Người Thái có nắm đến 50% thị phần bán lẻ hiện đại thì doanh nghiệp Việt vẫn còn tha hồ đất trống
Trung bình cứ 100.000 dân thì cần có 1 đại siêu thị, 1 trung tâm thương mại; cứ 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung, 1.000 dần cần 1-3 cửa hàng tiện lợi. Đây chính là khoảng trống để các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam mở rộng thị phần.
Đó là ý kiến của TS. Ngô Tuấn Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra trong tham luận gửi tới diễn đàn “Thị trường bán lẻ Việt Nam: Cơ hội và Thách thức” do Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức diễn ra sáng nay 18/5.
"Việt Nam đang là miền đất thu hút các doanh nghiệp bán lẻ lớn nhất thế giới. Các nhà bán lẻ nước ngoài vừa có tiềm lực về tài chính, nguồn hàng, vừa có kinh nghiệm quản lý. Cuộc cạnh tranh này thật sự khó khăn với doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam", đó là nhận định đầu tiên đưa ra về cuộc đua chiếm thị phần bán lẻ Việt Nam của TS Ngô Tuấn Anh.
Cũng như nhiều chuyên gia kinh tế khác, theo TS Tuấn Anh, bắt đầu từ năm 2015, lĩnh vực bán lẻ đã trở thành tâm điểm khi hàng loạt thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) lớn đã thành công, với sự đổ bộ của nhiều tập đoàn lớn ngành bán lẻ nước ngoài đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Chẳng hạn như: Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) đã mua 30% cổ phần của Fivimart và 49% của Citimart; Tập đoàn Berli Jucker (BJC, Thái Lan) đã mua toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (MCC Việt Nam) với giá trị khoảng 879 triệu USD; Lotte (Hàn Quốc) nắm quyền điều hành Trung tâm thương mại Diamond Plaza khi sở hữu 70% cổ phần…
Và gần đây nhất là tập đoàn Central Group của Thái Lan cũng đã vượt qua một loạt các đối thủ lớn để sở hữu Big C Việt Nam với giá trị thương vụ vào khoảng hơn 1 tỷ USD.
Như vậy, cả hai hệ thống bán lẻ Metro và Big C Việt Nam đã về tay người Thái, điều này chứng tỏ, 50% thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam đã rơi vào tay người Thái.
"Doanh nghiệp Việt Nam đã mất dần thị trường nội địa khi không cạnh tranh được với các doanh nghiệp lớn của nước ngoài. Dự báo, sự lấn chiếm này sẽ còn mạnh mẽ và ồ ạt nữa trong thời gian tới", TS Tuấn Anh khẳng định.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đó không hẳn là một tín hiệu quá xấu đối với tương lai ngành bán lẻ Việt Nam. Bởi dư địa thị trường còn quá lớn để doanh nghiệp nội có cơ hội phát triển.
Lấy ví dụ, TS Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương cho hay, thị trường bán lẻ Việt Nam còn quá nhiều tiềm năng. Theo hãng nghiên cứu A.T.Kearney (Mỹ), Việt Nam đứng thứ 28 trong danh sách các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất trên thế giới.
Quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2015 đạt 102 tỷ USD (tốc độ tăng trưởng đạt 7,3% trong giai đoạn 2010-2015). Trong khi đó, thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ, nhưng vẫn đạt mức tăng bình quân 12% trong giai đoạn 2010 - 2015.
So với tình hình thực tế phân bố dân cư ở Việt Nam thì mạng lưới bán lẻ còn quá thưa thớt.
Theo tính toán của các chuyên gia, trung bình cứ 100.000 dân thì cần có 1 đại siêu thị, 1 trung tâm thương mại; cứ 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung, 1.000 dần cần 1-3 cửa hàng tiện lợi. Đây chính là khoảng trống để các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam mở rộng thị phần.
Đồng thời, có rất nhiều tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội "toả sáng" trên sân nhà:
Thứ nhất, thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao, tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh. Tỷ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam cao so với khu vực.
Thứ hai, người dân Việt Nam ngày càng giàu hơn và thói quen mua sắm ngày càng phổ biến đã tạo sức hấp dẫn cho thị trường bán lẻ. Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam được nhìn nhận sẽ sẽ tăng gấp đôi trong năm 2020, từ 12 triệu người năm 2014 lên 33 triệu người năm 2020. Tỷ lệ chi tiêu tăng, cùng với việc người tiêu dùng sẵn sàng chi trả để có chất lượng dịch vụ, sản phẩm cao.
Thứ ba, hành vi tiêu dùng của người dân thay đổi theo xu hướng hiện đại, chuyển từ mô hình chợ truyền thống sang mua sắm lớn ở siêu thị, trung tâm thương mại. Đây chính là động lực để dịch chuyển từ kênh bán lẻ truyền thống sang kênh bán lẻ hiện địa diễn ra nhanh hơn.
Thứ tư, bán lẻ hiện đại Việt Nam vẫn đang chiếm tỷ lệ thấp trong tổng doanh thu bán lẻ và còn nhiều dư địa để phát triển. Tỷ lệ bán lẻ hiện đại ở Việt Nam vẫn chỉ ở mức 20-25%, thấp hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực.
Trong khi đó, theo quy hoạch cả nước đến năm 2020 sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm.
Dự báo, giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ sẽ đạt 11,9% , quy mô thị trường khoảng 179 tỷ USD vào năm 2020, trong đó bán lẻ hiện đại sẽ chiếm trên 45%.
Thứ năm, mở cửa thị trường bán lẻ đem lại cho doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cơ hội học tập kinh nghiệm quản lý, tiếp thu những phương thức kinh doanh hiện đại, thúc đẩy sự sáng tạo và nâng cao chất lượng dịch vụ...
"Cùng với nhiều lợi thế về nguồn hàng, sự am hiểu văn hoá tiêu dùng... doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển.
Nếu cạnh tranh được thì các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam sẽ làm chủ và phát triển mạnh mẽ nhờ thâu tóm lại các doanh nghiệp bán lẻ trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam làm ăn không hiệu quả", TS Khôi nhấn mạnh.