Người Việt được dạy "ngoan ngoãn" từ nhỏ nhưng thời nay đã khác, ông Hoàng Nam Tiến chỉ ra 4 năng lực giúp Gen Z chắc suất đậu phỏng vấn dù làm ở đâu

06/04/2023 10:50 AM | Kinh doanh

Ông Hoàng Nam Tiến cũng ủng hộ gen Z thực sự đổi chỗ làm việc sau 2-3 năm.

Người Việt được dạy "ngoan ngoãn" từ nhỏ nhưng thời nay đã khác, ông Hoàng Nam Tiến chỉ ra 4 năng lực giúp Gen Z chắc suất đậu phỏng vấn dù làm ở đâu - Ảnh 1.

Báo cáo kết quả khảo sát lương, thưởng năm 2022 do Talennet và Mercer thực hiện cho thấy, thế hệ Baby boomers (sinh trước năm 1946) chỉ chiếm 0,6% lực lượng lao động. Thế hệ gen Y2 (sinh năm 1990 – 1996) và gen Z (sinh 1997 trở về sau) đang chiếm khoảng 54% lực lượng lao động. Tuy nhiên, mức độ gắn bó của nhóm gen Y2 và gen Z với doanh nghiệp chỉ khoảng 2-3 năm, cách biệt rất nhiều so với nhóm gen Y1 (1981 – 1989) gắn bó 8 năm, hay gen X (1965 – 1980) là 12 năm.

Lực lượng lao động GenZ cũng gắn liền với những nhãn dán như "thích bật sếp", "thích nhảy việc". Tuy nhiên, chia sẻ trong Whose Chance Talk - tọa đàm giữa các sếp với sinh viên do chương trình “Cơ Hội Cho Ai? - Whose Chance?" tổ chức, ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch HĐQT Công ty CP viễn thông FPT (FPT Telecom) lại ủng hộ các bạn gen Z nhảy việc.

"Tôi làm ở FPT đến giờ là năm thứ 30. Từ ngày ra trường, tôi chỉ làm ở FPT nhưng đã làm ở 6 hướng kinh doanh khác nhau. Cứ lâu lâu làm ở FPT tôi lại xin gặp anh Trương Gia Bình (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT) để xin đổi việc. Anh Bình cũng rất chiều tôi vì nếu không cho tôi đổi việc thì thế nào tôi cũng nghỉ.

Tôi nghĩ rằng các bạn gen Z bây giờ nên thực sự đổi chỗ làm việc sau 2-3 năm. Các bạn cững nên suy nghĩ một cách nghiêm túc về việc đổi nghề sau một số năm nào đấy, nêu cảm thấy nhàm chán, thất vọng. Điều này phải ủng hộ" , ông Tiến bày tỏ quan điểm.

Người Việt được dạy "ngoan ngoãn" từ nhỏ nhưng thời nay đã khác, ông Hoàng Nam Tiến chỉ ra 4 năng lực giúp Gen Z chắc suất đậu phỏng vấn dù làm ở đâu - Ảnh 2.

Ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch HĐQT Công ty CP viễn thông FPT (FPT Telecom)

Trong khi đó, sếp Dương Long Thành – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thắng Lợi Group cho rằng gen Z có lợi thế là khả năng cập nhật, học hỏi công nghệ rất nhanh. Dẫu vậy, các bạn nên kiên định với một số mục tiêu cá nhân của mình. Nếu nhảy việc hay thay đổi công việc thì cũng bám sát mục tiêu đã đặt ra.

Ngoài ra, nói về tiêu chí tuyển chọn nhân sự thuộc thế hệ gen Z, ông Hoàng Nam Tiến chỉ ra bốn yếu tố.

Thứ nhất, tư duy độc lập và năng lực phản biện.

"Trước đây, tất cả thế hệ chúng tôi bắt đầu ra trường đi làm đều được nhắc nhở là phải ngoan ngoãn, cố gắng. Ngoan ngoãn, cố gắng luôn là tiêu chí từ năm lớp 1. Các bạn cứ nhìn lại học bạ, tất cả học sinh giỏi toàn diện bao giờ cũng được nhận xét là ngoan ngoãn, cố gắng. Điều này luôn luôn đúng nhưng ngày nay khác rồi.

Ngày hôm nay, tiêu chí đầu tiên mà các doanh nghiệp nhìn đến là khả năng tư duy độc lập và năng lực phản biện. Lý do, ngày hôm nay tất cả những ý nghĩ, ý tưởng chúng ta định làm trở nên bình thường. Công nghệ phát triển, ví dụ hỏi ChatGPT có khi còn tốt hơn hỏi các bạn. Nếu không có tư duy độc lập, không có ý tưởng riêng của mình và không bảo vệ được ý kiến đấy thì các bạn sẽ trở thành những người bình thường và dần dần trở thành người tầm thường", ông Tiến nhắn nhủ.

Người Việt được dạy "ngoan ngoãn" từ nhỏ nhưng thời nay đã khác, ông Hoàng Nam Tiến chỉ ra 4 năng lực giúp Gen Z chắc suất đậu phỏng vấn dù làm ở đâu - Ảnh 3.

Thứ hai, khả năng học tập suốt đời.

Kiến thức và công nghệ thay đổi rất nhanh, tất cả những gì sinh viên đang học sẽ cũ trước khi các ra khỏi ngôi trường. Vì vậy, theo Chủ tịch FPT Telecom, việc quan trọng nhất của nhà trường không phải dạy kiến thức mà là làm sao đào tạo người sinh viên có khả năng tự học, tự nghiên cứu, phát triển bản thân thì các bạn mới tồn tại được.

Nếu như ngày xưa, các chuyên gia thường phải có 10-15 năm kinh nghiệm nhưng các bạn sinh viên ra trường, đi vào những hướng mới nhất có thể ngay lập tức có vị trí của mình.

Thứ ba, tiếng Anh.

Ông Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh, tiếng Anh hiện là ngôn ngữ để làm việc, để sống, để giải trí, không còn là ngoại ngữ. Chừng nào các bạn còn nghĩ tiếng Anh là ngoại ngữ thì các bạn bị loại ra khỏi cuộc chơi này. Thế giới đã thực sự phẳng.

Ông Tiến lấy ví dụ, Tập đoàn FPT hiện có hàng chục ngàn nhân viên ngồi ở Việt Nam làm việc trên toàn cầu. Thế hệ của các sinh viên cũng sẽ như vậy.

Thứ tư, thể lực.

Vị sếp từ FPT Telecom thắng thắn nhận định, các trường đại học chưa làm tốt việc rèn luyện thể lực cho sinh viên. Trí tuệ sáng suốt, thông minh thì phải có một con người khỏe mạnh, có tinh thần năng động. Ông khẳng định, các bạn trẻ Việt Nam thông minh không kém gì các bạn đến từ Israel, Ấn Độ, Mỹ nhưng thể lực lại kém hơn rất nhiều. Điều này làm người Việt mất đi lợi thế cạnh tranh.

"Các bạn nam hay thắc mắc tại sao phải biết bơi. Biết bơi không phải để ngày mai lựa chọn cứu mẹ hay cứ người yêu mình, mà liên quan đến chuyện các bạn có đủ sức khỏe để làm việc, để chơi hay không" , ông Tiến lấy ví dụ.

Sếp FPT Telecom nhắn nhủ sinh viên, yếu tố giúp một người đi đến thành công không nằm ở việc người đó thông minh, sáng tạo hay tài giỏi mà là sự kiên trì, kiên định. Cứ đến một giai đoạn khó khăn, thách thức nào đó lại muốn quay đầu, không muốn vượt qua thì không thể thành công được.

Hoàng Thùy

Cùng chuyên mục
XEM