Người dân Ấn Độ phải mang vàng đi cầm cố để trang trải cuộc sống thời Covid-19

02/10/2020 16:43 PM | Xã hội

Tại Ấn Độ, xu hướng tích trữ vàng trước đây là một thói quen khó bỏ thì nay đã thay đổi do đại dịch Covid 19.

Kể từ khi Ấn Độ thực hiện giãn cách xã hội hồi tháng 3, ông Shivapujan Prajapathi trở thành người thất nghiệp. Vốn là một thợ may lành nghề, nhưng công việc may trang phục tại nhà không thể giúp ông trang trải sinh hoạt phí cho gia đình với 4 người con.

Không còn cách nào khác, ông phải mang số vàng quý giá trong nhà đi cầm cố. Đây là số vàng ông đã tích góp qua nhiều năm, giúp ông đổi lấy khoản vay 45.000 rupee (tương đương khoảng 18 triệu đồng) từ ngân hàng.

Ông Shivapujan Prajapathi cho biết: “Số vàng này tôi tích trữ để đề phòng gia đình có việc khẩn cấp, hoặc phòng đau ốm. Và giờ đây, nó đã giúp tôi vượt qua những ngày tháng khó khăn do đại dịch bùng phát".

Câu chuyện của ông Shivapujan Prajapathi không phải trường hợp duy nhất. Ngoài bệnh viện, thì giờ đây, các cửa tiệm kinh doanh, ngân hàng, hay những nơi nhận cầm cố vàng cho vay tiền là nơi đông người nhất. Tình trạng này đã kéo dài vài tháng nay tại Ấn Độ.

Phần lớn người dân Ấn đem bán vàng để lấy tiền thanh toán chi phí y tế, hoặc trả học phí cho con. Các hộ kinh doanh vừa và nhỏ cũng gặp khó khăn trong bối cảnh đại dịch nhưng họ không thể vay nợ từ các ngân hàng bởi họ thường thận trọng hơn giữa bối cảnh kinh tế Ấn Độ đang bị tổn thất nặng nề do đại dịch.

Nhiều người đã phải thốt lên “vàng chính là phao cứu sinh cuối cùng.”

Prince Jaiswal là một tiểu thương nhỏ lẻ tại Ấn Độ, tình hình kinh doanh của anh cũng rất ảm đạm khi mà người dân thắt chặt chi tiêu. Anh chia sẻ “tôi chẳng thế trông cậy sự giúp đỡ từ đâu, nên tôi dùng số vàng tiết kiệm của mình làm tài sản thế chấp đổi lấy khoản vay 7.0000 rupee. Khoản tiền quý giá này giúp tôi trả tiền thuê nhà và các chi phí khác.”

Không chỉ đem vàng tích trữ đi bán, người dân Ấn Độ còn tăng vay thế chấp kim loại quý này. Số liệu của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) cho biết, hạn mức tín dụng cho vay lên tới 90% giá trị vàng, thay vì 75% như trước đây.

Tuy nhiên tiền lãi cho khoản vay cũng không hề thấp. Ông Shivapujan Prajapathi phải chấp nhận mức lãi 15%, một con số không nhỏ trong tình cảnh thất nghiệp như hiện nay. Có lẽ là phải rất lâu nữa nếu không muốn nói là khó có thể lấy lại số vàng của mình.

Nền kinh tế Ấn Độ đang chịu nhiều ảnh hưởng từ chính sách phong toả, theo các chuyên gia, là thất bại vì "vừa quá chặt lại vừa quá lỏng lẻo". "Giấc mơ Ấn Độ" đã “sụp đổ” trước đại dịch khi những những con đường tại khu công nghiệp ở Surat vắng bóng người.

Các nhà máy đóng cửa hoặc hoạt động 1/10 công suất trước đó, người dân không có thu nhập, trẻ em ở độ tuổi phát triển phải cắt giảm đồ ăn và dinh dưỡng... Hay đơn giản là các tiệm cắt tóc, cửa hàng điện thoại vắng người, bởi khách hàng không còn lui tới vì số tiền tiết kiệm ít ỏi đang vơi dần. Đất nước 1,3 tỷ dân này sẽ phải tìm cách sống chung với đại dịch và song song với phát triển kinh tế để từng bước tháo gỡ những khó khăn hiện nay.

Hoa Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM