Người Nhật ngày càng sống lâu, Chính phủ buộc phải nâng tuổi nghỉ hưu để tránh vỡ nợ

22/06/2016 13:40 PM | Kinh tế vĩ mô

Trong bối cảnh nợ công tăng cao, chính phủ của nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới đang cố gắng nâng tuổi nghỉ hưu và giảm gánh nặng tiền phúc lợi, hưu trí.

Khi nhìn bên ngoài, khó ai có thể tin ông Satoshi Kennichi đã ngoài 70 tuổi. Cách đây 13 năm, sau khi chính thức chia tay bạn bè để về nghỉ hưu, ông không bao giờ tin rằng chỉ sau đó 2 tháng, ông đã trở lại công ty làm việc. Khi chưa nghỉ hưu, trong vị trí chuyên gia ngành khí đốt công nghiệp, ông kiếm được khoảng 77 nghìn USD/năm, và hiện tại, thu nhập hàng năm dù thấp hơn 30% so với trước nhưng cũng vẫn ở mức khá tốt của xã hội.

Giờ đây mỗi tháng 15 ngày, ông bắt chuyến tàu lúc 8h30 phút sáng đến chỗ làm để giám sát hệ thống cung cấp khí đốt. Dù mất đến 3 tiếng đồng hồ đi tàu mỗi ngày, nhưng ông cảm thấy rất hạnh phúc. Ông đã có một khoản tiền tiết kiệm lớn sau nhiều năm đi làm, nhưng việc được tiếp tục đi làm giúp ông cảm thấy mình sống có ích và vui vẻ hơn rất nhiều.

Theo quy định của pháp luật Nhật, tuổi nghỉ hưu của nam giới là 60. Tuy nhiên thực tế, khoảng 5-7 triệu đàn ông Nhật vẫn tiếp tục làm việc đến tuổi 65 bởi đơn giản họ không thể chịu được việc ngồi nhà. Họ vẫn cố gắng làm việc ngay cả khi đã buộc phải nghỉ. Các công ty tư nhân sẽ có thể buộc nhân viên phải nghỉ bắt đầu từ tuổi 60, và đồng thời là giảm lương bởi từ tuổi đó nhân viên bắt đầu nhận được lương hưu.

Tuy nhiên, phần đông nam giới ngoài tuổi 60 đều chấp nhận giảm lương để được tiếp tục làm việc. Theo số liệu của Cục Thống kê Nhật, khoảng 20% lao động lao động nam ngoài tuổi 60 được doanh nghiệp tiếp tục tuyển dụng, tỷ lệ cao nhất trong tất cả các nền kinh tế phát triển, con số đó tương đương đến hàng triệu người bởi dân số Nhật hiện có đến hơn 33 triệu người trên 60 tuổi. Số người trên 60 tuổi đã tăng 4 lần trong 40 năm qua.

Trong bối cảnh nợ công tăng cao, chính phủ của nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới đang cố gắng nâng tuổi nghỉ hưu và giảm gánh nặng tiền phúc lợi, hưu trí. Theo lộ trình của chính phủ Nhật, tuổi nghỉ hưu của nam giới Nhật sẽ tăng đều đặn 4 tháng mỗi năm cho đến khi đạt 65 tuổi vào năm 2025.


Tuổi thọ trung bình của người Nhật hiện cao nhất thế giới là 83 tuổi.

Tuổi thọ trung bình của người Nhật hiện cao nhất thế giới là 83 tuổi.

Vấn đề dân số già không phải của riêng nước Nhật mà còn nhiều nước khác trên thế giới, đặc biệt là các nước giàu. Tuổi thọ trung bình của người Nhật hiện cao nhất thế giới là 83 tuổi, trong khi tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, chỉ 1,4 trẻ em/1 phụ nữ, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ thay thế cần thiết của lực lượng lao động. Bất kỳ chính sách khuyến khích sinh đẻ nào mà chính phủ Nhật đưa ra đều chưa phát huy hiệu quả và nó quá yếu để có thể đảo ngược xu thế sụt giảm 15 năm liên tiếp của dân số nước này.

Tỷ lệ nợ công của Nhật hiện cũng cao nhất thế giới, ước lên đến khoảng hơn 11,5 nghìn tỷ USD tương đương 91.911 USD/người. Nguyên nhân trực tiếp của nợ công tăng quá cao như vậy là bởi vào thập niên 1970, chính phủ Nhật đã ước tính quá lạc quan về chi phí lương hưu, theo phân tích của viện nghiên cứu Fujitsu tại Tokyo.

Và cũng theo đó, chi phí phúc lợi xã hội của Nhật ước tính đến năm 2025 sẽ tăng 36%, lên mức 148,9 nghìn tỷ yên (tương đương 1,9 nghìn tỷ USD), tương đương 24% GDP. Có nghĩa là người Nhật cứ làm ra 4 đồng thì 1 đồng để trả lương hưu và phúc lợi xã hội.

Về phía doanh nghiệp Nhật, dù họ thiếu người làm nhưng họ không hề thích đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của chính phủ. Lý do là bởi họ không muốn phải chi tiền trả đủ lương cho người lao động già trong khi nhiều người sức khỏe đã yếu. Chính phủ muốn giảm tiền hưu trí bằng cách nâng tuổi hưu nhưng doanh nghiệp không muốn trả đủ lương nên phản đối nâng tuổi hưu.

Nhưng chính bản thân doanh nghiệp cũng bộc lộ nhiều quan điểm thiếu nhất quán trong vấn đề này. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật và đồng thời đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị một doanh nghiệp dược lớn, ông Kunio Noji, nói: “Tôi muốn giữ người lao động có năng lực và đủ sức khỏe nhưng tôi cho rằng không nhiều người đủ khả năng.” Tuy nhiên chính ông này vẫn đang giữ chức khi ông đã 66 tuổi.

Đối với nhiều người lao động già từng có mức lương thấp trước khi nghỉ hưu, làm thêm sau khi nghỉ hưu là một lựa chọn tốt bởi nhiều khi lương hưu không đủ sống và cuộc sống nghỉ hưu vô cùng nhàm chán bởi nhiều người không có gia đình hay người thân sống cùng.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật hiện rơi xuống mức thấp nhất trong 2 thập kỷ, một phần là bởi nhiều người già vẫn đang làm việc.

Tại Nhật, chính phủ có chính sách hỗ trợ rất mạnh để giúp người ngoài 60 tuổi tìm việc. Chính phủ mở ra các trung tâm giúp tư vấn và kết nối người lao động với doanh nghiệp. Đồng thời các trung tâm này cũng chịu trách nhiệm tư vấn cho người lao động về cuộc sống sau khi về hưu.

Ngoài ra, hệ thống tuyển dụng của Nhật cũng bảo vệ người lao động đến mức tối đa. Tại doanh nghiệp nhà nước, một khi người lao động đến tuổi về hưu, theo thông lệ suốt nhiều thập niên qua, trừ trường hợp sức khỏe quá yếu, doanh nghiệp sẽ buộc phải ký mới hợp đồng lao động nhưng với mức lương thấp hơn, vì vậy người lao động có thể tiếp tục làm việc cho đến khi nào họ muốn nghỉ.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM