồng nghĩa hiện tượng bất bình đẳng giàu nghèo thực tế có thể tồi tệ hơn nhiều so với ước tính của các chuyên gia. Theo Cục Dự trữ Liên bang (Fed), tính riêng năm 2020, nhóm 1% giàu nhất nước Mỹ ghi nhận tổng tài sản ròng tăng khoảng 4 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, con số này ở nhóm 50% nghèo nhất chỉ là 471 tỷ USD, tương đương khoảng 4% mức tổng mức tăng trong toàn nền kinh tế.

Hồi tháng 9/2020, tờ New York Times từng công bố một báo cáo chấn động cáo buộc cựu Tổng thống Donald Trump gần như không phải nộp thuế trong hơn một thập kỷ nhờ những “mánh khóe” giảm, tránh thuế. Không riêng ông Trump, giới nhà giàu Mỹ có rất nhiều phương pháp tinh vi và hoàn toàn hợp pháp nhằm trốn thuế, tối đa hóa khối tài sản của họ.

Trong đó, phương thức đầu tiên phải kể đến là “hô biến” tài sản thành các khoản đầu tư.

Việc trốn thuế thu nhập từ tiền lương dễ bị phát hiện hơn nhiều so với trốn thuế thu nhập từ các khoản đầu tư. Ngoài ra, mức thuế thu nhập trên lương theo luật thuế hiện hành tại Mỹ cũng cao hơn nhiều thuế tài sản gia tăng đánh vào các khoản lãi đầu tư.

Tính riêng năm 2020, nhóm 1% giàu nhất nước Mỹ ghi nhận tổng tài sản ròng tăng khoảng 4 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, con số này ở nhóm 50% nghèo nhất chỉ là 471 tỷ USD.

Cụ thể, mức thuế tài sản gia tăng tại Mỹ hiện là 20%, trong khi khung thuế thu nhập cá nhân cao nhất lên tới 37%. Nói cách khác, cá nhân kiếm được 1 triệu USD có nguy cơ phải nộp 370.000 USD tiền thuế cho chính phủ nếu thuộc diện đối tượng chịu mức thuế cao nhất. Trong khi đó, với mỗi khoản thu nhập 1 triệu USD từ đầu tư, mức thuế tối đa phải nộp chỉ là 200.000 USD.

Tất nhiên, có rất nhiều trường hợp ngoại lệ. Chẳng hạn, cá nhân có thể sử dụng các điều khoản giảm trừ để giảm mức thuế suất thực tế phải chịu.

Ngoài ra, luật thuế quy định nhà đầu tư không phải chịu thuế đối với khoản đầu tư tài sản như cổ phiếu, bất động sản... cho đến chừng nào chúng được bán ra. Tức là bằng cách tích trữ tài sản mà không bán, giới nhà giàu có thể giảm thiểu đa phần gánh nặng thuế.

Một phân tích từ Fed cho thấy lợi nhuận từ các tài sản nằm im chiếm hơn 1/3 tổng tài sản mà nhóm 1% giàu nhất nước Mỹ nắm giữ trong năm 2013. Lỗ hổng giúp các tỷ phú như CEO Amazon Jeff Bezos - người giàu nhất hành tinh - tránh được khoản thuế khổng lồ dù khối tài sản ròng gia tăng kỷ lục.

Thời điểm bán tài sản sẽ được các nhà đầu tư tính toán kỹ nhằm giảm số thuế phải nộp xuống mức tối thiểu. “Các cá nhân có thể chờ đợi thời điểm bán có lợi nhất đối với họ, chẳng hạn như một năm nào đó mà họ ghi nhận mức lỗ lớn để được giảm trừ thuế”, theo Trung tâm Ưu tiên Ngân sách và Chính sách.

Thứ hai, nhà giàu Mỹ lợi dụng lỗ hổng thuế thu nhập doanh nghiệp để giảm nghĩa vụ thuế cá nhân.

Dự luật thuế năm 2017 được ông Trump ký thành luật cho phép khấu trừ 20% đối với một số khoản thu nhập kinh doanh thông qua quan hệ đối tác, doanh nghiệp tư nhân và Công ty S (S-corporations - một hình thức doanh nghiệp có khả năng chuyển thu nhập trực tiếp đến tay cổ đông, tránh bị đánh thuế hai lần).

Ủy ban Liên hợp Thuế (JCT) chỉ ra nhóm 1% giàu nhất đất nước được hưởng tới 61% lợi ích từ điều luật thuế thu nhập kinh doanh mà ông Trump ban hành.

Một nghiên cứu công bố hồi năm 2019 của giáo sư Eric Zwick từ Trường kinh doanh thuộc Đại học Chicago cho biết khoảng 84% giới nhà giàu Mỹ đều có nguồn thu nhập từ các loại hình doanh nghiệp trong diện được khấu trừ thuế. Trong số 0,1% giàu nhất nước Mỹ thời điểm đó, số chủ sở hữu Công ty S lớn hơn nhiều lần số nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn.

Ngoài ra, chính các chủ sở hữu này được quyền tự do quyết định mức lương trả cho bản thân. Giảm lương xuống tối thiểu để tối đa hóa lợi nhuận công ty cũng là một phương án nhằm giảm mức thuế phải đóng. Theo ông Zwick, giới nhà giàu Mỹ đã tận dụng lỗ hổng này để tránh thuế từ những năm 2001.

Ủy ban Liên hợp Thuế (JCT) chỉ ra nhóm 1% giàu nhất đất nước được hưởng tới 61% lợi ích từ điều luật thuế thu nhập kinh doanh mà ông Trump ban hành.

Một cách khác để nhà giàu Mỹ trốn thuế là lợi dụng chính sách thuế di sản.

Đạo luật thuế mà ông Trump ký năm 2017 cũng cho phép tăng gấp đôi khối tài sản giới nhà giàu Mỹ được quyền chuyển nhượng cho người thừa kế mà không phải trả thuế di sản. Mức tăng lên tới 11,58 triệu USD cho cá nhân và 23,16 triệu USD cho cặp vợ chồng.

Với tầng lớp siêu giàu, còn một cách khác để tránh thuế thông qua điều luật thuế di sản. Lỗ hổng luật thuế di sản khuyến khích giới nhà giàu biến thu nhập của họ thành các khoản đầu tư và giữ tài sản cho đến lúc chết, trước khi chuyển giao lại cho người thừa kế với mức thuế bằng 0. Và thế là người thừa kế được hưởng khối của cải cả đời thế hệ trước làm ra mà không phải trả đồng tiền thuế nào.

“Thật vô lý khi luật thuế của chúng ta cho phép những người giàu nhất không bao giờ phải trả dù chỉ 1 xu tiền thuế…, trong khi những người bình thường lao động quần quật để trả thuế cho mỗi đồng xu họ kiếm được”.

Hồi cuối tháng 3 vừa qua, loạt nghị sĩ Dân chủ tại Thượng viên đã đề xuất dự thảo luật mang tên “Đạo luật Thuế hợp lý và Thúc đẩy Công bằng (STEP)” nhằm loại bỏ lỗ hổng “trợ cấp chính phủ với tài sản thừa kế”. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders nhấn mạnh: “Thật vô lý khi luật thuế của chúng ta cho phép những người giàu nhất không bao giờ phải trả dù chỉ 1 xu tiền thuế…,trong khi những người bình thường lao động quần quật để trả thuế cho mỗi đồng xu họ kiếm được”.

Bất bình đẳng thuế là một trong những vấn đề mà Tổng thống Joe Biden đã cam kết xử lý khi đắc cử, cũng là mối quan tâm lớn của các nghị sĩ Dân chủ. Nhưng đề xuất tăng thuế của nhà lãnh đạo Mỹ khó mà giải quyết triệt để tình trạng đó, bởi luôn có những cách khác nhau để giới siêu giàu Mỹ trốn thuế một cách hợp pháp.

Diên Vỹ

Cùng chuyên mục
XEM