Người Thái Lan trên toàn thế giới đều mặc đồ đen sau tang lễ nhà vua
Cách đây khoảng 10 ngày, nhà vua Bhumibol Adulyadej của Thái Lan qua đời. Ông được người Thái ở Thái Lan cũng như khắp nơi trên thế giới yêu quý vì những cống hiến của ông cho đất nước.
Khi ông qua đời, mọi hoạt động vui chơi giải trí trên đất nước Thái Lan đã tạm ngưng lại, ngoài đường phố, các biển quảng cáo tắt hết, người dân đồng loạt mặc đồ đen ra đường để thể hiện tình cảm tiếc thương nhà vua.
Hơn một tuần đã trôi qua, người Thái Lan vẫn tiếp tục mặc đồ đen và họ sẽ mặc chủ yếu đồ đen trong một năm tới để tưởng nhớ nhà vua.
Thái Lan có thể được coi như “thiên đường” cho người du lịch bụi với những con phố đêm đông nghịt quán bar, dịch vụ giải trí và tình dục không tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, nhưng cùng lúc đó, Thái Lan cũng là một đất nước của vô cùng nhiều luật lệ và quy định xã hội hà khắc.
Sau khi nhà vua qua đời, công chức nhà nước Thái Lan đã được yêu cầu phải mặc đồ đen trong 1 năm, còn người Thái sẽ mặc đồ đen trong 1 tháng. Du khách đến Thái Lan không bị yêu cầu phải mặc đồ đen tuy nhiên được khuyến cáo phải mặc quần áo lịch sự khi đi ra đường, liên tục kiểm tra thông báo từ cơ quan chức trách và nghe theo lời khuyên về cách hành xử nơi công cộng của các quan chức địa phương.
Quản lý của nhiều cửa hàng thời trang tại Bangkok, Thái Lan cho biết doanh số bán quần áo và sản phẩm thời trang màu đen tại các cửa hàng của họ tăng đột biến đến 40-50 % sau khi nhà vua qua đời. Có nhiều cửa hàng chỉ trong một buổi trưa đã bán ra đến 400 áo phông và áo sơ mi màu đen các loại.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để mua quần áo màu đen, những người như vậy đã cùng tập trung nhau lại, nấu những nồi thuốc nhuộm cực to và cùng nhau nhuộm tất cả quần áo của họ sang màu đen.
Ngày thứ Hai tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan, ông Somchai Sujjapongse, tuyên bố ngân sách nhà nước đã có quỹ riêng để phát khoảng 8 triệu áo phông màu đen miễn phí cho những người Thái Lan được xếp vào diện thu nhập thấp để giúp họ có thể mặc đồ đen cả năm mà không phải tốn tiền. Tổng số tiền chi cho việc này ước khoảng 400 triệu Bath.
Ông Somchai Sujjapongse nói: “Dù chính phủ đã tuyên bố rằng người dân không nhất thiết phải mặc đồ đen nhưng Bộ Tài chính cho rằng sẽ tốt hơn nếu tạo điều kiện tốt nhất cho người dân thể hiện lòng tôn kính với nhà vua.”
Đồng thời, Phó Thủ tướng Thái Lan, ông Somkid Jatusripitak, tuyên bố ông đã yêu cầu các công ty may mặc và kinh doanh quần áo trên khắp Thái Lan tăng cường sản xuất và phân phối quần áo màu đen, xám và trắng. Đồng thời ông khẳng định chính phủ sẽ xử lý rất nghiêm tất cả các hành vi đầu cơ tăng giá quần áo các màu trên.
Và không chỉ người Thái tại Thái Lan mặc đồ đen, tại Tokyo, dù gặp người Thái ở bất kỳ nơi nào, họ cũng đều mặc đồ đen. Ở thời điểm hiện tại, nếu đang đi giữa thủ đô Tokyo bạn bắt gặp nhóm người Đông Nam Á nào mà tất cả đều mặc đồ đen, hoặc đeo băng tang đen ở tay, gần như chắc chắn đó là người Thái Lan.
Trên khắp đất nước Thái Lan hiện nay, trong bất kỳ nhà người dân nào người ta cũng nhìn thấy ảnh nhà vua được đặt ở vị trí vô cùng trang trọng. Sau khi nhà vua qua đời, trên truyền hình Thái Lan người ta không còn nhìn thấy nhiều các chương trình giải trí và thể thao như trước, chưa kể đến hàng loạt sự kiện lễ hội, kỷ niệm cũng đã bị hủy bỏ để thể hiện sự kính trọng nhà vua.
Thời lượng để phát những chương trình thể thao giải trí trên truyền hình Thái Lan hay các kênh truyền hình nước ngoài như BBC nay được thay thế bằng những đoạn phim về nhà vua. Sẽ rất khó để tìm được nội dung giải trí trên truyền hình Thái Lan lúc này. Tất cả những tờ báo giấy của Thái Lan nếu như trước đây được in màu thì nay đã chuyển sang in tất cả các nội dung đen trắng.
Giám đốc tiếp thị tại chuỗi nhà hàng khách sạn cao cấp Le Meridien ở Phuket, khu vực nổi tiếng với những bãi biển đẹp nhất ở miền Nam Thái Lan, ông Almario Mungcal, cho biết tất cả các khách sạn thuộc quản lý của tập đoàn ông đã ngừng mọi buổi biểu diễn đêm, tạm ngưng hoạt động trung tâm tổ chức hội nghị và một số phòng khách sạn trong 2 tuần.
Theo Bộ Nội vụ Thái Lan, các quán bar và câu lạc bộ đêm vẫn có thể hoạt động bình thường miễn rằng nhạc không được bật to và mọi hoạt động được giấu kín sau những cánh cửa đóng chặt. Và đó cũng là cách mà nhiều quán bar khác đã hoạt động trở lại. Theo anh Willy Thuan, phóng viên ảnh kiêm blogger khá nổi tiếng ở Thái Lan, rất nhiều quán bar đã hoạt động trở lại trong yên ả, và tất nhiên vì thế vắng khách hơn trước rất nhiều.
Dù vậy, sẽ còn lâu nữa mới có thể nhìn thấy những bữa tiệc đường phố và các sự kiện công cộng thu hút nhiều người dân tại Thái Lan.
Theo luật của Thái Lan, mọi hành vi chỉ trích, bôi xấu uy tín hoặc lăng mạ hoàng gia đều sẽ bị phạt tội hình sự. Những năm gần đây đã có rất nhiều học giả, chính trị gia, nhà báo và người dân thường Thái Lan bị vào tù bởi hành vi này.
Năm 2015, một người đàn ông Thái Lan bị phạt tù đến 30 năm vì dám đăng 6 bài đăng có nội dung xúc phạm nhà vua trên Facebook cá nhân. Một người đàn ông khác thậm chí bị phạt tù 40 năm vì nói xấu con chó của nhà vua.
Những du khách và người nước ngoài kể cả không sống tại Thái Lan nếu có hành vi nói xấu nhà vua và hoàng gia Thái Lan cũng sẽ bị truy tố nếu vi phạm hành vi trên. Nhiều tờ báo địa phương đã đăng tải các bài viết bằng tiếng Anh cảnh cáo du khách: “Hãy chỉ nên nghe người ta nói chứ không bao giờ được nói câu nào về hoàng gia Thái Lan.”