Người ra đi và Kẻ ở lại chốn công sở: Cuộc chiến của năng lực, kinh nghiệm và lòng trung thành

24/03/2021 09:00 AM | Kinh doanh

Ai cũng nói người thường xuyên nhảy việc không đáng tin cậy và thiếu năng lực, kiến thức chuyên môn. Nhưng tôi dám chắc rằng, những người trung thành với một công ty trong suốt thời gian dài cũng không có nhiều kinh nghiệm!

Bạn có thể nói tôi phiến diện khi đưa ra nhận định này nhưng thực chất, tôi đã thấy rất nhiều bạn bị huyễn hoặc về kinh nghiệm, kiến thức của bản thân và khi ra ngoài thực tế lại hoàn toàn bị bỡ ngỡ.

Người ra đi và Kẻ ở lại chốn công sở: Cuộc chiến của năng lực, kinh nghiệm và lòng trung thành - Ảnh 1.

Tự định hướng sự nghiệp, không bị lệ thuộc vào bất kì ai!

Việc học hành ở trường đại học thực chất chỉ là một phần nhỏ của bước chân đầu tiên của sự nghiệp. Một người sếp cũ của tôi đã từng nói: "Anh chọn em không phải vì em có bằng cấp cao nhất hay kinh nghiệm nhiều nhất trong số các bạn anh phỏng vấn, anh chọn em vì em mau mắn nhất và đó là yếu tố anh cần!"

Tôi vẫn nhớ ngày đó đi phỏng vấn, tôi vừa mới nghỉ việc ở công ty đầu tiên, nơi tôi chỉ làm việc được vỏn vẹn có một năm. Nhưng trước khi đến buổi phỏng vấn và gặp anh sếp ấy, tôi đã trải qua ít nhất 5 cuộc phỏng vấn khác nhau. Ở mỗi cuộc phỏng vấn, tôi đều có cơ hội được trò chuyện, trao đổi cùng các anh/ chị tuyển dụng và cả cấp trên trực tiếp, thông qua mỗi lần đó tôi hiểu rõ hơn ở một vị trí cấp cao hơn, tôi cần có kiến thức gì, cần phải làm gì? Nên khi về nhà, tôi lên mạng, đọc kiến thức về vấn đề đó để tạo cho mình một vỏ bọc nền tảng cho lần phỏng vấn tiếp theo.

Các bạn có thể thấy việc này hơi "lươn lẹo, giả trân" nhưng thực ra nó giúp tôi rất nhiều trên con đường sự nghiệp sau này. Nhờ có những lần tự tìm kiếm và mở ra kiến thức bằng thông tin mạng xã hội, khả năng chắt lọc thông tin của tôi tốt hơn và dần dần, tôi định hình được đâu là công việc tôi muốn làm tiếp theo. Nhờ vậy mà tôi tự tin hơn trước mỗi quyết định, lựa chọn của mình. Và tin tôi đi, thất nghiệp độ 2 – 3 tháng là bạn sẽ hiểu rõ hơn "tại sao phải nỗ lực học hỏi".

Người ra đi và Kẻ ở lại chốn công sở: Cuộc chiến của năng lực, kinh nghiệm và lòng trung thành - Ảnh 2.

Kinh nghiệm chuyên môn từ đâu mà ra?

Trong 4 năm đầu tiên đi làm, tôi nhảy 3 công ty và mỗi công ty là một lĩnh vực khác nhau. Nên câu hỏi phỏng vấn mà tôi thường gặp nhất là: "Mỗi năm làm một công ty, liệu em có đủ kinh nghiệm chuyên môn không, hay chỉ là mức chung chung?"

Đối với quan điểm này, tôi hoàn toàn không đồng ý! Bởi với tôi, chuyện đi làm nhiều chỗ đâu có liên quan gì đến không được làm chuyên môn đâu. Câu chuyện của tôi là một ví dụ điển hình, nhờ sự thay đổi thường xuyên, dưới cương vị là nhân viên tôi đã được trải nghiệm và thực làm rất nhiều, hiểu thêm về thị trường và có cái nhìn bao quát về lĩnh vực, nghành nghề, mô hình khách hàng khác nhau.

Bên cạnh đó, việc phải thường xuyên thay đổi khiến tôi rèn luyện được cho mình khả năng học hỏi nhanh, thích ứng nhanh với môi trường mới, quy trình làm việc mới. Và đừng ai nói với tôi là tôi không được làm sâu một vấn đề. Thực chất làm sâu hay không là do lúc đó, bạn có dám lăn xả hay không? Tại khi nhảy việc và tìm kiếm công việc mới, chẳng phải là bạn đang tìm kiếm nơi để mở rộng trải nghiệm, kiến thức chứ đâu có tìm một nơi chỉ làm những công việc đã làm để "quen lại thêm quen".

Người ra đi và Kẻ ở lại chốn công sở: Cuộc chiến của năng lực, kinh nghiệm và lòng trung thành - Ảnh 3.

Lòng trung thành của bạn quá ngắn hạn?

Lại một ý kiến nữa mà tôi hoàn toàn phản bác, chuyện làm ngắn hay làm dài ở một công ty chẳng thể nào là một thước đo cho lòng trung thành được. Tôi có thể chỉ làm một công ty trong chưa tới 1 năm nhưng đâu có nghĩa tôi làm việc hời hợt, thiếu nhiệt huyết? Càng không có chuyện tôi làm ở công ty này nhưng đi báo cáo lại cho công ty đối thủ?

Còn nếu luận về lòng trung thành thì lúc đi làm tôi sẽ trung thành với ai, trung thành với điều gì? Cốt lõi cơ bản của mỗi người khi đi làm, tôi nghĩ vẫn là hướng đến bản thân, trung thành với ý định của bản thân. Có thể là ích kỷ nhưng tôi nghĩ chúng ta thật lòng nhất vẫn nên trung thành với bản thân và hướng đến những gì tốt đẹp nhất cho mình. Và tôi sẽ nhảy việc nếu cảm thấy công ty không đáp ứng được nguyện vọng về phúc lợi, lương thưởng và cả cơ hội học hỏi, thăng tiến.

Người ra đi và Kẻ ở lại chốn công sở: Cuộc chiến của năng lực, kinh nghiệm và lòng trung thành - Ảnh 4.

Lời cảnh tỉnh cho những người ở lại quá lâu!

Tôi không dám so sánh hay lên tiếng chê bai các bạn đi làm lâu năm tại một công ty nhưng thực sự tôi vẫn muốn khuyên các bạn hãy thử một lần giương buồm ra khơi. Đặc biệt là các bạn trẻ, đang muốn trải nghiệm nhiều hơn. Việc làm lâu ở một công ty sẽ khiến bạn bị gò bó, giới hạn về các kỹ năng chuyên môn, không được va chạm nhiều do công việc có xu hướng cố định hoặc hạn chế do ngành nghề.

Bên cạnh đó, nếu bạn không được cấp trên mở đường thăng tiến, học hỏi các kỹ năng quản lý cũng như phân tích thị trường mà chỉ vòng quanh các công việc như triển khai, thực hiện kế hoạch theo chỉ thị của cấp trên, về lâu dài, chính bạn sẽ hạn chế cơ hội và kiến thức của mình.

Như câu chuyện của M.K – người bạn đồng môn của tôi là một ví dụ điển hình. Bạn ấy ngay từ lúc ra trường đến nay chỉ làm một công ty duy nhất về lĩnh vực may mặc. Đây là một may mắn nhưng cũng là một rào cản của cô ấy. Công ty chế độ, đồng nghiệp và cả cấp trên đều rất tốt.

Trong suốt 6 năm làm việc, cô ấy vẫn được thăng chức, tăng lương nhưng công việc chỉ quanh đi quẩn lại với những hạng mục cố định, lập đi lập lại. Có thể, cô ấy sẽ rất giỏi trong việc triển khai các công việc này do đã quá quen thuộc nhưng vô hình chung, cô ấy cũng mất đi khả năng phân tích và so sánh công việc của chính mình. Cách đây ít hôm, cô ấy đã tâm sự với tôi rằng: "Tao muốn nhảy việc và làm bên lĩnh vực khác, nhưng kinh nghiệm tao không đủ nhưng để bắt đầu từ con số 0 hay chấp nhận một mức lương thấp hơn, tao lại không dám!"

Thật tình mà nói, tôi không thể đưa ra một lời khuyên hay an ủi nào cho cô ấy. Bởi chức vụ tôi hiện tại thấp hơn, mức lương có lẽ cũng thấp hơn nhưng rõ ràng là tôi rất tự tin, hiểu rõ điều mình có, thứ mình muốn và cách để đạt được trong tương lai.

(Nguồn: HR Insider)

HR Insider

Cùng chuyên mục
XEM