Người trẻ nhịn ăn ngoài, du lịch, mua sắm cả năm trời để tiết kiệm mua nhà: Liệu có đáng?

13/12/2021 10:26 AM | Kinh doanh

Nhiều người khác dù sống chật vật, tiết kiệm đủ cách cũng không thể mua nhà vì giá nhà đất tăng cao.

Tháng 5/2019, vợ chồng nhà Sharma (Ấn Độ) ăn mừng lễ kỷ niệm kết hôn đầu tiên tại nhà bằng một chiếc bánh kem đơn giản thay vì đi du lịch như mong muốn của họ.

1 tháng trước ngày kỉ niệm, họ đã mua một căn hộ 2 phòng ngủ ở ngoại ô Delhi với khoản vay hơn 92.000 USD.

Tuy nhiên, người vợ 32 tuổi tỏ ra tiếc nuối vì đã bỏ lỡ nhiều dịp kỉ niệm quan trọng để tiết kiệm chi phí. Họ phải trả 475 USD/tháng tiền thế chấp trong khi thu nhập của hai người chỉ khoảng 1.981 USD/tháng.

"Lương đổ về tài khoản của chúng tôi vào ngày 10 hàng tháng nhưng nó sẽ trống rỗng gần như ngay lập tức. Chúng tôi chẳng biết phải làm gì", cô chia sẻ với Strait Times.

Để sở hữu căn nhà mơ ước, họ phải từ bỏ nhiều thứ như sở thích du lịch, mua sắm quần áo, giày dép trong gần 1 năm. Việc ăn ngoài cũng bị dừng lại trong suốt 3 tháng. Thay vào đó, họ vào bếp nấu ăn bất cứ khi nào có thể hoặc dùng bữa ở căng tin công ty.

Người trẻ nhịn ăn ngoài, du lịch, mua sắm cả năm trời để tiết kiệm mua nhà: Liệu có đáng?  - Ảnh 1.

Một khu chung cư đang được hoàn thiện ở ngoại ô Delhi (Ảnh: ST).

Vợ chồng Sharma là hai trong số nhiều người thuộc thế hệ Millennials (sinh từ năm 1981 đến 1996) vật lộn với gánh nặng tài chính và áp lực tinh thần để mua nhà.

Một nghiên cứu năm 2019 của Asian Development Bank chỉ ra rằng tỷ lệ giá nhà ở trên thu nhập trung bình tại 211 thành phố thuộc 27 nước đang phát triển ở châu Á là 15,8. Con số này được xếp vào loại "không có khả năng chi trả nghiêm trọng". Ở các nước phát triển, tỷ lệ đó chỉ khoảng 4.

Việc mua nhà khiến người trẻ gặp nhiều căng thẳng trong việc trả các khoản vay dài hạn hoặc nếu không vay ngân hàng, họ cũng phải vay gia đình, bạn bè.

Theo khảo sát về thế hệ Millennials và Gen Z của Deloitte năm nay, 46% người thấy căng thẳng về tình hình tài chính dài hạn của mình. Tỷ lệ này ở Ấn Độ khá cao – 51%.

Giống vợ chồng Sharma, Krit Raksajit (27 tuổi) cũng gặp khó khăn khi mua căn nhà 3 tầng cách đây 6 năm ở ngoại ô Bangkok cùng em gái. Nếu "tự thân vận động", họ sẽ không thể mua được bởi thu nhập không cho phép. "Ban đầu, chúng tôi không có sofa, ghế hay bàn ăn mà chỉ có một cái thảm. Vài năm sau, tôi mới mua được cái tủ lạnh để không phải ra cửa hàng tiện lợi mua đá nữa", Krit chia sẻ.

Ở nhiều nơi trên thế giới, giá bất động sản tăng cao khiến nhiều người chọn thuê nhà. Sun Yi (31 tuổi), hiện sống ở Bắc Kinh, cho biết cô không có ý định sở hữu nhà riêng vì không muốn bị áp lực tài chính từ các khoản vay. "Tôi thuê nhà cả đời cũng được", Yi nói.

Vợ chồng Yi kết hôn năm 2018 và có thu nhập chung là hơn 4.700 USD/tháng. Họ sống trong căn hộ một phòng ngủ có giá gần 628 USD/tháng.

Người trẻ nhịn ăn ngoài, du lịch, mua sắm cả năm trời để tiết kiệm mua nhà: Liệu có đáng?  - Ảnh 2.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngày càng nhiều người trẻ tỏ ra lo lắng về tình hình tài chính cá nhân. Theo một báo cáo của Deloitte, chỉ 36% người tham gia khảo sát kỳ vọng tinh hình tài chính cá nhân của họ sẽ cải thiện trong năm tới.

Với nhà Sharma, nỗi lo lại càng nặng nề bởi khoản vay mua nhà. Khi bạn bè giục mở tiệc ăn mừng nhà mới, họ khó lòng từ chối dù không hào hứng với việc đó. "Thật lòng là chúng tôi chẳng còn tâm trí nào để ăn mừng bởi cả hai đều đang rất căng thẳng về tài chính. Thậm chí, đôi khi, sự căng thẳng đó còn ảnh hưởng đến mối quan hệ của chúng tôi".

Còn 12 năm nữa vợ chồng Sharma mới hoàn tất việc trả nợ mua nhà. "Sở hữu nhà riêng có ưu nhược điểm riêng. Điều khiến tôi lo nghĩ nhiều nhất bây giờ là làm thế nào để trả xong nợ sớm nhất có thể".

Nguồn: Strait Times

Mộc Tiên

Cùng chuyên mục
XEM