Người chuyên "bóc phốt" mánh khóe tăng giá của các nhãn hàng

01/01/2023 21:08 PM | Kinh doanh

Ông Dworsky đã dành phần lớn cuộc đời của mình để bóc trần một trong những mánh khóe trong nền kinh tế tiêu dùng hiện đại: shrinkflation, khi các nhãn hàng điều chỉnh bao bì để âm thầm tăng giá.

Người chuyên "bóc phốt" mánh khóe tăng giá của các nhãn hàng - Ảnh 1.

Ông Edgar Dworsky đang xem xét sản phẩm siro ho. Ảnh: NYT.

Người chuyên "bóc phốt"

Vài tuần trước, ông Edgar Dworsky nhận được một email. Email có một lời nhắn “Siro ho bị pha loãng", kèm theo một bức ảnh chụp hai gói siro khác nhau. Loại mới có vẻ chỉ đặc bằng một nửa so với gói cũ.

Ông Dworsky thường xuyên nhận được những email như thế này, kể về việc như một túi thức ăn cho chó đã được giảm khối lượng một cách kín đáo từ 50 pound (khoảng hơn 22kg) xuống còn 44 pound (gần 20kg); một hộp ngũ cốc đã chuyển từ cỡ “đại" sang kích cỡ “gia đình” và cao hơn khoảng 1 inch (2,54cm) - nhưng nhẹ hơn vài ounce (1 ounce tương đương 28gr). Những chai bột giặt trông giống nhau, nhưng những chai mới hơn có ít chất tẩy rửa hơn.

Lá thư về chai siro ho có vẻ hấp dẫn. Ông Dworsky lên kế hoạch điều tra.

Ông Dworsky đã dành phần lớn cuộc đời của mình để bóc trần một trong những mánh khóe trong nền kinh tế tiêu dùng hiện đại: shrinkflation - lạm phát thu nhỏ (tạm dịch).

Shrinkflation là sự kết hợp giữa shrink (nghĩa là thu nhỏ) và inflation (trong kinh tế có nghĩa là lạm phát), khi các sản phẩm hoặc bao bì được điều chỉnh một cách tinh vi để người tiêu dùng trả cùng mức giá, hoặc thậm chí cao hơn một chút, cho một sản phẩm nhưng nhận được ít hơn.

Các công ty sản phẩm tiêu dùng đã sử dụng chiến lược này trong nhiều thập kỷ. Và “kẻ thù” của họ, ông Dworsky, đã theo dõi việc này trong nhiều năm.

Ông Dworsky, 71 tuổi, là một luật sư đã nghỉ hưu, bắt đầu sự nghiệp với tư cách là nhà nghiên cứu thị trường trước khi trở thành phóng viên tiêu dùng trực tuyến cho truyền hình địa phương trong một thời gian ngắn.

Ông Dworsky viết về lạm phát thu nhỏ trong mọi sản phẩm: cá ngừ, sốt mayonnaise, kem, chất khử mùi, xà phòng rửa chén...

Một bài viết gần đây của ông đã phát hiện ra tình trạng giảm kích thước giấy vệ sinh. “Hầu như mọi nhãn hiệu giấy vệ sinh đều bị thu hẹp kích thước trong những năm qua, trong hơn một thập kỷ", ông Dworsky viết.

Người chuyên "bóc phốt" mánh khóe tăng giá của các nhãn hàng - Ảnh 2.

Giấy vệ sinh đã bị thu nhỏ kích thước trong những năm qua. Bên trái: 1 cuộn giấy vệ sinh có 242 vòng; bên trái: 1 cuộn giấy vệ sinh có 264 vòng. Ảnh: NYT.

Với lạm phát ở mức cao nhất trong 40 năm, các chủ doanh nghiệp ngày càng thu nhỏ sản phẩm của mình để cố gắng che giấu việc tăng giá.

“Các nhà sản xuất đang phải đối mặt với chi phí khổng lồ,” ông Krishnakumar Davey, chủ tịch bộ phận hàng hóa tiêu dùng tại IRI, một công ty nghiên cứu thị trường nói, đề cập đến giá nguyên liệu thô, lao động và vận chuyển. “Họ đang cố gắng tìm ra cách cân bằng điều đó", ông nói thêm.

"Hãy kiểm tra mọi bao bì bạn mua"

Hitendra Chaturvedi, giáo sư quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học bang Arizona, cho biết ông đã sử dụng các ví dụ của ông Dworsky để xây dựng bộ dữ liệu cho nghiên cứu của riêng mình.

Ông Dworsky cũng xem xét những dòng chữ “Mới và cải tiến” trên bao bì. Nhưng quan trọng nhất, ông kiểm tra trọng lượng.

Người chuyên "bóc phốt" mánh khóe tăng giá của các nhãn hàng - Ảnh 3.

Sản phẩm nước rửa bát Dawn của hãng Procter & Gamble. Một chai có dung tích 7 oz (207 ml) còn một chai chỉ có 6 oz (148 ml). Ảnh: NYT.

“Hãy nhìn vào những sản phẩm bạn mua, để ý xem trọng lượng tịnh là bao nhiêu. Khi bạn quay lại cửa hàng, hãy kiểm tra kỹ xem nó có còn giống với chiếc túi, hộp hoặc chai bạn mua lần gần nhất không", ông nói.

Nhưng trường hợp siro ho phức tạp hơn để điều tra, ông nói. Trên thực tế, ông Dworsky sẽ cần kiểm tra xem thành phần bên trong có bị pha loãng hay không, tức là nhãn hàng có thay đổi công thức để người tiêu dùng trả số tiền tương tự cho ít siro ho hơn.

Ông Dworsky nhớ lại thời thơ ấu của mình khi dành những ngày cuối tuần ở nhà bố, chơi với món đồ chơi yêu thích: ngồi bên trong một tấm bìa cứng, giả làm siêu thị và đóng gói những hộp ngũ cốc và bột yến mạch nhỏ.

Trong sự nghiệp của mình, ông dành phần lớn thời gian làm việc ở Văn phòng Các vấn đề về Người tiêu dùng và Quy chế Kinh doanh của Massachusetts.

Ông chủ của ông vào thời điểm đó, Robert Sherman, nhớ rằng khi Dworsky bước vào văn phòng với hai gói chất khử mùi và hỏi liệu ông Sherman có nhận thấy sự khác nhau.

Ông Sherman nghĩ rằng hai kiện hàng hoàn toàn giống nhau. Nhưng không. “Có một gói nhiều hơn gói còn lại, sự khác biệt là kích thước của nắp", ông Dworsky nói.

Tất nhiên, các nhà sản xuất có thể tự do thay đổi kích thước sản phẩm của họ theo ý muốn. Nhưng ông Dworsky đã tập hợp một bản tin, lưu ý những người mua sắm rằng họ nên đề phòng những đợt tăng giá âm thầm. Đó là sự bắt đầu mối quan tâm đặc biệt của ông đến về lạm phát thu nhỏ.

Công việc của ông Dworsky cũng đã nhận được sự chú ý trong giới học thuật. Joseph Balagtas, giáo sư kinh tế nông nghiệp tại Đại học Purdue, người đã nghiên cứu về lạm phát thu nhỏ, cho biết ông Dworsky là người duy nhất mà ông biết đang ghi lại hiện tượng này.

Hitendra Chaturvedi, giáo sư quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học bang Arizona, cho biết ông đã sử dụng các ví dụ của ông Dworsky để xây dựng bộ dữ liệu cho nghiên cứu của riêng mình.

Tuy nhiên, ông Dworsky lo lắng rằng nghề nghiệp của mình đang chết dần chết mòn và cảm thấy thất vọng vì khó bóc trần những mánh khóe này. “Phải cần một người có con mắt đại bàng", ông nói.

Theo Minh Khôi

Từ khóa:  quảng cáo
Cùng chuyên mục
XEM