Người dân bất chấp làm theo bác sỹ "Google" và thầy thuốc "Facebook" đi mua thuốc xanh, đỏ về điều trị Covid-19: Công dụng thực sự sẽ khiến bạn ngã ngửa

04/03/2022 07:13 AM | Sống

Việc người dân tự ý mua các loại thuốc kháng virus Covid-19 được rao bán trên mạng là vô cùng nguy hiểm và không cần thiết. Cẩn thận lại tiền mất tật mang.

Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát như hiện nay, hầu hết người dân đều điều trị bệnh tại nhà nên thường tự ý tìm mua các loại thuốc khác nhau trên thị trường. Lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân, nhiều cá nhân đã rao bán các mặt hàng thuốc điều trị virus "xách tay" từ Nga, Trung Quốc về Việt Nam như Arbidol thành phần là Umifenovir, Areplivir thành phần là Favipiravir. Các thuốc này được quảng cáo có khả năng phòng chống lây nhiễm và điều trị hiệu quả COVID-19.

Các thuốc "xách tay" xanh, đỏ này còn được rao bán trực tiếp trên các hội nhóm, trang cá nhân trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Shopee,… nên người dân rất dễ tiếp cận và tìm mua trong khi nguồn gốc xuất xứ và tác dụng không rõ ràng.

Chia sẻ về vấn đề có nên dùng hay không các loại thuốc này, bác sỹ Bùi Nghĩa Thịnh, Phòng khám Gia đình TP.HCM cho biết: "Các loại thuốc được sử dụng phải được Bộ Y tế thông qua. Hiện nay, Bộ Y tế đã thông qua 3 loại thuốc gồm: Favipiravir, Molnupiravir; Remdesivir.

Các loại thuốc điều trị Covid của Trung Quốc hay thuốc xanh, đỏ của Nga nếu như thuộc 3 nhóm thuốc mà Bộ công nhận thì người dân có thể dùng thoải mái. Tuy nhiên, các loại thuốc này có được nhập khẩu chính thức hay không? Hay là hàng xách tay thì sẽ không rõ về nguồn gốc xuất xứ. Vậy nên chúng tôi không khuyến khích bệnh nhân sử dụng", bác sỹ Thịnh cho hay.

Không nên uống các loại thuốc xanh thuốc đỏ của Nga hay Trung Quốc nếu không rõ về nguồn gốc xuất sứ

Trước đó, trên trang Facebook cá nhân, dược sĩ Hà Quang Tuyến - Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cũng từng đưa ra lời cảnh báo về việc người dân sử dụng ồ ạt các loại thuốc này mà không hề được các bác sỹ chỉ định.

Dược sĩ Tuyến cho biết, Arbidol (Umifenovir) là thuốc kháng virus phổ rộng được cấp phép sử dụng để dự phòng và điều trị cúm mùa tại Trung Quốc và Nga từ năm 2006. Thử nghiệm tiền lâm sàng cho thấy thuốc Arbidol có hoạt tính kháng virus đối với một số virus đường hô hấp ở người như virus cúm A, B, C, adenovirus, rhinovirus,….Tại Trung Quốc, Umifenovir được thử nghiệm trên bệnh nhân COVID-19 ngay giai đoạn đầu bùng phát dịch. Tuy nhiên kết quả về hiệu quả của Umifenovir đối với COVID-19 là không đồng nhất giữa các nghiên cứu.

Một nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích gộp về hiệu quả và an toàn của Arbidol (Umifenovir) trên bệnh nhân COVID-19 đã được thực hiện bởi B. Amani và các cộng sự dựa trên các dữ liệu nghiên cứu trên Pubmed, Cochrane, Embase và medRixv.

Tổng quan đã cho thấy không có sự khác biệt về hiệu quả giữa việc dùng Arbidol và không dùng Arbidol ở bệnh nhân COVID-19. Sử dụng Arbidol có nguy cơ cao gặp tác dụng phụ hơn với RR: 2.24; 95% CI: 1.06–4.73. Các tác dụng phụ hay gặp phải khi sử dụng Arbidol như là rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, nôn.

Umifenovir cũng như nhiều thuốc khác: Hydroxycloroquin, Ribavirin, Sofosbuvir, Lopinavir… cũng chỉ là một trong số các thử nghiệm lâm sàng trong giai đoạn đầu của đại dịch để tìm hướng tiếp cận điều trị COVID-19 trên thế giới. Nhiều nghiên cứu hiện cũng tạm dừng do hiệu quả không cao hoặc nguy cơ, tác dụng không mong muốn lớn hơn nhiều so với hiệu quả.

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM