Nguy cơ... ăn phải nhựa hàng ngày, người Việt vẫn thấy 'hồn nhiên' dùng túi ni lông, ống hút nhựa vô tội vạ

06/06/2018 11:34 AM | Kinh doanh

2 năm trước, Emily Strady – một cán bộ nghiên cứu người Pháp - tới Việt Nam để làm nghiên cứu về ô nhiễm kim loại trong mạng lưới sông ngòi. Nhưng trong nhiệm vụ đầu tiên của cô tại Việt Nam, thứ đập vào mắt Emily và khiến cô “hoảng sợ” không phải kim loại, mà là nhựa, nhựa và... nhựa.

Việt Nam lọt top 5 quốc gia "đóng góp" rác thải nhựa ra đại dương nhiều nhất 

"Vào năm 2050, rác thải  nhựa trong đại dương sẽ nhiều hơn cá. Điều đáng buồn là, khu vực châu Á Thái Bình Dương đóng góp 1 lượng đáng kể trong lượng nhựa này."

Đó là phát biểu của bà Ping Kitnikone đại sứ Canada tại Việt Nam tại Lễ ký "Bộ quy tắc ứng xử chống ô nhiễm chất thải nhựa" bởi 22 Đại sứ quán và tổ chức quốc tế diễn ra mới đây tại Hà Nội.

Theo nghiên cứu do tạp chí Science công bố năm 2015, Việt Nam đứng thứ 4 trong số 5 quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nhất, góp phần tạo ra 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ vào các đại dương trên toàn thế giới mỗi năm.

Emily Strady cho biết: "Ở Pháp, rất hiếm khi thấy một chiếc túi ni lông ở ngoài môi trường. Trong khi đó, chuyện này lại rất đỗi bình thường ở Việt Nam."

Nguy cơ... ăn phải nhựa hàng ngày, người Việt vẫn thấy hồn nhiên dùng túi ni lông, ống hút nhựa vô tội vạ - Ảnh 1.

Emily Strady (thứ 2 từ trái sang) và các chuyên gia tại sự kiện

2 năm trước, Emily đã cùng vài nghiên cứu sinh khác thực hiện một khảo sát về lượng ô nhiễm nhựa trong môi trường Việt Nam. Nhóm nghiên cứu thực hiện lấy mẫu rác thải dọc sông Sài Gòn trong vòng 1 năm rưỡi. 

Và sau khi phân tích, nhóm nhận thấy: tỉ lệ ô nhiễm cao gấp 1000 lần so với các nước phương tây.

Nguy cơ... ăn phải nhựa hàng ngày, người Việt vẫn cảm thấy "cô đơn" trong giảm đồ nhựa 

Theo nhóm nghiên cứu của Emily cho biết: "Nhựa đổ sông ra biển thì sẽ ảnh hưởng đến sinh vật biển, những loài chim biển và cá nuốt phải nó."

Trong trường hợp này, các hạt vi nhựa có thể tiến vào chuỗi thức ăn, thậm chí có mặt trong thức ăn của con người. Trên thực tế, nhóm của Emily đã tìm thấy sự hiện hữu của các hạt vi nhựa trong nước, cá và không khí ở Việt Nam.

Rác thải nhựa sẽ đi về đâu? Nguồn: Youtube

Chia sẻ tại lễ ký kết, bà Hoàng Minh Hồng, Giám đốc tổ chức ChangeVN – người tham gia thực hiện nhiều dự án về giảm thiểu rác thải nhựa - cho biết nhiều người Việt cảm thấy "cô đơn" khi thực hiện các hành động đơn giản để giảm nhựa, ví dụ như từ chối sử dụng ống hút nhựa tại quán cà phê.

Một đại diện từ WWF cũng chia sẻ rằng trong quá trình thực hiện một dự án về rác thải nhựa ở Phú Quốc, họ khó thuyết phục các khách sạn tại đây tham gia vì khách sạn cũng cảm thấy lạc lõng trong việc yêu cầu khách của mình giảm túi ni lông khi đi mua sắm.

Theo các chuyên gia, cần có sự liên kết – như thành lập các cộng đồng - thì mới có thể tạo nên một sự thay đổi lớn.

Theo quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thảo nhựa lần này, 22 đại sứ quán và các cơ quan đối tác quốc tế cam kết tiến hành đánh giá hiện trạng sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại văn phòng cơ quan và bắt đầu thay đổi cách thức hoạt động để giảm thiểu chất thải nhựa.

Tất cả các tổ chức ký kết cũng nhất trí sẽ vận động nhân viên giảm chất thải nhựa và khuyến khích các đối tác của mình áp dụng các giải pháp nhằm hạn chế hoặc không tạo ra chất thải nhựa.

Nguy cơ... ăn phải nhựa hàng ngày, người Việt vẫn thấy hồn nhiên dùng túi ni lông, ống hút nhựa vô tội vạ - Ảnh 4.

Lễ ký "Bộ quy tắc ứng xử chống ô nhiễm chất thải nhựa"

Thảo Thảo

Cùng chuyên mục
XEM