Người dân Ấn Độ đổ xô đi tiêm vaccine trong "cơn sóng thần" COVID-19

27/04/2021 20:21 PM | Xã hội

Tính đến sáng 27/4, Ấn Độ tiếp tục là tâm điểm dịch bệnh lớn thứ hai thế giới về số ca mắc COVID-19 với hơn 17,6 triệu trường hợp.

Hệ thống y tế quá tải, số người tử vong do COVID-19 tăng cao khiến hệ thống hỏa thiêu tại Ấn Độ cũng bị quá tải, nhiều người dân ở quốc gia này đổ xô đi tiêm vaccine mong tự bảo vệ mình trước "cơn sóng thần" dịch bệnh.

Tại một trung tâm tiêm chủng ở thành phố Mumbai, người dân xếp hàng rất đông để chờ được tiêm vaccine COVID-19 , trong khi tình nguyện viên dùng loa để thông báo rằng đã hết sạch vaccine cho cả ngày. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến khó kiểm soát, Thủ tướng Ấn Độ đã ra quyết định sẽ tổ chức tiêm vaccine cho toàn bộ người trưởng thành của nước này trong tháng 5/2021. Tuy nhiên, nguồn cung vaccine đang dần trở nên khan hiếm.

Những đám đông xếp hàng dài bên ngoài các trung tâm tiêm chủng ở Mumbai, Ấn Độ trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 đạt mức kỷ lục trong những ngày qua. Dự báo, các trung tâm tiêm phòng vaccine khác của nước này sẽ chứng kiến tình trạng tương tự trong những ngày tới.

Người dân Ấn Độ đổ xô đi tiêm vaccine trong cơn sóng thần COVID-19 - Ảnh 1.

Nguồn cung vaccine đang dần trở nên khan hiếm ở Ấn Độ. (Ảnh: AP)

Ấn Độ đã đạt đỉnh tiêm chủng 4,5 triệu liều vào ngày 5/4, nhưng mức tiêm đã giảm sau đó, chỉ đạt 2,7 triệu liều/ngày. Chính phủ Ấn Độ đã quyết định giao việc nhập khẩu vaccine COVID-19 cho các cơ quan nhà nước và những công ty nhằm tăng cường mua vaccine từ nước ngoài. Ấn Độ đã tiêm gần 140 triệu liều cho nhân viên tuyến đầu và những người trên 45 tuổi. Tuy nhiên, tình trạng thiếu vaccine vẫn rất nghiêm trọng.

Hiện Ấn Độ đang cạn kiệt nguồn cung khí oxy y tế, giường điều trị tích cực cũng như vật dụng y tế khác để chăm sóc cho các bệnh nhân COVID-19. Do đó, người dân nước này đã sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm cũng như đưa ra sự giúp đỡ. Họ đăng các bài viết chia sẻ về tình hình dịch bệnh, sự thiếu thốn cũng như số điện thoại của tình nguyện viên, những người phụ trách tiếp nhận hỗ trợ với hashtag "COVIDSOS". Ngoài ra, một trang web hỗ trợ việc quyên góp, ủng hộ trang thiết bị y tế cũng được lập ra từ ngày 18/4. Đến nay, trang web này đã có hơn 1 triệu lượt truy cập.

Chuyển động 24h

Cùng chuyên mục
XEM