Người trẻ xài tiền - Kỳ 1: Trắng đêm 'săn sale' và 'tiền đi một nửa hồn tôi mất'

07/10/2022 14:51 PM | Sống

Một bộ phận giới trẻ ngày nay sớm độc lập tài chính nên tự chủ tiêu xài, biết đầu tư để tiền sinh ra tiền, lo cho tương lai.

Lướt mạng săn sale trở thành thói quen của không ít bạn trẻ ngày nay - Ảnh: YẾN TRINH
Lướt mạng săn sale trở thành thói quen của không ít bạn trẻ ngày nay - Ảnh: YẾN TRINH

Nhưng không ít người vẫn có đồng nào "xào" ngay đồng đó với 1001 lý do, như thu không đủ chi, tuổi trẻ thì cứ vui vẻ, kể cả... tiền ba má cho chứ đâu phải của mình. Và ngược lại là kiểu khóa bóp "ky bo" từng đồng...

"Tai nghe này đang sale (giảm giá) còn 2,9 triệu, bình thường 4 triệu mấy lận. Mua đi mấy đứa ơi", Kiều Diễm (30 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) gửi đường link mua hàng cho nhóm bạn lúc gần nửa đêm. Cả nhóm trở nên hăng hái, kết quả hai bộ tai nghe không dây được đặt sau đó chừng một tiếng.

"Không mua sợ sau này hết giảm giá"

Đó là một trong những buổi tối săn sale của Kiều Diễm, cũng như của một số bạn trẻ thích mua sắm. Họ đã chi tiêu phần lớn số tiền cho những món đồ đôi khi vô thưởng vô phạt.

Kiều Diễm giải thích như vậy khi nói về lý do lướt mạng săn sale. Làm việc tự do với thu nhập mỗi tháng khoảng 25 - 30 triệu đồng, lại độc thân vui tính, cô gái này nói rằng mình thường dùng tiền để sắm sửa, làm đẹp và đi ăn uống với bạn bè.

Cô cho biết: "Từ khi biết tới các app (ứng dụng) bán hàng, tôi mua đồ nhiều hơn. App liên kết tài khoản ngân hàng nên chỉ cần đặt rồi thanh toán trước là xong. Không mua lúc đó sợ sau này hết giảm giá, hoặc quá giờ sale sẽ tiếc".

Có những buổi tối rơi vào khung ngày đôi như 8-8, 9-9, thay vì ôm gối ngủ thì Diễm ôm điện thoại canh hàng giảm giá. Thông thường 12h đêm là lúc giá giảm mạnh nhất nên cô thường thức tới 2h - 3h sáng để chốt đơn. Cô bỏ sẵn những thứ muốn mua vào "giỏ hàng", chỉ cần giá hạ là nhấn nút. Không chỉ những món đã chọn, cô còn lướt theo quán tính, thấy mặt hàng nào "nhìn hay hay" sẽ đặt thêm.

Đặc biệt, Diễm hay mua ngẫu hứng vì thấy giá giảm nhiều, thuộc chương trình khuyến mãi "0 đồng", "1.000 đồng". Cô mua từ phấn son, giày dép cho đến những thứ linh tinh như dây cột tóc, gương lược... "Không đồng nhưng để được miễn phí vận chuyển, tôi chọn mua mỗi shop cũng cả chục món. Khi không xài tới, tôi đem cho bạn bè, người quen", cô gái trẻ nói.

Thường xuyên mua quần áo nhưng Kiều Diễm chia sẻ rằng mỗi khi ra đường cô "thấy nhức đầu" khi chọn đồ mặc. Lý do là hai chiếc tủ chật cứng, có những món tiền triệu cô mua về rồi quên luôn hoặc "không biết sẽ mặc dịp gì".

Có khi tài khoản hết tiền, Diễm "inbox" (nhắn tin) nhờ bạn bè chuyển khoản để mua ngay kẻo lỡ. Cô cho biết mua sắm như vậy cũng hoang phí nhưng đã thành thói quen, nhất là những lúc buồn. Tâm lý lướt mạng mua đồ giúp cô có cảm giác mình sắp có món đồ mới, có niềm vui mới, tương tự như câu trả lời của một số bạn trẻ khi được hỏi "vì sao mua?".

Sạch túi sau những cuộc vui

Không chỉ Kiều Diễm, nhiều bạn trẻ cũng có thói quen xài tiền quá đà. Họ lý giải nguyên nhân một phần từ nhu cầu chăm chút bản thân, phục vụ cho công việc... Hơn nữa, với các dịch vụ cung cấp lượng hàng hóa khổng lồ, khuyến mãi liên tục, bạn trẻ chỉ cần lướt ngón tay và đợi chừng 1 - 2 tiếng là nhận hàng.

Sau khi tận hưởng những giây phút xài tiền thỏa thích, có lẽ nhiều người sẽ trải qua cảm giác "tiền đi một nửa hồn tôi mất". Đi làm gần tám năm, Kiều Diễm nói rằng ít khi để tiền trong tài khoản tiết kiệm online được một tháng. Câu cửa miệng của cô - và cũng có lẽ của nhiều người - là "không biết tiền đi đâu hết". Vừa rồi máy tính bị hư, Diễm phải mượn bạn 10 triệu đồng để thêm vào mua máy mới.

Tương tự, Yến Nhi (26 tuổi, ngụ quận 3) cũng thường xuyên trong trạng thái cháy túi. Với thu nhập từ công việc văn phòng hơn 15 triệu đồng/tháng, Nhi cho biết mình tiêu xài khá thoải mái như một cách tự thưởng sau những giờ phút làm việc vất vả.

Mỗi tháng, sau khi trả tiền trọ và các khoản lặt vặt chiếm 1/3 thu nhập, số tiền còn lại được Nhi "xõa" vào những lần tụ tập cà phê, ăn uống nhậu nhẹt và đôi lần quẹt thẻ shopping "sương sương" cả triệu bạc. Tháng nào đi du lịch, tiền lương của cô còn bốc hơi nhanh hơn nữa. Do sống một mình, đi làm cả ngày nên những bữa cơm chính của cô gái quê Long An cũng là ở quán xá hoặc đặt đồ ăn qua app.

Giống như Kiều Diễm, Yến Nhi cũng nhận thấy bản thân xài tiền khá phung phí. Cô hầu như không kiểm tra mình còn bao nhiêu tiền. Cứ như vậy, chưa đến kỳ lãnh lương tiếp theo là cô đã phải vay mượn để sống qua ngày.

Người trẻ xài tiền - Kỳ 1: Trắng đêm săn sale và tiền đi một nửa hồn tôi mất - Ảnh 2.

Thiện Khang từng thử nhiều cách kiểm soát chi tiêu nhưng đều thất bại - Ảnh: DIỆU QUÍ

Thất bại với kế hoạch tiết kiệm

Ai trong đời cũng sẽ nghĩ đến việc tiết kiệm. Yến Nhi cũng vậy. Cô gái 9X từng hạn chế đi chơi, tập thói quen nấu cơm mang đi làm. Cô còn tải app quản lý chi tiêu, chia nhỏ các khoản để kiểm soát. Nhưng điều này chỉ kéo dài 1 - 2 tháng, sau đó Nhi không thể nghiêm túc với hạn mức đề ra.

"Tôi hay quên ghi vào các khoản chi tiêu, cứ khoản này đắp qua khoản kia liên tục. Với lại mỗi lần mở app lên toàn thấy tiền chảy ra mà chẳng thấy khoản thu vào cũng hoảng lắm", Nhi phân trần. Sau cú gỡ aap, cô lập tức tiêu xài bạt mạng như thuở nào.

Các bạn nữ thường quan tâm mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, chăm sóc sắc đẹp... Còn với Duy Long (25 tuổi, nhân viên IT), đồ công nghệ là lẽ sống. Không tới mức âm lương nhưng anh nói "để dành tiền khó lắm". "Mình còn trẻ, những thứ mình mua cũng phục vụ cho nhu cầu cần thiết mà", anh lý giải. Thế nhưng, anh cũng cho biết đợt tạm nghỉ việc hồi năm ngoái, anh cũng "sấp mặt" vì sau một tháng túi đã gần cạn tiền.

Long tâm sự lúc đó ngại gặp bạn bè, ngại đi ăn uống vì sợ không đủ tiền trả. "Chắc tôi cũng phải nghĩ tới việc dành dụm, lỡ có chuyện gì còn có mà xài chứ đi vay mượn cũng kỳ...", anh chia sẻ.

Giống như Long, Thiện Khang (27 tuổi, ngụ quận 7) cũng chi tiền theo cảm xúc cá nhân, không tính toán kỹ nên hầu như lúc nào tiền bạc cũng... bỏ anh đi. Khang là tài xế công nghệ, thu nhập mỗi tháng nếu chịu khó cũng gần 10 triệu đồng. Tiền trọ chỉ 1,8 triệu/tháng, nấu ăn ở nhà nhưng Khang luôn mắc kẹt với bài toán chi tiêu. Anh cho hay mình thường "dồn một cục" rồi rút dần ra xài đến khi "hết tiền hồi nào hổng hay".

Ngoài những lý do như xe hư, cha mẹ ở quê đau ốm, hiếu hỉ..., Khang nhận thấy phần lớn là do mình tiêu xài quá trớn. Anh thường "đổ" tiền vào thuốc lá, bia rượu, cà phê cà pháo với bạn bè, rồi những lần săn sale. Anh từng lên mạng xem nhiều cách hướng dẫn kiểm soát chi tiêu, thử làm theo nhưng nhanh chóng thất bại do thói quen nuông chiều sở thích bản thân.

Khang kể có tháng dư dả được chút, anh mua một chỉ vàng làm của để dành. Nhưng qua tháng sau, số vàng ít ỏi đó nhanh chóng "bay" về lại tiệm vàng. Thậm chí, mấy lần bị chủ nợ "dí" quyết liệt, Khang phải nhờ người thân ở quê đi vay tiền giùm, sau đó lại cày sấp mặt để trả.

Sống được bao lâu, có tiền cứ xài?

Khi được hỏi lý do luôn hết tiền dù thu nhập ở mức khá, một số bạn trẻ cho rằng cuộc sống ngắn ngủi, có tiền cứ thoải mái chi tiêu. Một số bạn còn cho rằng việc sở hữu tài sản và tiền bạc sẽ làm cho bản thân vướng bận, mệt mỏi.

Nhưng họ cũng thừa nhận, những lúc không còn tiền còn mệt hơn, nhất là việc vay nợ sẽ làm người cho mượn... vướng bận, đôi khi sứt mẻ cả mối quan hệ. Những lý lẽ này cũng cho thấy quan niệm về tiền bạc của người trẻ có nhiều điểm khác nhau.

----------------------

Kỳ tới: Người dè sẻn vừa đủ, người mỗi ngày xài 120.000 đồng

Khác với những bạn trẻ xài tiền thoải mái, nhiều bạn lại "thắt lưng buộc bụng". Họ tự quy định mỗi ngày xài bao nhiêu, cân đo đong đếm để cuối tháng dư một chút.

Theo YẾN TRINH - DIỆU QUÍ

Cùng chuyên mục
XEM