Người đầu tiên trên thế giới tái nhiễm virus SARS-CoV-2 sau 4 tháng khỏi bệnh

25/08/2020 15:30 PM | Xã hội

Một người đàn ông ở Hồng Kông (TQ) tái nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi được điều trị khỏi COVID-19 bốn tháng trước đó.

Hôm 24/8, tờ The Sun đưa tin, một người đàn ông 33 tuổi, ở Hồng Kông (TQ) đã trở thành bệnh nhân COVID-19 đầu tiên trên thế giới tái nhiễm virus SARS-CoV-2 sau 4 tháng được điều trị khỏi. Theo các nhà nghiên cứu tại Hồng Kông, trường hợp này được xác định bị nhiễm 2 chủng virus SARS-CoV-2 hoàn toàn khác nhau.

Cụ thể, trong lần nhiễm bệnh đầu tiên, anh có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV hôm 26/3, sau khi có các triệu chứng như ho, sốt và đau đầu. Đến ngày 14/4, anh được xuất viện sau 2 lần xét nghiệm có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.

Ngày 15/8, khi xét nghiệm tại sân bay Hồng Kông, bệnh nhân này lại có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 và tiếp tục được nhập viện điều trị sau đó. Các nhà nghiên cứu cho biết, ở lần nhiễm bệnh thứ 2, nam bệnh nhân không có các triệu chứng, cho thấy lần nhiễm bệnh sau có thể nhẹ hơn lần đầu.

 Người đầu tiên trên thế giới tái nhiễm virus SARS-CoV-2 sau 4 tháng khỏi bệnh - Ảnh 1.


Hai lần nhiễm bệnh khác biệt

Qua giải trình tự gen, các nhà nghiên cứu đã xác định được sự khác nhau của các chủng virus, chứng tỏ nam bệnh nhân trên có hai lần nhiễm bệnh riêng biệt. Tiết lộ của các nhà nghiên cứu Hồng Kông là một đòn giáng mạnh vào hy vọng những người khỏi bệnh sẽ phát triển khả năng miễn dịch lâu dài với COVID-19.

Các chuyên gia cảnh báo, điều này cho thấy virus có thể khiến các vắc-xin COVID-19 không còn tác dụng như kỳ vọng nữa và SARS-CoV-2 có khả năng tồn tại trong cộng đồng như virus cảm lạnh thông thường.

Trưởng nhóm nghiên cứu, bác sĩ Kelvin Kai-Wang To cho biết ca bệnh trên cho thấy tầm quan trọng của biện pháp giãn cách xã hội. Ông nhận định: "Trường hợp này cho thấy có thể tái nhiễm chỉ sau vài tháng từ lần nhiễm bệnh đầu tiên.

Những phát hiện của chúng tôi cho thấy SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong cộng đồng trên toàn cầu giống như các virus corona gây cảm lạnh thông thường khác, ngay cả khi bệnh nhân đã có miễn dịch sau khi bị lây nhiễm tự nhiên.

Vì khả năng miễn dịch có thể chỉ trong thời gian ngắn sau khi nhiễm bệnh tự nhiên, nên việc tiêm phòng cho những người đã từng nhiễm cũng cần được cân nhắc. Những bệnh nhân từng mắc COVID-19 trước đó cũng nên tuân thủ các biện pháp kiểm soát dịch tễ như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội".

Bác sĩ Kelvin Kai-Wang To cho biết thêm: "Không có khả năng miễn dịch cộng đồng có thể ngăn chặn được SARS-CoV-2. Những lần lây nhiễm sau có thể nhẹ hơn lần nhiễm đầu tiên, điển hình như đối với bệnh nhân này".

Một phát hiện đáng lo ngại

Bình luận về báo cáo trên, bác sĩ David Strain, từ Đại học Exeter (Anh), cho biết: "Đây là một phát hiện đáng lo ngại vì một số lý do. Đầu tiên, nó cho thấy sau lần nhiễm bệnh trước đó cơ thể bệnh nhân không có khả năng tự bảo vệ.

Thứ hai, phát hiện này làm gia tăng quan ngại việc chủng ngừa có thể không mang lại hy vọng như chúng ta hằng mong đợi".

Nhưng Giáo sư Brendan Wren, từ Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London (Anh), cho biết cuộc đua sản xuất vắc-xin COVID-19 vẫn nên tiếp tục. Ông chia sẻ: "Đây là một ví dụ rất hiếm về việc tái nhiễm và không nên vì thế mà phủ nhận động lực phát triển vắc-xin COVID-19 trên toàn cầu".

Tiến sĩ Jeffrey Barrett, từ Viện Wellcome Sanger (Anh), cho hay: "Rất khó để đưa ra bất kỳ suy luận chắc chắn nào từ một nhận định duy nhất. Với số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu cho đến nay, ​một trường hợp tái nhiễm không phải là điều đáng ngạc nhiên, ngay cả khi nó là một trường hợp rất hiếm".

Các phát hiện trên đã được chấp thuận xuất bản trên tạp chí y khoa Bệnh Truyền nhiễm Lâm sàng của Đại học Oxford (Anh).

Lê Huy

Cùng chuyên mục
XEM