Nguy cơ xâm nhập Việt Nam, cúm gia cầm H5N1 nguy hiểm thế nào?

26/02/2023 11:25 AM | Xã hội

Sau khi tỉnh biên giới Campuchia giáp Việt Nam có ca nhiễm cúm A/H5N1 tử vong, chuyên gia khuyến cáo các địa phương trong nước cần giám sát các ổ dịch cúm gia cầm

Sau khi Campuchia ghi nhận một trường hợp tử vong do cúm gia cầm (A/H5N1), Viện Pasteur TP HCM đã có công văn khẩn gửi sở y tế 20 tỉnh, thành phía nam đề nghị tăng cường giám sát viêm phổi nặng liên quan đến cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1.

Trước đó, giữa tháng 10-2022, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng thông báo về trường hợp dương tính với cúm A/H5 từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nữ 5 tuổi (ở Phú Thọ). Đây là ca bệnh cúm gia cầm trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2-2014. Sau trường hợp này, địa phương không ghi nhận thêm ca nhiễm cúm gia cầm mới.

Nguy cơ xâm nhập Việt Nam, cúm gia cầm H5N1 nguy hiểm thế nào? - Ảnh 1.

Tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm

Về nguy cơ ghi nhận ca nhiễm cúm A/H5N1 tại Việt Nam, một chuyên gia dịch tễ cho biết nguy cơ xâm nhập ca bệnh là có thể giống như với các bệnh truyền nhiễm khác. Hơn nữa, thời gian qua tại một số địa phương vẫn ghi nhận rải rác các ổ dịch trên gia cầm. Do đó, các địa phương cần chủ động theo dõi sự biến đổi của virus cúm A/H5N1 mà trước tiên là giám sát dịch cúm trên gia cầm.

"Nếu có dịch trên gia cầm cần dập dịch nhanh chóng, không để bùng phát. Vì khi dịch bùng phát trên gia cầm thì nguy cơ virus lây lan sang người cũng dễ dàng hơn, do gia cầm được chăn nuôi gần với nơi sinh sống của người" - chuyên gia này lưu ý.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cúm A/H5N1 là một phân nhóm virus cúm A, lây truyền giữa các loài chim, gia cầm và động vật khác, lây sang cho người và gây tử vong.

Nhiễm cúm gia cầm thường không có triệu chứng ở chim hoang dã nhưng có thể gây tỉ lệ chết rất cao ở gia cầm nuôi. Ở người, tỉ lệ tử vong do nhiễm các phân tuýp A/H5N1, A/H5N6 và A/H7N9 cao hơn nhiều so với nhiễm virus cúm mùa A và B. Tỉ lệ tử vong do cúm A/H5N1 có thể lên tới 60%.

Nguy cơ xâm nhập Việt Nam, cúm gia cầm H5N1 nguy hiểm thế nào? - Ảnh 2.

Sự lây truyền các chủng virus cúm A giữa các loài. Nguồn: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Theo bác sĩ Phan Văn Mạnh, Khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, biểu hiện của bệnh cúm gia cầm cũng giống như bệnh cúm mùa; tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng và tỉ lệ tử vong có xu hướng cao hơn, mặc dù còn tùy thuộc vào chủng virus.

Người nhiễm cúm gia cầm có thể không có triệu chứng đến có các biểu hiện nhẹ của triệu chứng cúm (như sốt, ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau họng, đau mỏi cơ, đau đầu, viêm kết mạc). Các dấu hiệu ít phổ biến hơn bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, nôn hoặc co giật. Các biểu hiện nặng hơn có thể gặp như khó thở hoặc viêm phổi, tiến triển suy hô hấp và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Để phòng chống cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Không giết, mổ, sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân. 

Nếu xuất hiện các biểu hiện cúm có liên quan đến tiếp xúc với gia cầm, cần cách ly tránh tiếp xúc với người thân, đeo khẩu trang y tế và đến cơ sở y tế để được chẩn đoán kịp thời.

Theo D.Thu

Cùng chuyên mục
XEM