Người Việt vẫn làm chủ “cuộc chơi” tại điện máy Trần Anh
Theo ông Ngô Thành Đạt, Giám đốc Marketing Trần Anh, hiện tại đối tác Nojima (Nhật Bản) chỉ chiếm 31% cổ phần tại doanh nghiệp này, đủ để định hướng về chuyên môn nhưng Trần Anh vẫn tự hào là công ty do người Việt làm chủ cuộc chơi.
Theo đánh giá của giới kinh doanh, năm 2015, thị trường điện máy trong nước thực sự trở nên khốc liệt khi những tên tuổi lớn như Điện máy Xanh, Trần Anh, Media Mart, Chợ Lớn… liên tục rượt đuổi để mở rộng quy mô, cạnh tranh thị phần.
Đến thời điểm hiện nay, bức tranh thị trường điện máy trong nước với những kẻ mạnh, kẻ yếu đã tương đối sáng tỏ.
Nguyễn Kim sau một năm hợp tác cùng Central Group vẫn tỏ ra chậm chạp trong việc thực hiện tham vọng sẽ đạt 50 siêu thị vào năm 2019. VinPro từ tháng 3/2015 khai trương hàng loạt siêu thị thì đến nay vẫn chưa tạo được dấu ấn trước các đối thủ điện máy đã ra đời trước đó. Còn Pico, HC hay Medi Mart cũng chưa có được sự bứt phá do tiềm lực còn hạn chế…
Còn với Trần Anh, hiện hệ thống này sở hữu 22 siêu thị, có số lượng điểm bán lớn nhất miền Bắc và độ phủ rộng nhất với 16 tỉnh thành. Xét về diện tích bán lẻ, Trần Anh và Điện máy Xanh của Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động đang đang ngang nhau với diện tích vào khoảng 80.000m2.
Ông Ngô Thành Đạt, Giám đốc Marketing Trần Anh cho hay, tiếp đà phát triển hiện nay, với sự hậu thuẫn của Nojima, Nhật Bản, từ nay đến năm 2018, Trần Anh có kế hoạch mở 70 - 80 siêu thị trên toàn hệ thống.
“Trần Anh hợp tác với Nojima trên tinh thần học nghề nên hiện tại Nojima chỉ chiếm 31% cổ phần đủ để định hướng về chuyên môn nhưng Trần Anh vẫn tự hào là công ty do người Việt làm chủ cuộc chơi”, ông Đạt nói.
Cũng theo vị lãnh đạo của Trần Anh, ban đầu khi hợp tác với doanh nghiệp ngoại, Trần Anh không tránh khỏi những ánh mắt nghi ngại của giới trong ngành về nỗi lo bị thâu tóm. Tuy nhiên doanh nghiệp này đã biết cần phải làm gì để phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh sân chơi ngày càng rộng lớn và khốc liệt.
Ưu thế cạnh tranh lớn nhất Trần Anh có được tính đến thời điểm này là sự hỗ trợ về vốn, kinh nghiệm và công nghệ bán lẻ từ phía đối tác Nhật Bản. Nojima Nhật Bản với 60 năm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh điện máy và kinh nghiệm điều hành 600 siêu thị tại khắp Nhật Bản còn giúp Trần Anh rất nhiều trong việc tư vấn vận hành, quản lý chuỗi (những vấn đề còn yếu của doanh nghiệp Việt nói chung) để đảm bảo tốc độ mở rộng mạng lưới luôn tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng của toàn hệ thống.
Trần Anh cũng là doanh nghiệp điện máy ý thức được sự quan trọng của hệ thống quản trị doanh nghiệp nên đã đầu tư và vận hành thành công hệ thống quản trị doanh nghiệp ERP ngay từ những năm 2006-2007, khi mà khái niệm ERP còn khá mới mẻ ở Việt Nam và rất hiếm công ty dám đầu tư.
“Thời điểm triển khai phần mềm ERP lần đầu vào năm 2006, chúng tôi gặp vô vàn khó khăn, thậm chí có nguy cơ “vỡ trận”, Trần Anh đã tự đặt ra sức ép cho Ban lãnh đạo “ERP hay là chết” bởi chúng tôi xác định chỉ sau khi triển khai thành công ERP mới có thể tiến hành mở rộng quy mô từ đó mới có thể cạnh tranh trên thị trường”, ông Đạt nói.
Nhờ tập trung vào yếu tố quản trị và vận hành theo hệ thống ngay từ khi qui mô còn nhỏ, đến khi tăng tốc mở rộng Trần Anh đã không hề gặp trở ngại gì mà đỉnh điểm là trong năm 2015, chỉ trong một tháng Trần Anh khai trương 6 đại siêu thị diện tích từ 3000 – 6000m2 mà không gặp rắc rối trong bài toán quản trị.
Trả lời về hướng phát triển của Trần Anh trong thời gian tới, ông Ngô Thành Đạt cho biết Trần Anh lựa chọn mở rộng hệ thống theo mô hình đại siêu thị làm hạt nhân và các siêu thị vệ tinh, trong đó ưu tiên mở trước các đại siêu thị và các siêu thị nhỏ, tầm trung sẽ mở sau.
Ông Đạt lý giải, trong kinh doanh, địa điểm là yếu tố quan trọng. Trong khi đó, các địa điểm to, đẹp thường rất khó tìm, nếu không nhanh chân sẽ bị các doanh nghiệp khác lấy mất, trong khi các địa điểm nhỏ hơn thì rất nhiều và dễ tìm hơn.