Người người nhà nhà 'detox thải độc': Tiến sĩ người Việt tại Mỹ cảnh báo hệ lụy nguy hiểm

20/06/2022 20:00 PM | Sống

Trong bài này, chúng tôi tập trung giải mã sự thật quanh các tin đồn về các biện pháp thanh lọc cơ thể bằng detox phổ biến nhất.

Detox ngắn hạn bằng nước ép trái cây từng một thời làm mưa làm gió ở môi trường văn phòng. Nguồn: Internet
Detox ngắn hạn bằng nước ép trái cây từng một thời làm mưa làm gió ở môi trường văn phòng. Nguồn: Internet

1. Thanh lọc gan

Một vài liệu pháp thanh lọc nói về việc thải độc gan, nhưng nếu thực hiện sai cách dễ dàng có thể trở thành "đầu độc gan".

Đầu tiên cần biết rằng gan không phải là nơi chứa các chất độc trong cơ thể. Gan ở người khỏe mạnh là cơ quan thực hiện chuyển hóa chất độc và thải loại chúng khỏi cơ thể theo một cơ chế chuyển hóa cụ thể. Gan chuyển đổi chất độc thành chất có khả năng tan trong nước và thải chủ yếu qua nước tiểu hoặc phân, chỉ có rất ít (0,02-0,04%) là thải qua tuyến mồ hôi.

Đối với một vài bệnh nhân nhiễm virus viêm gan A, B, C hoặc gan nhiễm mỡ do uống quá nhiều rượu, hiệu suất loại bỏ chất độc của gan sẽ giảm đi đáng kể, dẫn đến tích tụ quá mức cho phép của một vài chất vitamin A, sắt, đồng và gây độc cho cơ thể.

Tuy nhiên ở trường hợp này, họ cần một chế độ ăn uống lành mạnh (như ăn uống cân bằng với đủ lượng chất xơ, vitamin và protein để hỗ trợ hoạt động của enzyme gan), từ bỏ thức uống có cồn và kết hợp thuốc điều trị rối loạn lipid máu hoặc viêm gan theo chỉ định cụ thể từ bác sĩ.

Thế nhưng, các phương pháp detox thải độc gan truyền miệng bao gồm cả việc sử dụng các loại trà thảo mộc, chất bổ sung, chất làm sạch ruột, thuốc xổ,... hoặc chế độ nhịn ăn cực đoan với "cơ chế" không bổ sung thêm "chất độc" và chỉ sử dụng nước để cơ thể có cơ hội "tẩy sạch" chất độc.

Cần lưu ý rằng dù đã có các phương pháp điều trị y tế cho các bệnh về gan, nhưng vẫn chưa có bằng chứng cho thấy các chương trình giải độc gan có thể khắc phục tổn thương gan.

Trên thực tế, các chất giải độc có thể gây hại cho gan. Tình trạng tổn thương gan do thực phẩm chức năng và thảo dược đang gia tăng. Ví dụ, chiết xuất trà xanh có thể gây ra tổn thương như tổn thương do viêm gan, hoặc thuốc xổ cà phê dùng đại trà tại nhà có thể dẫn đến nhiễm trùng và các vấn đề điện giải gây chết người.

2. Thanh lọc đại tràng (ruột già)

Trong detox thương mại, các liệu trình thường gồm thực phẩm chức năng nhiều chất xơ, thảo mộc hoặc trà nhuận tràng dùng hàng ngày và có thể đi kèm với súc ruột.

Trào lưu được quan tâm nhiều nhất và gây nhiều tranh cãi nhất trong nhóm này có lẽ chính là các phương pháp thụt tháo đại tràng tại nhà. Theo phương pháp này, nước ấm hoặc nước cà phê được bơm qua hậu môn vào đại tràng để súc ruột và thải độc trong vòng 15-20 phút, ngày thực hiện một đến hai lần. Phương pháp này được quảng cáo là loại bỏ ký sinh trùng, chất độc và phân tồn đọng ở thành ruột, đồng thời còn thải độc được thêm cho gan, thận, dạ dày.

Người người nhà nhà detox thải độc: Tiến sĩ người Việt tại Mỹ cảnh báo hệ lụy nguy hiểm - Ảnh 1.

Các quảng cáo detox bằng cà phê (thụt tháo đại tràng bằng cà phê) được một số người dùng hàng ngày thay vì đi đại tiện thông thường. Hậu quả là có những người đã bị giãn cơ vòng hậu môn và bị rỉ phân suốt ngày. Ảnh: Internet

Cần biết rằng thực hành súc rửa ruột (đại tràng) đã có từ thời Hy Lạp cổ đại và trở nên phổ biến vào khoảng đầu những năm 1900. Tuy nhiên, sau đó súc rửa ruột không còn được ưa chuộng nữa do các lý thuyết của việc thực hành súc rửa ruột đã không còn được ủng hộ. Mãi cho đến gần đây, việc thực hành thanh lọc đại tràng lại rộ lên trở lại với các biện pháp sử dụng trà, enzyme, magie hoặc thụt tháo hậu môn.

Vậy lý thuyết của súc rửa ruột là gì? Một trong các lý thuyết chính đằng sau súc rửa ruột là niềm tin rằng thịt không được tiêu hóa và các thực phẩm khác có thể gây ra sự tích tụ chất nhầy trong ruột kết (ruột già). Theo lý thuyết, sự tích tụ này tạo ra độc tố, đi vào hệ tuần hoàn của máu, gây nhiễm độc cho cơ thể, dẫn đến các triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu, tăng cân…

Vì sao lý thuyết này không còn được ủng hộ? Với những hiểu biết khoa học hiện nay về những điều sau, lý thuyết về sự tích tụ chất độc ở ruột già nếu không thụt rửa không còn đứng vững nữa.

● Vi khuẩn tự nhiên trong ruột kết có thể giải độc chất thải thực phẩm.

● Gan cũng trung hòa các chất độc.

● Màng nhầy trong ruột kết có thể ngăn không cho các chất không mong muốn vào lại máu và các mô.

● Lớp niêm mạc của ruột tự tái tạo nhanh hơn bất kỳ mô nào khác trong cơ thể, ngăn ngừa sự tích tụ của vật chất có hại. Cụ thể, cứ cách khoảng 72 giờ, các tế bào lớp thượng bì ở ruột sẽ tự bong tróc. Các chất cặn bám ở đây cũng sẽ được tự động loại bỏ theo cơ chế tự tái tạo này.

● Số lần đi tiêu bình thường khác nhau ở mỗi người.

● Tăng số lần đi tiêu không giúp giảm cân. Đó là bởi vì cơ thể hấp thụ hầu hết calo từ thực phẩm trước khi chúng đến ruột già.

Vậy thải độc đại tràng bằng ăn uống có lợi không?

Hiện nay các nghiên cứu về tác dụng của thải độc đại tràng vẫn còn rất hạn chế. Việc có nên thực hành thải độc đại tràng hay không vẫn còn đang được tranh luận.

Có ý kiến cho rằng nếu chỉ THỈNH THOẢNG thực hiện thải độc đại tràng bằng cách ăn uống một số chất lỏng hay thực phẩm nhất định có thể mang lại một số lợi ích nào đó.

Ví dụ một số biện pháp thải độc đại tràng bằng ăn uống là uống nhiều nước, uống nước muối (pha 2 muỗng nước cà phê muối vào nước ấm rồi uống khi bụng đói buổi sáng và buổi tối), ăn chế độ giàu chất xơ, uống nước trái cây và sinh tố, uống trà thảo dược chứa gừng, tỏi, ớt cayene, vỏ hạt mã đề, lô hội...

Tuy nhiên, việc thực hành các biện pháp thảo độc đường ăn uống như trên nên được tham khảo với bác sĩ vì việc thực hiện thường xuyên hoặc không đúng liều sẽ dễ dàng gây ngộ độc và rủi ro sau:

● Suy thận

● Mất nước

● Nôn, buồn nôn, chuột rút

● Chóng mặt, một dấu hiệu mất nước

● Mất cân bằng khoáng chất

● Mất cân bằng điện giải

Đã có nhiều báo cáo về các trường hợp cấp cứu do sử dụng các loại trà thảo dược không rõ nguồn gốc. Vỏ hạt mã đề, lô hội nếu dùng quá liều hay không đúng cách cũng gây ngộ độc. Người bị huyết áp cao cần giảm ăn muối và vì vậy cũng không nên thực hiện biện pháp uống nước muối thải độc.

Còn thụt rửa đại tràng có lợi không?

Trái với các phương pháp thải độc bằng cách ăn uống, việc tự ý thụt tháo đại tràng tại nhà lại hoàn toàn bị các bác sĩ và chuyên gia phản đối vì dễ dàng gây ra nguy hiểm mà chưa hề có chứng cớ cho thấy điều này có lợi.

Vậy thụt rửa đại tràng có hại như thế nào?

Súc rửa ruột là một thủ thuật y khoa được chỉ định trong một số tình huống nhất định như điều trị bệnh lý táo bón lâu dài hoặc làm sạch đại tràng trước khi phẫu thuật, xét nghiệm hoặc dùng thuốc làm sạch đại tràng.

Các bác sĩ nhấn mạnh việc súc rửa ruột không nên được áp dụng cho người khỏe mạnh. Việc tự ý thải độc đại tràng tại nhà sẽ gây ra nguy hiểm, làm thay đổi chức năng sinh lý của đại tràng và có thể dẫn tới các rủi ro và tác dụng tiềm ẩn sau.

● Có khả năng gây nhiễm trùng.

● Làm cạn kiệt hệ vi khuẩn bình thường hữu ích của ruột, vì trong ruột có hỗn hợp cả vi khuẩn có ích và có hại. Một số thủ thuật súc rửa ruột được thực hiện đúng cách sẽ được bổ sung men vi sinh lợi khuẩn để thay thế lượng vi khuẩn hữu ích bị mất đi khi súc rửa ruột

● Tự ý thụt tháo tại nhà trước khi phẫu thuật có thể làm ảnh hưởng việc hấp thụ thuốc vào ngày làm thủ thuật.

3. Thải độc chân

Thiết bị thải độc chân rất đơn giản: một bồn hay chậu chứa đầy nước ấm, một cái máy ion hóa tạo dòng điện có điện áp thấp để "sạc" các nguyên tử trong phân tử nước.

"Lý giải khoa học" được cho rằng các nguyên tử tích điện này thu hút và trung hòa các độc tố tiêu cực trong cơ thể bạn - các tạp chất bám trong cơ thể sẽ được rút qua chân ra ngoài như thể bị nam châm hút ra.

Thông tin quảng cáo các phương pháp này có đoạn: "Bạn cần mắt thấy tai nghe làm bằng chứng mới tin? Hãy nhìn nước dần dần đổi màu - dấu hiệu của độc đang được loại thải ra khỏi cơ thể."

Một số phương pháp còn bao gồm áp miếng dán vào bàn chân, màu nước thay đổi được quảng cáo là dấu hiệu nhận biết của độc tố đã được loại ra hiệu quả.

Những lợi ích của việc thải độc chân theo quảng cáo của các hãng bán thiết bị bao gồm tăng năng lượng, suy nghĩ sáng suốt, ít đau nhức, cải thiện giấc ngủ, tăng cường hệ miễn dịch.

Nhưng liệu phương pháp này có thực sự kỳ diệu như vậy?

Giải mã sự thay đổi màu của nước

Cho đến hiện nay vẫn không có bất kỳ bằng chứng khoa học hay nghiên cứu uy tín nào cho thấy việc ngâm chân trong nước ion hóa có thể giúp giải độc cơ thể. Những "bằng chứng" của chất độc xét về mặt nào đó cũng không khác gì một trò ảo thuật.

Người người nhà nhà detox thải độc: Tiến sĩ người Việt tại Mỹ cảnh báo hệ lụy nguy hiểm - Ảnh 2.

Các quảng cáo thải độc chân nói rằng miếng dán sẽ đổi màu xám đen sau vài giờ là do chất độc ở gan bàn chân thải ra ngoài. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Màu nước thay đổi khi thực hiện điện phân trong nước muối ngâm chân là hiện tượng ăn mòn điện hóa của các kim loại ở điện cực (chủ yếu là sắt, đồng, kẽm) khi có dòng điện chạy qua (điện phân trong môi trường nước muối ngâm chân). Ngoài ra, một lượng nhỏ kim loại có trong bồn chứa cũng có thể rỉ ra tạo màu nhạt.

Để lật tẩy những lý thuyết sai lầm này, một số video lưu truyền trên mạng đã quay lại sự thay đổi màu của nước mà không hề cần nhúng chân vào.

Còn khi sử dụng miếng dán chân, thành phần chính của giấm gỗ trong miếng dán là axit acetic, acetone và methanol và chúng đều không có tác dụng thải độc.

Việc đổi màu ở miếng dán chân là do mồ hôi chân hoặc hơi ẩm tương tác với thành phần dextrin trong chất keo miếng dán chứ không phải là màu của độc tố. Cũng tương tự như khi ta trộn nước với bột, màu của hỗn hợp cũng chuyển sang màu xám ngà.

Phương pháp giải độc chân có hại không?

Ngoại trừ làm tăng khả năng bị "viêm màng túi" thì có lẽ phương pháp này cũng không có hại. Bỏ qua những cơ chế "kỳ bí" không có thực kia thì chỉ việc ngồi thư giãn, ngâm chân vào nước ấm cũng đủ để khiến bạn cảm thấy dễ chịu.

Một số người pha muối Epson vào nước ấm ngâm chân hoặc ngâm toàn cơ thể vì cho rằng ion magie và sulphate có trong muối Epson có thể được hấp thụ vào cơ thể, giúp giảm đau nhức, mệt mỏi mạn tính. Khoa học hiện nay chưa có bằng chứng nào hỗ trợ lý thuyết này, nhưng việc thêm muối Epson vào cũng được cho là không có hại.

Như vậy, việc lấy một thau nước ấm có hay không có thêm muối Epson vào để ngâm chân hay bỏ hàng đống tiền mua thiết bị ngâm chân có lẽ chỉ khác nhau ở giá tiền, chứ không khác nhau ở hiệu quả.

Có hay không hiệu quả ngắn hạn của detox bằng ăn uống?

Hiệu quả thải độc gan, thận?

Kết quả của một vài nghiên cứu cho thấy thảo mộc tự nhiên như cây kế sữa hay nghệ có chứa các chất kháng viêm, chống oxy hóa và giảm đường huyết và có khả năng làm giảm tổn thương gan, thận do hóa trị ở bệnh nhân ung thư, gan nhiễm mỡ do rượu hoặc virus, xơ gan. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác lại cho thấy các loại thảo mộc này hoàn toàn không có tác dụng trong những trường hợp trên.

Nghiên cứu ở bệnh nhân ung thư cho thấy sử dụng chiết xuất kế sữa trong vòng 24-48 giờ trước khi bắt điều trị với thuốc cisplatin không giúp phòng tránh hay làm giảm tổn thương thận do tác dụng phụ của thuốc. Tương tự, kết quả nghiên cứu việc dùng kế sữa có thành phần silibinin trước khi bắt đầu hóa trị cũng không có tác dụng thải độc gan hoặc giảm tổn thương gan.

Vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để đánh giá hiệu quả thải độc gan, thận của các loại thảo mộc này.

Hiệu quả giảm cân?

Hầu hết các biện pháp detox đều cắt giảm rất nhiều năng lượng nạp vào ở mức khoảng 450-800 calo. Trong khi đó năng lượng tối thiểu cho người ít hoặc không vận động đã ở vào mức 800 calo. Vì thế một trong những dấu hiệu dễ thấy nhất của các biện pháp thanh lọc cơ thể mà nhiều người có thể thấy là giảm cân rất nhanh. Nhưng khi họ quay trở lại chế độ ăn như trước, cơ thể sẽ nhanh chóng trở lại mức cân ban đầu hoặc tăng cân nhanh hơn.

Giảm cân cũng có thể do giảm nước trong cơ thể chứ không phải là giảm mỡ. Việc uống quá nhiều loại nước muối, trà hay thảo mộc nhuận tràng khi thực hiện một vài liệu pháp thanh lọc thường dẫn tới hoạt động nhu động ruột quá mức, làm tăng đào thải nước, gây tiêu chảy, mất điện giải quan trọng như natri, kali, làm hỏng nhu động ruột và phá hủy hệ sinh vật có lợi của ruột.

Nghiên cứu ở nữ thực hiện thanh lọc bằng nước ép (juice cleanse) trong vòng 2 ngày hoặc 3 tuần cho thấy tăng lượng hormone stress cortisol, một loại hormone ở tuyến thượng thận, kích thích gan tiết đường vào máu, làm tăng đường huyết, tăng nguy cơ tích tụ chất béo dẫn đến tăng cân.

Một vài người cảm thấy khỏe hơn, da cải thiện hơn một thời gian ngắn sau khi thực hiện detox. Nhưng có lẽ nguyên nhân là do họ đã giảm đi những thức ăn không lành mạnh trong chế độ dinh dưỡng trước đó như thức ăn nhanh, đồ ăn vặt, thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều đường, béo, thiếu chất xơ và các dưỡng chất cần thiết.

Một vài nghiên cứu cho thấy các biện pháp nhịn ăn gián đoạn (chỉ giới hạn khung thời gian ăn mỗi ngày mà không cắt giảm calo) có thể có lợi cho sức khỏe. Các biện pháp này nếu thực hiện đúng cách, nghĩa là ăn uống lành mạnh kể cả trong khung giờ nạp năng lượng, có thể giúp làm giảm nồng độ insulin trong máu và tăng lượng hormone đốt mỡ norepinephrine, làm cho mỡ dự trữ được dễ dàng sử dụng hơn.

Một kết quả nghiên cứu cho thấy việc giảm mỡ và nồng độ insulin có thể tác động tích cực đến việc tăng cường sản xuất hormone tăng trưởng, một loại hormone được tạo ra ở tuyến yên và có vai trò quan trọng trong việc sửa chữa tế bào, giúp cơ thể phục hồi sau chấn thương và cải thiện sức khỏe cơ, hỗ trợ luyện tập.

Một đánh giá tổng hợp những nghiên cứu quan sát cho thấy nhóm người thực hiện nhịn ăn gián đoạn sau 3 ngày có hàm lượng hormone tăng trưởng tăng ba lần so với trước đó. Kết quả nghiên cứu ở những đối tượng này cho thấy tốc độ trao đổi chất của họ tăng 3,6-14%, cân nặng giảm 3-8% trong vòng 3-24 tuần. Trong quá trình thực hiện, một vài cá nhân cũng cho thấy họ giảm 4-7% vòng eo do giảm mỡ bụng và lượng cơ mất đi ít hơn so với các biện pháp cắt giảm calo khác.

Tuy nhiên, một vài nghiên cứu khác cho thấy các biện pháp nhịn ăn gián đoạn này chỉ có các tác động tích cực ở nam giới. Nghiên cứu ở nữ cho thấy nhịn ăn gián đoạn làm cho khả năng kiểm soát đường huyết ở nữ tệ hơn. Nghiên cứu ở chuột cái cho thấy chúng có biểu hiện hành vi thay đổi, vô sinh hoặc rối loạn chu kỳ rụng trứng. Một vài cá nhân nữ sau khi thực hiện nhịn ăn gián đoạn cũng nhận thấy kết quả tương tự và chu kỳ kinh nguyệt của họ chỉ đều đặn trở lại khi quay về chế độ ăn bình thường. Tuy nhiên, chu kỳ kinh nguyệt ở một vài người khác thì lại không có ảnh hưởng gì.

Tóm lại, hầu hết những kết luận về hiệu quả điều trị, tăng cường sức khỏe của các biện pháp thanh lọc đều chỉ dựa trên kết quả của một vài nghiên cứu quan sát trên một nhóm nhỏ, nghiên cứu động vật hoặc tường thuật lại của một vài người đã thực hiện chúng. Khi thực hiện những liệu pháp này, bạn có thể sẽ không nhận được những kết quả tương tự như quảng cáo. Vẫn cần bổ sung thêm rất nhiều nghiên cứu để có thể đưa ra kết luận thống nhất về ảnh hưởng sức khỏe hay hiệu quả của các biện pháp detox.

Hậu quả nghiêm trọng

Hiện vẫn chỉ có rất ít những biện pháp quản lý và xử lý răn đe những trường hợp tự ý tuyên truyền thông tin điều trị không được kiểm chứng dù rất nhiều trường hợp "tiền mất tật mang" hay tử vong đáng tiếc đã xảy ra do thực hiện những biện pháp thanh lọc truyền miệng này.

Thanh lọc bằng nước ép

Dùng nước uống chưa được tiệt trùng có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của những người có sức đề kháng yếu.

Nước uống có chứa oxalate như củ dền và rau bina có thể làm tăng nguy cơ bệnh thận.

Chế độ ăn uống thiếu dưỡng chất cần thiết, gây mệt mỏi, nóng nảy và táo bón.

Thanh lọc gan, thận bằng thảo dược

Cây thuốc hay thảo dược cần có nguồn gốc tin cậy, không phun hóa chất, không ẩm mốc. Các tạp chất và độc tố có trong lá, rễ, thân, quả có thể khiến gan phải hoạt động nhiều hơn bình thường để loại bỏ các chất này. Lâu dài, có thể làm giảm hiệu suất thải độc của gan dẫn đến nhiễm độc gan.

Ở những người có tình trạng ung thư vú, tử cung, chiết xuất cây kế sữa (milk thistle) có chứa phytoestrogen (estrogen nguồn gốc thực vật) có cấu trúc tương tự và có thể tương tác như hormone estrogen ở nữ và làm tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.

Nhịn ăn

Nhịn ăn không đúng cách có thể dẫn đến đau đầu, xỉu, cơ thể yếu, mất nước, cảm giác đói và não không hoạt động hiệu quả. Nếu bạn bị viêm gan B đã gây tổn thương gan, việc nhịn ăn có thể làm tổn thương gan thêm trầm trọng.

Nhịn ăn kéo dài sẽ dẫn đến thiếu hụt dưỡng chất, vitamin và khoáng chất. Cơ thể khi thiếu năng lượng sẽ dùng năng lượng thay thế từ mô mỡ, mô cơ và tạo ra sản phẩm chuyển hóa ceton (ketone). Các triệu chứng thường thấy như thở nhanh, thở nông, yếu cơ, đau đầu, hơi thở và nước tiểu có mùi như nước lau sơn móng tay (mùi ceton).

Nồng độ ceton trong máu tăng quá cao (nhiễm toan ceton/ketoacidosis) có thể làm tổn thương gan, thận và làm mất cân bằng axit-kiềm trong cơ thể. Thực hiện nhiều lần các biện pháp thanh lọc có thể làm cho thận không còn khả năng loại bỏ đủ axit trong máu dẫn tới tình trạng axit trong máu quá cao, gây nhiễm toan chuyển hóa (metabolic acidosis). Tình trạng nặng có thể dẫn đến mất nhận thức, tử vong.

Khi dùng các chế độ ăn đặc biệt (chế độ keto, atkin) không cung cấp đủ lượng tinh bột, tốc độ chuyển hóa glucose ở gan không đủ đáp ứng cho các tế bào sử dụng, có thể thể gây hạ đường huyết cấp dẫn đến tử vong.

Ngoài vấn đề tử vong do hạ đường huyết và nhiễm toan chuyển hóa, người thực hiện detox nhịn ăn kéo dài có thể gặp khó khăn khi bắt đầu ăn uống bình thường, còn gọi là hội chứng "nuôi ăn lại" (refeeding syndrome). Đây là tình trạng rối loạn chuyển hóa chất và mất cân bằng điện giải ở người nhịn ăn quá lâu.

Khi bắt đầu ăn lại, lượng glucose và các ion phosphate, ma-giê, kali hấp thụ vào tế bào tăng đột ngột khiến lượng các ion này trong máu giảm nhanh chóng. Nồng độ insulin tăng cao cũng khiến khả năng thải nước và muối ở thận giảm dẫn đến ứ muối nước, phù nội tạng.

Thải độc đại tràng

Chóng mặt, buồn ói và các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, đau bụng, chướng bụng. Nặng nhất có thể bị suy gan, thận, thủng trực tràng, nhiễm trùng máu và tử vong do kiết lỵ.

Thải độc chân

Dù được xem là vô hại khi chỉ dùng nước ấm ngâm chân, nhưng nếu có sử dụng muối (một số spa dùng nước có chứa chlorine), phản ứng hóa học của nước muối ngâm chân khi điện phân có thể tạo ra lượng nhỏ khí hydrogen, chlorine và xút (sodium hydroxide).

Xút có thể làm bong tróc da nhẹ. Lượng khí hydrogen, chlorine trong phòng nhỏ, không đủ thoáng khí có thể gây khó thở và tổn thương hệ hô hấp.

Tóm lại, đừng tin bác sĩ Google

Hầu hết các liệu pháp detox vẫn chưa được chứng minh hiệu quả khoa học rõ ràng và thường chỉ là quảng cáo thay vì hiệu quả thực sự.

Cơ thể con người đã được trang bị sẵn một hệ thống thải độc làm việc điều hòa theo những cơ chế được kiểm soát chặt chẽ. Để hỗ trợ hệ thống này làm việc một cách tối ưu, bạn cần ăn chế độ ăn lành mạnh, uống đủ nước, thường xuyên vận động thể chất, ngủ đủ giấc, không hút thuốc hoặc sử dụng chất gây nghiện, lạm dụng đồ uống có cồn.

Nên nhớ thông tin từ "bác sĩ Google" chỉ mang tính tham khảo, không được sử dụng để điều trị hay chữa bệnh. Nếu bạn mệt mỏi, xanh xao, cân nặng thay đổi bất thường, nhu động ruột hoạt động không bình thường, khó thở kéo dài trong nhiều ngày, điều bạn cần làm là chẩn đoán với một bác sĩ chuyên khoa tại bệnh viện chứ không phải tự chữa với "bác sĩ Google" hay đến một trung tâm làm đẹp hay các 'thần y chữa bách bệnh'.

Đặc biệt, nếu bạn bị tiểu đường, huyết áp thấp, đang dùng thuốc trị bệnh khác, thiếu cân hoặc có tiền sử mắc chứng rối loạn ăn uống, rối loạn chức năng dạ dày ruột, phẫu thuật đại tràng, trĩ, bệnh thận và bệnh tim, là phụ nữ mang thai hoặc định mang thai, đang cho con bú và kinh nguyệt không đều, xin nhớ không nên thực hiện bất kỳ biện pháp detox nào mà không tham khảo ý kiến từ bác sĩ chuyên môn.

Tác giả: TS. Nguyễn Quốc Thục Phương (chuyên viên nghiên cứu về đáp ứng miễn dịch tại Trung tâm Y tế Đại học Rochester, bang New York, Mỹ) và TS. Hoàng Mai Phương, hiện đang làm việc tại TP HCM.

Cả hai chuyên gia đều là thành viên của dự án Thực phẩm cộng đồng.

Dự án "Thực phẩm Cộng đồng" https://thucphamcongdong.vn/ cung cấp kiến thức khoa học thường thức, chính xác, khách quan và đáng tin cậy về thực phẩm, dinh dưỡng và sức khoẻ cho người Việt với mong muốn lan tỏa tri thức, chung tay vì sức khỏe cộng đồng. Hệ thống kiến thức của Dự án được tổng hợp, biên phiên dịch và cập nhật thường xuyên từ nguồn thông tin khoa học uy tín, chuẩn xác bởi các nhà khoa học trong và ngoài nước đang làm việc trong lĩnh vực Công nghệ Thực phẩm và các ngành liên quan.

Tài liệu tham khảo

1. https://www.racgp.org.au/afpbackissues/2007/200712/200712Cohen1.pdf?fbclid=IwAR0HXCg-jLMDuxW1W2tULLupUEQrKA67SdpTIy1QFpkVEgW8gAENhgNjwOY

2. https://www.nccih.nih.gov/health/detoxes-and-cleanses-what-you-need-to-know?fbclid=IwAR1BkaRQz7TNzZEee7NEN1ATxHcjJf7wqUU-VBffPNotiXo5z4zwvbdOvdk

3. https://www.livescience.com/34845-detox-cleansing-facts-fallacies.html

4. https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/nutrition-and-healthy-eating/expert-answers/detox-diets/faq-20058040

5. https://www.health.harvard.edu/nutrition/juicing-fad-or-fab

6. https://www.health.harvard.edu/staying-healthy/the-dubious-practice-of-detox

7. https://www.healthline.com/nutrition/does-fasting-release-toxins-in-the-body#1

8. https://www.healthline.com/nutrition/weight-loss-cleanse#benefits

9. https://www.healthline.com/health/natural-colon-cleanse#takeaway

10. https://health.clevelandclinic.org/foot-detox/

11.

12. https://www.nationalgeographic.com/science/article/sweating-toxins-myth-detox-facts-saunas-pollutants-science

13. https://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-138/milk-thistle

14. https://www.webmd.com/digestive-disorders/liver-detox

15. https://www.webmd.com/balance/guide/natural-colon-cleansing-is-it-necessary

16. http://bachmai.gov.vn/tin-tuc-va-su-kien/y-hoc-thuong-thuc-menuleft-32/3271-th-i-d-c-detox-ti-n-m-t-t-t-mang.html

17. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2440847/

18. https://www.webmd.com/balance/features/rise-of-oxygen-bars

19. Klein, A. V., & Kiat, H. (2014). Detox diets for toxin elimination and weight management: a critical review of the evidence. Journal of Human Nutrition and Dietetics, 28(6), 675–686. doi:10.1111/jhn.12286

20. https://clinicaltrials.gov/ct2/show/NCT03978117

21. Jung, SJ., Kim, WL., Park, BH. et al. Effect of toxic trace element detoxification, body fat reduction following four-week intake of the Wellnessup diet: a three-arm, randomized clinical trial. Nutr Metab (Lond) 17, 47 (2020). https://doi.org/10.1186/s12986-020-00465-9

22. Gillett G, Shivakumar N, James A, Salmon J. Acute Severe Hyponatremia Following Use of "Detox Tea". Cureus. 2021;13(3):e14184. Published 2021 Mar 30. doi:10.7759/cureus.14184

TS. Hoàng Mai Phương, TS. Nguyễn Quốc Thục Phương

Cùng chuyên mục
XEM