Người đàn ông phố núi hơn 30 năm gìn giữ nghề làm đèn trung thu truyền thống

10/09/2022 09:09 AM | Sống

Dù tóc đã ngả màu, nhưng người đàn ông U70 vẫn muốn gìn giữ nghề làm đèn trung thu truyền thống. Ông chỉ mong nhận lại nụ cười và niềm vui từ lũ trẻ.

Say mê với đèn lồng truyền thống

Đã từ lâu, những chiếc đèn lồng là một phần không thể thiếu làm nên phong vị của Tết Trung thu cổ truyền. Dù chịu sự cạnh tranh của những món đồ chơi hiện đại bắt mắt, mẫu mã đa dạng nhưng có những người vẫn yêu thích và muốn gìn giữ nét đẹp truyền thống này.

Cách đây 30 năm, sau khi nghỉ việc ở cơ quan, ông Từ Tiến Huy (SN 1954, phường Diên Hồng, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) cùng vợ mở quán tạp hoá nhỏ để buôn bán. Vào ngày Tết Trung thu, ông Huy thấy vợ bán đủ loại bánh kẹo, đèn lồng điện tử… nhưng chẳng có lấy một cái lồng đèn truyền thống.

Nhớ lại những ngày xưa cũ, vào dịp Trung thu ông vẫn cùng lũ trẻ trong làng vui đùa, nô nức khi cầm chiếc lồng đèn ông sao đi khắp các nẻo đường. Mong muốn những đứa trẻ thời nay biết đến lồng đèn truyền thống, ông Huy liền tìm mua nguyên vật liệu rồi bắt tay vào làm.

Những chiếc lồng đèn đầu tay mà ông Huy làm với đường kính từ 0,8m – 1,6m dùng để trang trí trước cửa nhà. Thế nhưng, khi thấy lồng đèn đầy màu sắc, lũ trẻ thích thú nên đến hỏi mua ngày một nhiều. Thấy các em nhỏ hứng thú với lồng đèn truyền thống, ông bắt đầu sáng tạo ra nhiều hình dáng bắt mắt như: cá chép, con thuyền, con gà… để mọi người vui Tết Trung thu.

Người đàn ông phố núi hơn 30 năm gìn giữ nghề làm đèn trung thu truyền thống - Ảnh 1.

Để làm ra một chiếc đèn lồng phải trải qua nhiều công đoạn như cưa, chẻ nan, tạo khung, dán giấy, vẽ hoa văn trang trí.

Theo ông Huy, để có một chiếc lồng đèn hoàn chỉnh, người làm phải trải qua nhiều công đoạn như cưa, chẻ nan, tạo khung, dán giấy, vẽ hoa văn trang trí, tất cả đều được làm thủ công. Công đoạn khó nhất để làm ra một chiếc đèn là tạo khung và trang trí hoa văn bởi đó là yếu tố quyết định làm nên nét đặc trưng của từng sản phẩm.

Đặc biệt, ngoài tay nghề ra, người thợ phải ngồi hàng giờ tỉ mỉ, chăm chút từng chi tiết và thổi hồn vào chiếc đèn để tạo ra được những sản phẩm bắt mắt.

“Để lồng đèn kịp đến tay các cháu bé vào Trung thu, ngay từ đầu tháng 6 âm lịch tôi đã chuẩn bị nguyên liệu, như: tre, trúc, giấy màu… Công đoạn khó nhất để hoàn thiện một chiếc đèn lồng có lẽ là dựng khung, còn trước đó phải vót tre, cắt giấy trang trí… 

Do đó, đối với công việc này đòi hỏi sự đam mê, cẩn thận và tỉ mỉ. Đồng thời, người thợ cần phải sáng tạo trong nét vẽ, phối màu hài hòa thì lồng đèn mới toát lên vẻ đẹp thanh thoát nhất”, ông Huy nói.

Mong muốn truyền nghề

Người đàn ông phố núi hơn 30 năm gìn giữ nghề làm đèn trung thu truyền thống - Ảnh 2.

Với mỗi chiếc lồng đèn ông Huy làm ra có giá từ 10.000 – 1.000.000 đồng tùy theo kích thước và hình thù khách hàng đặt.

Do đã lớn tuổi nên mỗi ngày ông Huy chỉ làm được khoảng 2-3 chiếc đèn lồng cỡ vừa. Còn với những chiếc lồng đèn có đường kính từ 0,8m trở lên, phải mất hơn 2 ngày ông mới hoàn thiện được. Với mỗi chiếc lồng đèn ông Huy làm ra có giá dao động từ 10.000 – 1.000.000 đồng tùy theo kích thước và hình thù khách hàng đặt.

Ông Huy tâm sự, mỗi mùa trung thu đến, những chiếc lồng đèn điện tử với nhiều mẫu mã và màu sắc được bày bán khắp nơi. Theo đó, lồng đèn truyền thống cũng ngày một giảm dần và ít được xuất hiện ở các nẻo đường, dãy phố. Thế nhưng đối với ông, đèn ông sao truyền thống mang ý nghĩa đặc biệt. Bởi nó vừa là biểu tượng cho ngôi sao năm cánh trên quốc kỳ, vừa thể hiện cho ước muốn hòa bình của con người Việt Nam.

“Giờ đây, những mẫu mã đèn lồng điện tử, đồ chơi ngoại tràn lan trên thị trường nên thu hút lượng khách hàng đông đảo. Cũng vì thế mà lồng đèn truyền thống dần bị lãng quên. Thế nhưng trong thâm tâm tôi luôn mong muốn lưu giữ và phát triển nghề làm đèn lồng truyền thống này để mang đến niềm vui, nụ cười cho lũ trẻ”, ông Huy nói.

Người đàn ông U70 bộc bạch, bên cạnh việc giữ nghề để mưu sinh điều ông mong muốn nhất là có thể truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Bởi hiện nay nghề làm lồng đèn truyền thống đang dần bị mai một và lãng quên.

“Bên cạnh những trường hợp chạy theo xu hướng và đồ chơi, lồng đèn hiện đại thì vẫn còn có người yêu thích điều gần gũi, bình dị. Đó cũng là động lực để tôi cố gắng mỗi ngày nhằm gìn giữ và phát triển nghề làm lồng đèn truyền thống. Dù trước mắt gặp bao nhiêu khó khăn, gia đình tôi vẫn cố gắng bám nghề để những giá trị văn hóa truyền thống ở mãi trong lòng mỗi người”, ông Huy chia sẻ.

Theo Dung Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM