Người Việt phải trả gần 200 triệu đồng 'thủ tục' sang Nhật lao động

05/04/2023 16:45 PM | Xã hội

Hiện số lượng lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản đông nhất trong số các nước. Tuy nhiên, chi phí mà lao động Việt Nam phải trả để đi làm việc tại Nhật cũng ở mức cao hàng đầu trong số các nước phái cử, khoảng gần 200 triệu đồng. Điều này chưa phù hợp với các quy định quốc tế khi mức phí bằng 0.

Thông tin trên được các chuyên gia chia sẻ tại "Diễn đàn giao lưu phát triển nhân lực Việt Nam - Nhật Bản, hướng đến mục tiêu tuyển dụng theo tiêu chuẩn quốc tế" ngày 5/4.

Ông Shishido Kenichi - cố vấn đặc biệt của Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) - cho biết, số lao động Việt sang Nhật Bản làm việc đang gia tăng nhanh chóng với trung bình mỗi năm khoảng 100.000 lao động, trở thành cộng đồng người nước ngoài đông thứ 2 tại nước này.

Người Việt phải trả gần 200 triệu đồng 'thủ tục' sang Nhật lao động - Ảnh 1.

Ông Shishido Kenichi - cố vấn đặc biệt của Chủ tịch JICA.

Theo Shishido Kenichi, thời gian qua, lao động Việt làm việc tại Nhật được đánh giá cần cù, chăm chỉ, có đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản. Hơn 70% lao động Việt Nam được khảo sát cho biết hài lòng với công việc tại Nhật và đều mong muốn được học hỏi thêm và làm việc tại nước này.

Tuy nhiên, theo ông Shishido Kenichi, vấn đề lớn lao động Việt đang gặp phải là chi phí để đi làm việc hiện ở mức cao, không đúng với các quy định. Điều này khiến tỷ lệ lao động Việt bỏ trốn ra ngoài cũng ở mức cao.

“Vào tháng 12/2022, các cơ quan Nhật Bản bắt đầu thảo luận về cơ chế mới, làm sao để người lao động nước ngoài sang Nhật không mất chi phí, yên tâm làm việc và gắn bó, phát triển bền vững”, ông Shishido Kenichi cho hay.

Người Việt phải trả gần 200 triệu đồng 'thủ tục' sang Nhật lao động - Ảnh 2.

Giám đốc Tổ chức Lao động thế giới (ILO) Việt Nam cho rằng, người lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật đang phải trả mức phí quá cao.

Theo bà Ingrid Chriestensen - Giám đốc Tổ chức Lao động thế giới (ILO) Việt Nam, tính toán của tổ chức này cho thấy, hiện mỗi năm, lao động Việt Nam tại Nhật gửi về nước khoảng 3 tỷ USD kiều hối. Tuy nhiên, chi phí mà người lao động Việt Nam phải trả để đi làm việc tại Nhật ở mức cao hàng đầu trong số các nước phái cử, khoảng 192 triệu đồng (tương đương 8.000 USD).

“Điều này chưa tương đồng với các tiêu chuẩn quốc tế là người lao động ra nước ngoài làm việc không phải trả chi phí nào. Đặc biệt, hiện chi phí người lao động Việt Nam phải trả có xu hướng tăng lên khiến lao động phải mất 7 tháng đến 1 năm mới trả hết nợ. Một một số trường hợp vướng vào đường dây mua bán người hoặc lao động cưỡng bức”, bà Ingrid Chriestensen nêu bất cập.

Bà Ingrid Chriestensen cho rằng, Việt Nam và Nhật Bản cần phải nỗ lực xóa bỏ chi phí phải trả liên quan đến hợp tác lao động. Trước đây, Nhật Bản đã phê chuẩn công ước 181 của ILO về cam kết không thu bất kỳ khoản chi phí gián tiếp và trực tiếp đối với lao động nước ngoài.

Hiện, Việt Nam đã sửa đổi các quy định, nhất là việc thông qua Luật Lao động Việt Nam đi làm việc ngoài nước năm 2020. Do đó, Việt Nam cần khẩn trương xóa bỏ cơ chế tuyển dụng thu phí, thúc đẩy vai trò của các công đoàn, nghiệp đoàn để đảm bảo quyền lợi, sự công bằng cho người lao động và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Phạm Viết Hương - Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong hơn 30 năm triển khai chương trình thực tập sinh kỹ năng, đã có 350.000 lao động Việt Nam sang Nhật. Từ 2013 đến nay, số lượng lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc tăng nhanh chóng, đặc biệt giai đoạn 2013- 2019 tăng gấp 8 lần so với trước, trở thành nước có lượng thực tập sinh phái cử đứng đầu trong 15 quốc gia.

Theo ông Hương, năm 2019, Việt Nam và Nhật Bản ký chương trình hợp tác triển khai chương trình kỹ năng đặc định với nhiều quyền lợi dành cho người lao động. Đến tháng 12/2022, đã có 77.000 lao động Việt Nam đi làm việc chương trình kỹ năng đặc định, chiếm tổng số 58% tổng số lao động diện chương trình kỹ năng đặc định đang làm việc tại Nhật Bản.


Theo Dương Hưng

Cùng chuyên mục
XEM