Người đàn ông 10.000 tỷ USD (P2): Hành trình trở thành "ông hoàng phố Wall", nhân vật có tầm ảnh hưởng quan trọng trong các doanh nghiệp lớn nhất thế giới của Larry Fink

12/10/2021 14:50 PM | Kinh doanh

Đây là câu chuyện về cách ông chủ BlackRock trở thành người đàn ông quyền lực nhất trong ngành tài chính toàn cầu, một nhà cố vấn cho các tổng thống và thủ tướng; và là nhân vật có tầm ảnh hưởng quan trọng trong hội đồng quản trị của nhiều doanh nghiệp trên thế giới.

Xem phần 1 tại đây.

Trượt phỏng vấn với Goldman Sachs hóa ra lại là vận may

Những ngôi sao chiếu mệnh của Larry Fink không nói lên rằng ông sẽ trở thành một gã khổng lồ trong ngành tài chính. Ông sinh ngày 2/11/1952 tại Van Nuys - khu vực lân cận Los Angeles ở thung lũng San Fernando. Cha ông là chủ một cửa hàng giày, còn mẹ ông là giáo sư tiếng Anh ở khuôn viên Northridge tại Đại học bang California. Larry học không giỏi như anh trai mình nên ông phải giúp đỡ việc vặt tại ở cửa hàng giày của cha - điều mà người anh học giỏi hơn của ông được miễn.

Fink theo học khoa lý luận chính trị của trường UCLA. Ông không học gì về kinh doanh trừ một số môn kinh tế học đơn giản. Tuy nhiên vào năm cuối đại học, khi vô tình đăng ký một số lớp học về bất động sản, ông cảm thấy có sự yêu thích với ngành này. Nhưng giấc mơ theo đuổi ngành bất động sản của ông nhanh chóng phai mờ khi ông tốt nghiệp bằng MBA tại trường kinh doanh UCLA. Giống như mọi chàng trai trẻ chưa có lý tưởng rõ ràng về nghề nghiệp nhưng ham kiếm tiền khác, Fink đến phố Wall với mái tóc dài lãng tử cùng chiếc vòng tay được người bạn gái từ thời trung học- Lori tặng (sau này bà trở thành người bạn đời của ông).

Ông đã nhận được nhiều lời đề nghị làm việc tại những ngân hàng đầu tư hàng đầu, nhưng sự chán nản đã khiến cho ông trượt cuộc phỏng vấn cuối cùng với Goldman Sachs.

Fink nói rằng: "Tôi đã rất thất vọng khi trượt phỏng vấn, nhưng rút cuộc đó lại trở thành một điều may mắn đối với tôi."

Sau đó, năm 1976, ông lựa chọn làm việc ở Ngân hàng First Boston - một công ty có tên tuổi khác. Ông làm việc ở bộ phận giao dịch trái phiếu, mảng các trái phiếu có tài sản thế chấp do có kiến thức về bất động sản. Ông chứng minh rằng mình là một nhân viên tài năng và được bổ nhiệm làm trưởng bộ phận này vào năm 1978. Tại đây, ông đã xây dựng được một đội nhóm thân cận, chăm chỉ và trung thành. Nhiều thành viên trong nhóm của ông là người Do Thái mặc dù những nhân viên gốc Do Thái và Italia không được ưa chuộng lắm ở phố Wall trong những thập niên 70, 80 của thế kỷ 20.

Trong một dịp tuyển nhân viên làm việc tại quầy giao dịch, Fink đã tuyển được Kapito – một người gốc Do Thái khác. Mặc cho tư tưởng bài ngoại của xã hội Mỹ, Fink rất hài lòng với đội nhóm của mình vì thực tế là chẳng ai quan tâm xuất thân của chúng ta, miễn là chúng ta kiếm được tiền. Và đội nhóm của Fink thì rất giỏi điều đó.

Dù có tài năng vượt trội Fink không phải là nhân vật được nhiều người yêu mến do tính tự phụ của ông. Tuy nhiên, Phố Wall lại yêu thích người tài năng hơn là những người khiêm tốn. Năm 31 tuổi, Fink đã trở thành giám đốc điều hành và là thành viên hội đồng quản trị trẻ tuổi nhất trong lịch sử của First Boston. Sự nghiệp của ông đang trên đà thăng tiến một cách hết sức thuận lợi. Thế nhưng điều này kéo dài không lâu.

Năm 1986, đội nhóm của Fink đã gây ra một khoản thiệt hại trị giá 100 triệu USD khi lãi suất đột nhiên sụt giảm và những biện pháp dự phòng trước đây hoàn toàn thất bại. Năm 1988, ông rời khỏi First Boston với vị thế bị ruồng bỏ nhưng điều này không làm ông gục ngã.

Người đàn ông 10.000 tỷ USD (P2): Hành trình trở thành ông hoàng phố Wall, nhân vật có tầm ảnh hưởng quan trọng trong các doanh nghiệp lớn nhất thế giới của Larry Fink - Ảnh 1.

Tổng tài sản mà BlackRock quản lý (AUM) tăng trưởng mạnh mẽ sau 2 thập kỷ.

Những nền tảng đầu tiên của BlackRock

Một buổi tối tháng 3/1987, Fink và Ralph Schlosstein, nhân viên của Shearson Lehman Hutton và cũng là một người bạn của ông tình cờ đi cùng chuyến bay từ Washington tới New York. Họ có rất nhiều lý tưởng chung và trong lần gặp gỡ này, họ đã lên kế hoạch xây dựng một công ty chứng khoán tài chính với một danh mục đầu tư cổ phiếu tích hợp và những chiến lược phân tích rủi ro hiệu quả.

Sau khi nghỉ việc tại First Boston, Fink mời một vài người bạn đến nhà để bàn bạc về những kế hoạch sắp tới. Trong số đó có Kapito – trợ thủ đắc lực của ông và một số nhân viên hàng đầu khác tại First Boston (Ben Golub, Keith Anderson..). Ở công ty Shearson Lehman Hutton, Schlosstein mời Susan Wagner, và Hugh Franter, hai chuyên gia trái phiếu thế chấp tài năng nhất của công ty. Cùng với nhau, họ đã thành lập nên một công ty đầu tư trái phiếu dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại với khả năng quản lý rủi ro chuyên biệt.

Với vấn đề lớn nhất là vốn, Fink đã nỗ lực tìm kiếm những doanh nghiệp tiềm năng có thể đầu tư vốn. Blackstone đã đồng ý hỗ trợ bằng cách cho công ty non trẻ của Fink cùng sử dụng văn phòng, đồng thời cho công ty này vay với trị giá 5 triệu USD, đổi lại Blackstone sẽ nắm giữ 50% cổ phần của công ty. Fink và Schlosstein đã quyết định đặt tên công ty mới của họ là Blackstone Financial Management (BFM) để tận dụng vị thế đang phát triển của Blackstone.

Với những nhân viên đầu tiên - Charlie Hallac và Golub, công ty đã phát triển một công nghệ tân tiến giúp khách hàng tránh được những thất bại đầu tư. Nền tảng này được viết tắt theo khẩu hiệu của công ty - "Tài sản (Asset), Tiêu sản(Liability), Nợ (Debt) và Mạng lưới đầu tư phái sinh (Derivative Investment Network)", hay Aladdin.

Người đàn ông 10.000 tỷ USD (P2): Hành trình trở thành ông hoàng phố Wall, nhân vật có tầm ảnh hưởng quan trọng trong các doanh nghiệp lớn nhất thế giới của Larry Fink - Ảnh 2.

Fink tại 1 cuộc họp năm 2019. © Mustafa Yalcin/Anadolu Agency/Getty Images

BFM phát triển nhanh chóng nhờ những mối quan hệ quý giá của mình. Chỉ trong 6 năm đầu tiên, công ty đã quản lý khối tài sản với tổng trị giá 23 tỷ USD với khoảng 150 nhân viên. Thị trường trái phiếu của công ty đã gặt hái được nhiều thành công, và công ty của ông cũng đã thu hút được nhiều các quỹ hưu trí tham gia đầu tư.

Việc thu hút thêm nhân viên bằng cách trả cổ phiếu công ty khiến cho tỷ lệ sở hữu của Blackstone giảm xuống cuối cùng đã làm cho BFM và Blackstone đường ai nấy đi. Sau sự kiện này, công ty đã đổi tên thành BlackRock để thể hiện sự tôn trọng với Blackstone.

1/10/1999, BlackStone tổ chức niêm yết trên thị trường trên sàn chứng khoán và được định giá vào mức gần 900 triệu USD với tổng tài sản công ty đang quản lý đã vượt qua mức 165 tỷ USD.

Khi bong bóng dotcom vỡ, tình hình kinh doanh tập trung nhiều vào trái phiếu của BlackRock lại càng phát triển rực rỡ, thu hút các nhà đầu tư tìm kiếm sự ổn định. Chính vì vậy, công ty có thể sử dụng cổ phiếu của mình như một loại tiền tệ để mua lại các công ty đối thủ. Trong điều kiện này, BlackRock đã dùng cổ phần của mình để chuyển đổi từ một công ty chỉ tập trung đầu tư vào trái phiếu thành công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới.

Năm 2004, BlackRock mua lại State Street Research -một quỹ quản lý tài sản sở hữu bởi công ty bảo hiểm MetLife với giá 375 triệu USD. Năm 2006, biết được Stan O’Neal (CEO mới của Merrill Lynch) có ý định bán lại mảng kinh doanh quản lý tài sản của ngân hàng, Fink đã sắp xếp mua lại và thương vụ đã biến công ty sát nhập giữa BlackRock và Merrill Lynch Investment Managers (MLIM) thành một gã khổng lồ với tổng giá trị tài sản mà họ đang quản lý chạm ngưỡng 1.000 tỷ USD.

Đội ngũ nhân viên của MLIM có quan điểm trái chiều về thương vụ này, nhiều người cảm thấy vui vì quyết định này, nhiều người phản đối vì sự ngạo mạn của BlackRock. Ít lâu sau đó, bản lĩnh của BlackRock bị thử thách bởi vấn đề nợ xấu bất động sản manh nha từ đầu năm 2007. Fink chia sẻ với tờ Financial Times rằng thị trường đang phải "chịu rất nhiều áp lực" nhưng không nghĩ rằng nó sẽ sụp đổ.

Khoản đầu tư vào dự án Stuyvesant Town-Peter Cooper Village tại New York mang đến cho BlackRock một thất bại lớn, tuy nhiên công ty đã làm tốt công tác dự báo về một cuộc khủng hoảng lớn sau này nhờ vào mảng kinh doanh giải pháp đang rất phát triển của công ty. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính đang bùng nổ, bộ phận giải pháp này của công ty đã thực sự trưởng thành với chuyên môn cao trên thị trường. Nhiều đối thủ trên Phố Wall cho tới những ngân hàng trung ương nước ngoài, thậm chí là chính phủ Mỹ đã phải tìm tới công ty với mong muốn được giúp đỡ để phân tích những cổ phiếu "độc hại".

Thương vụ mua lại BGI của BlackRock sau này cũng gây ra không ít hoài nghi. Nhân viên của BGI cho rằng BlackRock chỉ là nơi tập hợp những nhân viên giao dịch trái phiếu Phố Wall bình thường, họ xây dựng nên vị thế hiện tại thông qua mua bán và sáp nhập,chứ không dựa vào sự đổi mới, sự đoàn kết và tính sáng suốt – những phẩm chất vốn có của BGI. Đảm bảo cho thương vụ sáp nhập lớn nhất trong lịch sử của ngành quản lý tài sản thành công là một nhiệm vụ hết sức khó khăn.

Người đàn ông 10.000 tỷ USD (P2): Hành trình trở thành ông hoàng phố Wall, nhân vật có tầm ảnh hưởng quan trọng trong các doanh nghiệp lớn nhất thế giới của Larry Fink - Ảnh 3.

Quá trình sáp nhập của hai công ty phải mất đến 3 năm để hoàn tất với hơn một nửa nhân viên của BGI bị sa thải vì Fink là một người đòi hỏi sự trung thành tuyệt đối và ông sẵn sàng sa thải những ai không đáp ứng được điều kiện đó.

Tuy vậy, thương vụ mua lại BGI vẫn là một câu chuyện thành công trong ngành quản lý tài sản do BlackRock đã tích cực đẩy mạnh sự phát triển của các quỹ chỉ số hiện hữu của BGI. BlackRock đã đóng góp cho lĩnh vực đầu tư như cái cách Henry Ford đã đóng góp cho ngành công nghiệp xe hơi. Công ty đã xây dựng một dây chuyền các sản phẩm tài chính rất hiệu quả cho các nhà đầu tư so với nhiều công ty khác.

Tháng 6/2014, quỹ ETF của iShares đã chính thức vượt qua con số 1.000 tỷ USD tổng giá trị tài sản. Trong 6 tháng đầu năm 2021, chỉ riêng iShare đã quản lý khối lượng tài sản trị giá hơn 3.000 tỷ USD.

Người khổng lồ ở phố Wall

Hiện tại, tỷ suất lợi nhuận của BlackRock thậm chí còn cao hơn cả Apple và Google. Giá trị trên sàn chứng khoán của công ty đang ở mức 126 tỷ USD, lớn hơn Goldman Sachs và tổng giá trị thị trường của các đối thủ công ty này cộng lại.

Một nghiên cứu vào năm 2019 của Đại học Luật Harvard và Đại học Boston ước tính rằng ba doanh nghiệp BlackRock, Vanguard và State Street đang nắm giữ đến 20% tỷ lệ cổ phần của 500 doanh nghiệp lớn nhất của Mỹ, con số này được dự báo sẽ tăng lên 41% trong vòng 20 năm tới.

Đầu năm 2020, Fink tuyên bố BlackRock sẽ đặt mục tiêu phát triển bền vững trong các quyết định đầu tư của công ty với việc quan tâm đến những vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Nhưng đối với những thành viên cánh tả, lời cam kết của BlackRock không quá đáng tin cậy.

Ngoài ra, với quan điểm quy mô công ty lớn có những tác động không tốt lên quá trình quản lý doanh nghiệp, Fink cho rằng có thể giải quyết vấn đề này bằng cách chia nhỏ công ty thành các định chế nhỏ hơn, sở hữu những nhóm nghiên cứu và kiểm soát riêng để công ty hoạt động hiệu quả hơn.

Hành trình của BlackRock là "hành trình của một người đàn ông duy nhất"

Đã xuất hiện nhiều lời phàn nàn về sức ảnh hưởng ngày một lớn của BlackRock.

Có rất nhiều cựu nhân viên chính phủ đang làm việc tại BlackRock thậm chí nhiều người gọi họ với cái tên "Government Sachs".

Điều này có nghĩa là Fink trên đỉnh hệ sinh thái tài chính và dễ thấy rằng đà tăng trưởng của BlackRock sẽ khó mà đảo ngược. Vì mô hình chính trị lưỡng đảng của Washington không ưa thích những ông trùm Phố Wall nên giấc mơ trở thành Bộ trưởng Tài chính của ông đã tan thành mây khói, nhưng Fink vẫn sẽ tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo tại BlackRock trong nhiều năm sắp tới.

Phát biểu tại Đại học California năm 2016, ông cho biết thất bại tại First Boston đã ám ảnh ông.

"Tôi tin rằng tôi hiểu được thị trường, nhưng tôi đã sai, vì khi tôi không thể quan sát, thế giới đã thay đổi".

Thương vụ mua lại BGI đúng thời điểm cho thấy rằng ông đã hiểu được những thay đổi trong lĩnh vực đầu tư tốt hơn nhiều công ty khác. Ông cần sự khéo léo đó hơn bao giờ hết khi BlackRock sẽ phải đối mặt với không ít thử thách trong vòng một thập kỷ tới, từ mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cho tới vấn đề biến đổi khí hậu, cũng như vấn đề về xung đột chính trị xã hội tại Mỹ.

Trong số 8 nhà sáng lập của công ty, chỉ còn Fink, Kapito và Golub vẫn còn ở lại và đảm nhận công tác quản lý điều hành. Nhiều người đặt ra câu hỏi điều gì sẽ xảy ra một khi Fink rời khỏi công ty mà ông đã xây dựng từ 30 năm về trước?

"Larry dường như biết tường tận về mọi thứ. Dù tôi không thích ông ấy, nhưng ông ấy quả thực là một doanh nhân phi thường. Ông ấy đã hy sinh rất nhiều vì BlackRock", Một cựu lãnh đạo cấp cao của công ty cho biết: "Khoảnh khắc ông ấy rời khỏi BlackRock sẽ chẳng khác gì khi Sir Alex Ferguson rời Manchester United. Không hề nói quá khi cho rằng hành trình của BlackRock là "hành trình của một người đàn ông duy nhất".

Hường Hoàng

Cùng chuyên mục
XEM