Người đầu tiên trên thế giới hai lần dương tính với COVID-19 chỉ trong vòng 20 ngày
Một nhân viên y tế đã mắc COVID-19 hai lần chỉ trong 20 ngày, đây được cho là khoảng thời gian ngắn nhất giữa hai lần nhiễm được ghi nhận kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Theo một nghiên cứu, một phụ nữ Tây Ban Nha, 31 tuổi, đã bị nhiễm biến thể Delta, sau đó là biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 trong vòng chưa đầy ba tuần.
Các nhà nghiên cứu cho biết, trường hợp này cho thấy, ngay cả những người đã được tiêm vaccine COVID-19 cũng "không thể tự tin rằng họ được bảo vệ để chống lại tình trạng tái nhiễm ".
Tiến sĩ Gemma Recio, thuộc Viện Catala de la Salut ở Tây Ban Nha, một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết, điều này đã chỉ ra khả năng né tránh miễn dịch đã có từ trước đó của biến thể Omicron.
Nữ nhân viên y tế, người được giấu tên, đã bị nhiễm COVID-19 vào tháng 12/2021, 12 ngày sau khi cô được tiêm mũi vaccine tăng cường. Cô mắc bệnh không có triệu chứng và bị cách ly trong 10 ngày.
Chỉ vài ngày sau khi trở lại làm việc vào tháng 1/2022, nữ nhân viên y tế này bắt đầu xuất hiện các triệu chứng bị nhiễm virus SARS-CoV-2 gồm ho và sốt, và nhìn chung cảm thấy không khỏe, sau đó cô có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.
Ngay cả những người được tiêm chủng, đã từng mắc COVID-19 "không thể cho rằng họ được bảo vệ để chống lại sự tái nhiễm". (Ảnh: Sky News)
Trường hợp của nữ nhân viên y tế ở Tây Ban Nha, được báo cáo tại Đại hội châu Âu về vi sinh lâm sàng và các bệnh truyền nhiễm ở Bồ Đào Nha, được cho là khoảng cách giữa các lần nhiễm COVID-19 ngắn nhất được ghi nhận.
Theo đó, trường hợp này "nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện kiểm soát bộ gene của virus".
Tiến sĩ Recio nói: "Những người đã nhiễm COVID-19 không thể cho rằng họ được bảo vệ chống lại sự tái nhiễm, ngay cả khi họ đã được tiêm phòng đầy đủ. Tuy nhiên, việc lây nhiễm COVID-19 trước đó do các biến thể khác và tiêm chủng dường như đã bảo vệ một phần chống lại bệnh tiến triển nặng và nhập viện ở những người mắc biến thể Omicron.
Trường hợp này đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện giám sát bộ gene của virus đối với các ca nhiễm ở những người đã được tiêm chủng đầy đủ và trong những trường hợp tái nhiễm. Việc theo dõi như vậy sẽ giúp phát hiện các biến thể với khả năng né tránh một phần phản ứng miễn dịch".
Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho biết, nguy cơ tái nhiễm do biến thể Omicron cao hơn 10 lần so với biến thể Delta. Hiện Omicron là biến thể thống trị ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.