Người dân sống ở các địa phương đắt đỏ nhất cả nước có thu nhập bình quân bao nhiêu?

06/07/2022 13:58 PM | Kinh tế vĩ mô

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2021, vùng Đồng bằng sông Hồng giữ vị trí có giá cả đắt đỏ nhất cả nước. Vị trí thứ hai là vùng Trung du và miền núi phía Bắc với chỉ số SCOLI năm 2021 bằng 99,61%.

Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (viết tắt theo tiếng Anh là SCOLI) là chỉ tiêu thống kê quốc gia, phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá sinh hoạt giữa các vùng, địa phương trong một thời gian nhất định (thường là một năm).

Chỉ số SCOLI phục vụ hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá kết quả thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, trợ cấp khó khăn, trợ cấp tiền lương. Đồng thời chỉ số này còn là cơ sở để tính Chỉ số phát triển con người (HDI) và Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo sức mua tương đương.

Năm 2021, vùng Đồng bằng sông Hồng có giá cả đắt đỏ nhất cả nước. Xếp sau lần lượt là vùng Trung du và miền núi phía Bắc (99,61%), Đông Nam Bộ (99,04%), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (98,74%), Tây Nguyên (97,57%) và Đồng bằng sông Cửu Long (95,12%).

Xét theo từng địa phương, Hà Nội đứng đầu top 10 tỉnh, thành đắt đỏ nhất cả nước. Xếp ngay sau lần lượt là Quảng Ninh (99,5%), TP. Hồ Chí Minh (98,98%), Đà Nẵng (96,4%) và Hải Phòng (95,58%).

Ngoài ra, trong top 10 còn có Lào Cai (94,75%), Sơn La (94,58%), Khánh Hoà (94,55%), Lạng Sơn (94,55%) và Điện Biên (94,41%).

Người dân sống ở các địa phương đắt đỏ nhất cả nước có thu nhập bình quân bao nhiêu? - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Nếu so sánh về thu nhập trong top 10 địa phương đắt đỏ nhất, kết quả Khảo sát mức sống dân cư năm 2021 của Tổng cục Thống kê cho thấy thành phố TP. Hồ Chí Minh xếp đầu về thu nhập bình quân đầu người với 6,008 triệu đồng/người/tháng.

Xếp sau lần lượt là Hà Nội (6,002 triệu đồng/người/tháng), Đà Nẵng (5,23 triệu đồng/người/tháng), Hải Phòng (5,093 triệu đồng/người/tháng) và Quảng Ninh (3,992 triệu đồng/người/tháng) và Khánh Hoà (3,236 triệu đồng/người/tháng)

Ngoài ra, trong top 10 còn có Lào Cai (2,515 triệu đồng/người/tháng), Lạng Sơn (2,471 triệu đồng/người/tháng), Sơn La (1,834 triệu đồng/người/tháng), và Điện Biên (1,821 triệu đồng/người/tháng).

Người dân sống ở các địa phương đắt đỏ nhất cả nước có thu nhập bình quân bao nhiêu? - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Có thể thấy, các thành phố trực thuộc trung ương tuy có giá cả đắt đỏ nhưng cũng có thu nhập cao. Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh xếp thứ 2 cả nước về thu nhập, Hà Nội xếp thứ 3, Đà Nẵng thứ 5 và Hải Phòng thứ 6. Tỉnh Quảng Ninh cũng xếp thứ 20 về thu nhập.

Tuy nhiên, những tỉnh miền núi có thu nhập thấp bất ngờ lại lọt top địa phương đắt đỏ nhất. Tỉnh Điện Biên có thu nhập thấp nhất cả nước, Sơn La xếp thứ 62, Lạng Sơn xếp thứ 56 và Lào Cai xếp thứ 55.

Giải thích về điều này, báo cáo cho biết, những năm trước đây, chỉ số SCOLI vùng Trung du và miền núi phía Bắc thường cao hơn Đồng bằng sông Hồng ở các nhóm hàng giao thông, nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng, hàng ăn và dịch vụ ăn uống… do nhiều hàng hóa không sản xuất tại vùng cao, đường xá đi lại khó khăn nên giá cước vận chuyển cao.

Bên cạnh đó, hệ thống phân phối phân tán đòi hỏi chi phí cao để duy trì hệ thống, cùng với chi phí dự trữ hàng hóa trong kho bãi đã đẩy giá hàng hóa của vùng Trung du và miền núi phía Bắc lên cao hơn so với các vùng khác.

Theo Anh Tuấn

Cùng chuyên mục
XEM