Người Triều Tiên dùng điện thoại, máy tính, mạng Internet khác gì so với thế giới?

03/02/2017 14:35 PM | Công nghệ

Cho tới nay, cuộc sống ở Triều Tiên hiện vẫn là một điều bí ẩn với thế giới.

Gần như không ai được sử dụng Internet

Mạng Internet như chúng ta biết có tồn tại ở Triều Tiên, nhưng rất ít người được tiếp cận với nó và chỉ những người nước ngoài, cùng tầng lớp tinh hoa được phép sử dụng.

Đa phần người ta sử dụng một mạng Internet nội địa được gọi là Kwangmyong. Các trang web ở đây chủ yếu dành cho các cơ quan nhà nước ở Bắc Triều Tiên. Trang mua sắm online đầu tiên của nước này, có tên Okryu, ra đời vào năm 2015.

Triều Tiên cấm Facebook và tạo ra một bản sao thay thế

Mặc dù cấm Facebook nhưng giới chức nước này lại có vẻ rất thích ý tưởng về một mạng xã hội tương tự. Họ đã xây dựng một bản sao, cho phép người dùng đăng ký qua email và post tin nhắn lên wall (tường) của nhau.

Chỉ có 1/10 dân số sử dụng smartphone

Cũng như các nước đang phát triển khác, Triều Tiên đã bỏ lại điện thoại cố định, máy tính cá nhân và kết nối băng thông rộng để tiến tới smartphone. Theo nhà mạng Koryolink, hiện có khoảng 3 triệu thuê bao di động. Tuy nhiên số người sở hữu máy tính cá nhân lại chỉ có khoảng vài trăm ngàn.

Nhưng không thể thực hiện các cuộc gọi ra nước ngoài

Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, Koryolink không cho phép thực hiện các cuộc gọi quốc tế dù cho những công dân sống gần biên giới Trung Quốc có dùng điện thoại và SIM card nhập khẩu để gọi cho người thân ở các nước khác. Tuy nhiên, đây là một hành động cực kỳ mạo hiểm, vì nhà chức trách sẽ ra lệnh bắt bất kỳ ai sử dụng điện thoại nhập khẩu.

Và máy tính cá nhân chỉ dành cho người giàu

Người dân ở đây có sử dụng máy tính cá nhân, nhưng chúng chỉ được dùng cho giới tinh hoa, chẳng hạn như các sinh viên may mắn học ở trường Đại học Pyongyang. Ở các quán cà phê Internet và trường học cũng có máy tính, nhưng việc sử dụng bị giám sát rất chặt chẽ.

USB tự nhiên biến thành phụ kiện thời trang

Theo Andrei Lankov, tác giả của "The Real North Korea", máy tính khan hiếm đến nỗi những người trẻ sống ở thủ đô Bình Nhưỡng phải đeo những chiếc USB làm phụ kiện thời trang

Các máy tính chạy hệ điều hành kiểu Linux

Triều Tiên đã tự xây dựng hệ điều hành của chính mình mang tên Red Star, trong đó có một ứng dụng xử lý văn bản, lịch và dịch vụ nghe nhạc.

Vì người dân sử dụng USB nhập lậu từ Trung Quốc để trao đổi phim ảnh, tin tức một cách bất hợp pháp, nên hệ điều hành cũng được lập trình để đánh dấu các file, nghĩa là chúng sẽ bị lưu dấu khi luân chuyển.

... và nó rất giống OS X

Ngoài những ứng dụng và chức năng có sẵn khác người, hệ điều hành này trông rất giống các hệ điều hành của phương Tây.

Máy tính bảng rẻ tiền của Trung Quốc chỉ dùng cho giới tinh hoa

Triều Tiên cũng bắt kịp với bước phát triển về máy tính bảng của nhân loại. Loại tablet có tên Woolim xuất hiện năm 2015 không có Wi-Fi hay Bluetooth, và chạy trên một hệ điều hành tương tự Android. Cho dù được sản xuất rẻ mạt ở Trung Quốc và có giá khoảng 250 euro, nhưng mức giá này vẫn là quá đắt đối với hầu hết người dân Triều Tiên.

Một số người có TV nhưng họ không xem được nhiều

Việc sở hữu TV không có gì là lạ ở Triều Tiên, vì đó là một cách hữu hiệu cho nhà cầm quyền tiến hành tuyên truyền trên diện rộng. Nhưng các kênh trên TV đều được đặt sẵn, và cảnh sát thường xuyên đến kiểm tra các hộ gia đình để đảm bảo hệ thống kênh truyền hình không bị xáo trộn hoặc cài đặt lại.

Chỉ có hai nhà mạng ở đây mà thôi

Nhà mạng lớn nhất ở Triều Tiên là Koryolink, một liên doanh giữa công ty viễn thông Orascom (Ai Cập) và chính phủ. Nhưng Orascom đã "mất quyền kiểm soát" nhà mạng này vào năm 2015 và đối thủ cạnh tranh do nhà nước bảo trợ tên là Byol đã xuất hiện vào thời điểm đó.

Byol có thể sáp nhập với Koryolink, khiến cho vị trí của Orascom ở đất nước này hết sức mù mờ và mang lại cho chính phủ quyền kiểm soát sâu hơn về viễn thông trên toàn quốc.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM