Người Mỹ mà "không Mỹ" và công dân toàn cầu không quên gốc nước mắm thịt kho
Ông ngâm cho tôi nghe bài chú ngồi thiền của các nhà sư Tây Tạng, v.v. Tôi thấy ông "đáng sợ" thế nào ấy...
LTS: Những năm gần đây, khái niệm "công dân toàn cầu" được nhắc đến khá nhiều ở Việt Nam. Đó cũng là khát vọng và mục tiêu hướng đến của nhiều bạn trẻ. Nhưng với không ít người, làm thế nào để trở thành "công dân toàn cầu"thì vẫn là câu hỏi khó.
Trong số này, chúng tôi sẽ đăng tải câu chuyện của chị Gordon Thúy. Chị Thúy tốt nghiệp và giảng dạy tại ban Anh văn, khoa Ngoại Văn, Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, sang Mỹ năm 1983, lấy bằng cử nhân tài chính kế toán, và hiện làm việc tại Bechtel Corporation, tiểu bang Virginia.
Chúng tôi rất mong sẽ nhận được những ý kiến đóng góp, bàn luận của Quý độc giả để vạch ra một con đường cho người Việt trẻ hội nhập thành công với thế giới. Quý độc giả cũng có thể gửi các thắc mắc, câu hỏi về tòa soạn theo địa chỉ email: btv@ttvn.vn. Chúng tôi sẽ giúp quý vị kết nối với các chuyên gia uy tín để cùng trao đổi.
Trân trọng!
Sinh ra trong cảnh mồ côi, bố mất sớm và mẹ bị gia đình chồng hắt hủi đuổi đi, ông được bà nội nuôi nấng thuở nhỏ. Vừa xong trung học, biết hoàn cảnh gia đình không thể hỗ trợ cho ông lên đại học, ông "thoát ly" xin làm thằng bé lau dầu nhớt dưới hầm máy nóng bức bẩn thỉu trên một con tàu đang ghé bến tại Olympia, tiểu bang Washington, và sắp lên đường sang Thượng Hải.
Từng bước một, ông nỗ lực leo lên từng bậc, từ chân lau dầu nhớt hạng bét trên tàu lên đến sĩ quan và rồi lên chức thuyền trưởng ở tuổi 30, trẻ nhất lúc bấy giờ. Rồi từ đó là những năm ngang dọc hải hồ suốt sự nghiệp.
Chị Thúy cùng chồng và con gái.
Tôi nghĩ thầm sao lại có con người "lạ" đến như vậy nhỉ? Sống xa quê cha đất tổ cả đời như vậy thì "mất gốc" rồi còn gì?
Thật vậy, ông là người Mỹ mà không "Mỹ" gì cả. Ông kể cho tôi nghe bao nhiêu là câu chuyện "hoang đường", về những huyền bí trên đại dương, chìa tay khoe chiếc nhẫn bạc trên ngón tay áp út bàn tay phải do một nhà sư Lào đã làm phép để hộ mạng cho ông, về bùa phép của những pháp sư Indonesia.
Ông khâm phục nền trí thức và trình độ lĩnh hội khoa học nghệ thuật của người Do thái, kể rằng thuở hàn vi ông vào nhà bạn Do thái chơi mang đôi giày há mõm. Tuần sau một đôi giầy mới tinh tươm gửi đến nhà ông mà không ghi địa chỉ người gửi.
Ông ngưỡng mộ tính đoàn kết bảo vệ nhau chặt chẽ của người Hẹ (Hakka) mà ông đã từng chung sống thời gian dài, học của họ cách nấu cơm gần chín thì bỏ lạp xưởng vào hấp cho lạp xưởng tiết mỡ ra cơm ăn béo ngon.
Ông ngâm cho tôi nghe bài chú ngồi thiền của các nhà sư Tây Tạng, v.v. Tôi thấy ông "đáng sợ" thế nào ấy. Có nghĩa là ông không khớp vào một khuôn khổ đơn giản và thuần khiết nào để tôi có thể "đánh giá" dễ dàng.
Ấy nhưng tính cách "không giống ai" của ông lại hấp dẫn mê hoặc tôi. Ông thú nhận là rất mê nét yêu kiều Á đông, và thường đùa là kiếp trước mình "quậy" quá nên kiếp này bị đày vào một thân xác da trắng, trong khi trái tim ông thì Á đông 100%. Và ông tỉnh bơ tự hào rằng "các người" sinh ra là da vàng nên phải chịu số phận đó không có chọn lựa, còn "ta" là da trắng mà thiết tha muốn được làm người Á đông thì đó mới là tình yêu thật sự. Thiệt tình!
Cái lưỡi không xương đó đã khiến tôi bằng lòng gắn bó với ông mặc dù phải vượt qua bao sóng gió trở ngại. Dần dà tôi cũng đổi khác, cũng đánh mất đi một phần tính chất thuần Việt của mình. Ông bà ta có nói đi một ngày đàng học một sàng khôn, ta thu nhặt thêm vào túi khôn của mình thì đôi khi cũng làm rơi mất một ít vốn cũ.
Ngày xưa tôi tự ái dân tộc rất cao, mà thành kiến vùng miền cũng nặng. Sau này ra biển lớn nhìn lại thấy mình còn khiếm khuyết, còn trẻ con quá. Hằng ngày ông xã điểm tin thế giới cho tôi nghe, lúc đầu tôi chỉ "Ồ thế à" cho đúng thủ tục, nhưng rồi tôi bị cuốn hút vào vận mạng nước Mỹ và thế giới.
Tôi ái ngại cho anh bạn đồng nghiệp người châu Mỹ La tinh, khi lấy vợ đã đổi sang họ vợ và cho các con theo họ mẹ để bảo toàn sinh mạng cho gia đình, vì bố anh bị ám sát tại quê nhà. Và hôm nay tôi đau đớn cho những người tỵ nạn Syria đang chết từng loạt trên biển cả trên con đường chạy trốn chiến tranh.
Khi mới sang Mỹ, tôi chắt chiu từng đồng, tâm nguyện "món nào không mua mà chết thì mới mua". Gạo muối phải mua để sống. Quần áo vài bộ sở xã hội cho đủ thay đổi, không cần sắm thêm. Từng đồng dành dụm để "đóng thùng" gửi về Việt Nam.
Gia đình giờ đã qua cơn bĩ cực, tôi giúp một em học sinh nghèo ăn học Tôi cũng hiến máu giúp bệnh nhân không bao giờ gặp mặt. Tôi gửi chi phiếu đến IRC - International Rescue Committee giúp người tỵ nạn Syria. Phạm vi làm từ thiện của tôi cũng tiến ra toàn cầu. Ai cần giúp đỡ trên trái đất này thì mình cố giúp thôi.
Con tôi sinh ra tại Mỹ. Bố mẹ đặt tên cho nó tên Mỹ theo tên bà cô đã nuôi dưỡng bố, nhưng tên lót là tên Việt của mẹ đặt cho. Ngày nó lọt lòng tôi ôm con hát à ơi ru bé ngủ. Lớn lên ít tuổi con nhảy múa theo điệu hát của chú khủng long Barney "I love you! You love me! We are a happy family…" Tôi cố giữ gìn "cô gái Việt" cho con, nhưng rồi phải bật cười nhìn nhận nó là "con Mỹ con" chính cống trong nhà.
Năm con lên lớp 11, nó đòi cho bằng được ghi tên đi học năm 12 tại nước ngoài theo các chương trình trao đổi học sinh quốc tế.
Các tư vấn viên trong trường không vui, vì cháu phải dồn hai năm làm một, hoàn tất cho xong chương trình phổ thông trong năm 11 để được cấp bằng ra trường trước khi đi du học, không có giờ hoàn thành các lớp cao cấp để có thành tích được nhận vào các trường đại học loại top. Tôi chiều theo vì biết mình không ngăn trở được con chim muốn tung cánh bay đi, cũng như ngày xưa gia đình không ngăn được bố nó ra biển về phương Đông.
Sang Slovakia, cháu say sưa tham dự các sinh hoạt bên Đông Âu, học đánh kem whipped cream bằng tay, mua cả dụng cụ mang về, học nấu món ăn Giáng sinh cổ truyền bên ấy. Nó cũng xuống phố lần tìm cho ra một tiệm phở Việt, viết về cho mẹ kể rằng mọi người trong tiệm phở kéo nhau ra vây quanh nghe "con bé Sài gòn" nói tiếng Việt, phần nó thì bảo người ta nói tiếng Việt gì nó không hiểu được!
Chắc là cô nàng viết nháp trước, lẩm bẩm học cho thuộc, trước khi xuống phố tìm hương vị quê hương. Ôi! Công dân toàn cầu của mẹ vẫn không quên gốc nước mắm thịt kho của mình!
Ngày nay con Mỹ con trong nhà đôi lúc làm mẹ buồn muốn khóc khi thấy nó chối bỏ gốc Việt. Lúc thì chê bai trong nhà chẳng có gì ăn, toàn là đồ Việt Nam thôi, sao không có miếng hot dog nào cả. Lúc thì bảo bạn bè mẹ đến nhà cười nói lớn tiếng rổn rảng điếc tai quá.
Ấy vậy mà khi chợt nghe được mẹ than phiền với bạn rằng cái cảnh mẹ Việt nuôi con Mỹ nhiều điều đắng cay lắm thì nó bảo con nghe mẹ nói con vào phòng nằm khóc, vì con cũng là người Việt Nam vậy.
Về tầm nhìn ra thế giới thì thôi, mẹ ráng uốn nắn cho con cái hồn Việt, còn con muốn biến mẹ thành công dân toàn cầu, lúc nào cũng bảo mẹ phải thế này thế nọ. Nó bảo "Mẹ chẳng quan tâm đến người da đen đang bị đối xử bất công trên đất Mỹ, bao nhiêu trẻ em không đủ ăn trên thế giới, phụ nữ bị kỳ thị chưa sánh vai ngang bằng nam giới, vấn đề những đứa con dị chủng phải đương đầu, v.v".
Trời ơi, sao mà trên Trái đất này có nhiều vấn đề quá vậy con? Tương lai là thuộc tuổi trẻ các con. Dấn thân cống hiến, thay đổi cục diện đi con ạ, mẹ cho phép đấy.
* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.