Nguyên nhân lý giải vì sao Thái Lan đang ở trong tình thế còn tồi tệ hơn cả khủng hoảng tài chính châu Á

23/07/2021 14:19 PM | Xã hội

Sự phụ thuộc vào các ngành đòi hỏi tiếp xúc nhiều như du lịch, dịch vụ và tỷ lệ việc làm tự do cao đã khiến Thái Lan gặp nhiều khó khăn trong đại dịch.

Giống như nhiều quốc gia khác, nền kinh tế Thái Lan đã bị đại dịch Covid-19 tàn phá nặng nề trong năm ngoái. GDP năm 2020 giảm hơn 6% và nhiều người lao động, đặc biệt là những người làm việc trong ngành du lịch, đã lâm vào cảnh thất nghiệp.

Điều đó vẫn xảy ra bất chấp chính phủ nước này đã hành động rất quyết liệt, kết hợp tất cả các chính sách tài khóa, tiền tệ và tài chính để chống đỡ với những thiệt hại mà virus gây ra. Theo đánh giá thường niên mới nhất của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, kinh tế Thái Lan được dự báo tăng trưởng 2,6% trong năm 2021, đi kèm với nhận định làn sóng mới sẽ khiến con đường trước mắt trở nên rất gập ghềnh.

Dưới đây là 4 điều đáng chú ý về những thách thức mà Thái Lan đang phải đối mặt cũng như triển vọng phục hồi của nền kinh tế này.

1/ Đại dịch đột ngột chặt đứt dòng khách du lịch vào Thái Lan và khiến các hoạt động kinh tế suy giảm rất mạnh

GDP của Thái Lan đã sụt giảm 6,1% trong năm 2020, mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính châu Á. Du lịch – ngành đóng góp tới 20% GDP và 20% lượng việc làm – bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các lao động có ít kỹ năng, lao động nhập cư và lao động tự do là nhóm bị thiệt hại nhiều nhất, đặc biệt là phụ nữ và người trẻ.

Ngành tài chính của Thái Lan đã đương đầu với dịch bệnh khá tốt, nhưng áp lực đè nặng lên các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng lớn.

 Nguyên nhân lý giải vì sao Thái Lan đang ở trong tình thế còn tồi tệ hơn cả khủng hoảng tài chính châu Á  - Ảnh 1.

Mức độ ảnh hưởng của đại dịch lên các ngành.

2/ Chính phủ Thái Lan đã hành động mạnh tay để chống đỡ khủng hoảng

Trong phần lớn năm 2020, các biện pháp kiểm soát dịch kiên quyết được đưa ra đúng thời điểm đã giúp nước này thành công trong việc "làm phẳng đường cong lây nhiễm". Vì kiểm soát dịch tốt, cộng với các biện pháp như gói kích thích tài khóa có quy mô lên đến 10% GDP, hạ lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục 0,5% kết hợp với các chính sách nhằm đảm bảo thị trường tài chính hoạt động trơn tru và hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như cá nhân bị ảnh hưởng, Thái Lan đã hạn chế được các ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh.

Nhờ đó, cuộc sống và sinh kế của hàng triệu người dân đã được cải thiện. Nền kinh tế cũng bước đầu hồi phục và dần mở cửa trở lại. Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách đã tăng lên mức 4,8% GDP trong năm 2020. Tỷ lệ nợ/GDP tăng từ mức 41% trong năm 2019 lên 49,6% trong năm 2020.

 Nguyên nhân lý giải vì sao Thái Lan đang ở trong tình thế còn tồi tệ hơn cả khủng hoảng tài chính châu Á  - Ảnh 2.

Thâm hụt ngân sách và tỷ lệ nợ công tăng vọt.

3/ Những đám mây đen vẫn bao phủ, đòi hỏi chính sách linh hoạt hơn

IMF dự báo đà phục hồi của kinh tế Thái Lan trong năm 2021 sẽ khá chậm chạp, với GDP chỉ tăng trưởng 2,6%. Triển vọng phục hồi trong ngắn hạn bị thách thức bởi làn sóng lây nhiễm thứ 3 khá hung hãn. Bối cảnh hiện nay đòi hỏi phối hợp nhuần nhuyễn, thận trọng và linh hoạt giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ, tài chính để thích nghi với những tình huống thay đổi rất nhanh chóng.

Điều quan trọng nhất để đạt được sự phục hồi bền vững là đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine để sớm đạt miễn dịch cộng đồng.

4/ Thái Lan cần làm gì để thích nghi với thế giới hậu đại dịch?

Sự phụ thuộc vào các ngành đòi hỏi tiếp xúc nhiều như du lịch, dịch vụ và tỷ lệ việc làm tự do cao đã khiến Thái Lan gặp nhiều khó khăn trong đại dịch. Tuy nhiên đó cũng sẽ là bằng chứng rõ ràng nhất thôi thúc Thái Lan thực hiện những chuyển đổi để nền kinh tế thích nghi tốt hơn với thế giới hậu đại dịch.

Tăng đầu tư, đặc biệt là vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, cộng với tăng cường giáo dục đào tạo sẽ giúp thúc đẩy quá trình số hóa nền kinh tế đồng thời phòng ngừa những thiệt hại kinh tế dài hạn mà đại dịch gây ra.

Chính phủ Thái Lan cũng nhìn nhận cuộc khủng hoảng là 1 cơ hội để "thay máu" ngành du lịch từ du lịch đại trà chi phí thấp sang các loại hình cao cấp hơn, mang lại giá trị thặng dư cao hơn. Đồng thời nước này cũng hướng đến thúc đẩy du lịch nội địa, giảm phụ thuộc vào khách quốc tế.

Thái Lan xếp các lao động trong ngành du lịch vào nhóm thiết yếu và được ưu tiên tiêm vaccine. Ngày 1/7, nước này triển khai sáng kiến Phuket, cho phép hòn đảo du lịch nổi tiếng mở cửa đón tiếp khách du lịch nước ngoài đã được tiêm vaccine, kết hợp với các mục tiêu bền vững về môi trường.

Theo IMF

Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM