Người biết kiềm chế, sống càng thông suốt còn những thứ không tốt, chỉ cần khởi động nó thôi là sẽ lây lan như bệnh dịch

18/12/2020 10:20 AM | Sống

Một cuộc sống thực sự chất lượng là cuộc sống quay về với chính mình, nhận thức rõ năng lực và điều kiện của bản thân, đồng thời theo đuổi những điều tốt đẹp nhất trong điều kiện có hạn này.

Gần đây, có một tin tức như này ở Trung Quốc:

Cô L. năm nay hơn 40 tuổi, vì thấy mình hơi béo nên cô cũng theo trào lưu, tìm cho mình một huấn luyện viên riêng.

Được một thời gian thấy giảm béo quả thực có chút hiệu quả, vậy là hứng lên, nghe lời mấy nhân viên sale, mua một thẻ 14 năm với huấn luyện viên riêng.

Toàn bộ hết 63 vạn tệ (khoảng 2,2 tỷ đồng), trong khi lương tháng chỉ được 8000 (khoảng 28 triệu), L. quyết định vay qua mạng.

Rất nhanh sau đó, khoản vay 30.000 đến 40.000 tệ hàng tháng khiến cô thở không ra hơi, cũng trong giai đoạn đó, cô được chẩn đoán mắc bệnh u máu trong gan.

Quá bất lực, cô yêu cầu cơ sở luyện tập hoàn lại học phí với lý do bị ốm nhưng được bên kia cho biết phải chịu 20% tiền phạt vi phạm hợp đồng.

Sau ca phẫu thuật này, hơn 100.000 nhân dân tệ đã bị mất, và cô ấy cũng phải gánh chịu một cuộc sống vô cùng áp lực và mệt mỏi vì nợ nần trong một thời gian dài.

Lương tháng có 8000 tệ cũng "học đòi" người nổi tiếng thuê huấn luyện viên riêng, để rồi cuối cùng mất cả tiền lẫn sức khỏe.

Có người từng nói: "Tòng dục chi lạc, ưu hoạn tùy yên."

Ý muốn nói, con người ta nếu quá buông thả bản thân, thả trôi theo dục vọng của mình, hưởng thụ cái sự vui vẻ và thỏa mãn trước mắt, thứ có lại được ắt là sự đau đớn và khổ sở cả đời.

Đời người ngắn ngủi, cả bạn và tôi đều chỉ là người trần mắt thịt, muốn sống cả đời an yên, khỏe mạnh, đứng trước dục vọng và ham muốn của bản thân, phải học được cách kiểm soát mình, đừng đem cả cơ thể ra để thấu chi.

Người biết kiềm chế, sống càng thông suốt còn những thứ không tốt, chỉ cần khởi động nó thôi là sẽ lây lan như bệnh dịch - Ảnh 1.

01
Thấu chi sức khỏe, chẳng khác nào đang chơi đỏ đen

Vì một chút vui vẻ nhất thời, vì một chút danh lợi trước mắt mà lấy cả cơ thể, cả sức khỏe ra để đặt cược, 10 phần thì tới 9 phần sẽ phải trả một cái giá vô cùng đắt đỏ.

T., 24 tuổi, bỗng một hôm cảm thấy cả người như bị tê liệt, khi đi khám, bác sĩ nói rằng có một chứng phình động mạch trong hộp sọ của cô:

"Phình mạch sợ nhất bị vỡ. Một khi mạch máu não bị vỡ sẽ chảy nhiều máu, tính mạng bị nguy hiểm bất cứ lúc nào".

T. suy sụp tới phát khóc, cô chưa bao giờ nghĩ rằng, tôn chỉ "tự do thức khuya" của mình lại cướp đi sức khỏe của cô nhanh tới như vậy.

Thực tế cho thấy, không chỉ bệnh ung thư mà nhiều bệnh của người cao tuổi như tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường đang có xu hướng trẻ hóa.

Trên mạng có người đặt câu hỏi rằng: "Tại sao biết rằng sức khỏe là quan trọng mà những người trẻ vẫn đang đâm đầu vào những thói quen khiến mình chết non?"

Có một câu trả lời nhận được rất nhiều lượt like rằng: "Bởi vì luôn cảm thấy mình vẫn còn trẻ."

Dựa vào khẩu hiệu "tôi còn trẻ", họ không ngừng bóc lột chính sức khỏe của mình.

Mà không biết rằng, chỉ số sức khỏe của cơ thể giống như gửi tiết kiệm ngân hàng, chỉ ra mà không vào, sớm muộn cũng bị thấu chi.

Chủ tịch của Didi (công ty cho thuê xe của Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh với hơn 550 triệu người dùng và hàng chục triệu tài xế), Liu Qing, nhớ lại trải nghiệm kinh hoàng khi được chẩn đoán ung thư vú, cô vẫn rất hãi hùng:

"Cảm giác khi đó giống như chiếc máy bay vừa bay lên lại đột ngột đáp xuống vậy, sự suy sụp, hoang mang bủa vây."

Sau trải nghiệm nhớ đời ấy, cô nhận ra rằng mình những danh vọng và tài sản mình đang theo đuổi ấy phải đánh đổi bằng sức khỏe của chính mình, bất kể kết quả thế nào, cô vẫn là người thua thiệt lớn nhất.

"Đời người, ngoài chuyện sống chết ra, mọi thứ khác đều chỉ là chuyện nhỏ, thực tế quan trọng hơn sự hoàn hảo rất nhiều."

Lấy sức khỏe ra để cược ngày mai, bạn rất khó có thể đợi được ngày mai tới.

Thế giới là của vạn vật chúng sinh, nhưng suy cho cùng, nó cũng chỉ thuộc về những người khỏe mạnh và sống lâu.

Người biết kiềm chế, sống càng thông suốt còn những thứ không tốt, chỉ cần khởi động nó thôi là sẽ lây lan như bệnh dịch - Ảnh 2.

02
Thấu chi tiền của tương lai, đồng nghĩa với tự sát

Từng có một bài viết như này:

Rất nhiều người cầm mức lương 7 triệu nhưng sống cuộc sống của người có 20 triệu, tiêu tiền tín dụng, trông thì rất sang chảnh, nhưng thực ra lại nợ nần chồng chất.

"Tiêu tiền của tương lai" dường như trở thành một trào lưu, nhưng lại chẳng mấy người trụ lại được trước tác dụng phụ của "trào lưu" này.

Tháng 5 năm ngoái, một cô gái ở Chu Hải, Trung Quốc đốt than tự sát. Người mẹ trong lúc giúp cô dọn dẹp lại di vật, phát hiện ra 14 chiếc thẻ tín dụng, tất cả đều trong trạng thái nợ.

Số tiền nợ nhiều thì 100.000 tới 200.000 tệ, ít thì đến vài nghìn tới 10.000 tệ, và tổng số nợ là 870.000 tệ! (khoảng 3 tỷ đồng)

Trong khi, lương tháng của cô gái chỉ ở mức 3000 tệ (khoảng 10 triệu đồng), cô sớm đã vỡ nợ.

Nợ những khoản vay khổng lồ chỉ để đổi lấy một đống giày hiệu, đủ loại mỹ phẩm lớn, quần áo, túi xách hàng hiệu…

Suy cho cùng, chẳng phải cũng chỉ vì quá buông thả mong muốn, dục vọng của bản thân, theo đuổi, mưu cầu quá nhiều thứ ư?

Giống như một người trẻ từng chia sẻ rằng:

"Bạn đầu, tôi chỉ muốn mua chiếc Iphone mới ra mắt, mỗi tháng trả góp khoảng hơn 1 triệu, hoàn toàn trong khả năng.

Sau này, thứ muốn mua ngày một nhiều hơn, vậy là chỉ còn cách mở thẻ tín dụng rồi rất nhiều những khoản vay trực tuyến khác.

Cứ dỡ đông rồi lại bù tây, trả định kì cũng không trụ nổi nữa, rất nhanh sau đó, lương tháng chỉ đủ trả nợ hàng tháng, dần dần thành vỡ nợ.

Tôi không dám học tiếp lên thạc sỹ, cũng không dám nghỉ việc, chỉ đành tiếp tục công việc hiện tại. Ngoài tiền nhà và tiền ăn hàng tháng, tiền còn lại đều dùng để trả nợ."

Trong một cuốn sách có tên "The willpower instinct: how self-control works, why it matters, and what you can do to get more" (Bản năng ý chí: cách thức hoạt động của hành vi tự kiểm soát bản thân, tại sao điều đó lại quan trọng và bạn có thể làm gì để đạt được nhiều hơn) có viết như này:

"Đời người có hai nỗi đau, một là nỗi đau của sự nỗ lực, và còn lại là nỗi đau của sự hối tiếc, cá nhân tôi cho rằng, nỗi đau của cái sau lớn gấp vô vàn lần cái trước."

Buông thả bản thân, thỏa mãn nhu cầu có thể sẽ đem lại cho bạn niềm vui tạm thời, nhưng nó cũng sẽ rất nhanh chóng nuốt chửng chính bạn.

Tiêu dùng quá độ, là con dao hai lưỡi, ngoài việc khoe được cho cả thiên hạ thấy được rằng bạn sống tốt ra sao, nó còn đem lại cho bạn sự tổn thương về mặt tinh thần.

Có thể trong mắt người khác, đây là một điều hết sức bình thường, nhưng bạn lại chính là người phải trả một cái giá vô cùng vô cùng đắt đỏ cho nó.

Người biết kiềm chế, sống càng thông suốt còn những thứ không tốt, chỉ cần khởi động nó thôi là sẽ lây lan như bệnh dịch - Ảnh 3.

03
Sự bành trướng của dục vọng, bắt đầu từ tâm lý "cửa sổ vỡ"

Một thanh tra nọ kể cho cấp dưới của mình nghe một câu chuyện như này:

"Hôm qua, lúc tôi ngồi kiệu thì trời mưa, một trong những người khiêng kiệu vừa đi đôi giày mới, lúc mới đầu còn rất cẩn thận chỉ bước vào những chỗ sạch, sợ nước mưa làm bẩn giày.

Nhưng, đi kiểu gì cũng không tránh được chỗ bùn bẩn ướt, cứ như vậy, anh ta không còn để ý tới đôi giày mới nữa, cứ đi mà không còn tránh chỗ bẩn nữa.

Nguyên nhân là gì, là khi giày mới, anh ấy còn thấy xót, nhưng khi mà nó đã bẩn rồi, thì tâm lý "cửa sổ vỡ" xuất hiện, dù sao thì giày cũng bẩn rồi, có cẩn thận thì cũng chẳng có ích gì."

Con người ta rất dễ xuất hiện tâm lý "cửa sổ vỡ":

"Một đêm không ngủ không chết được, đằng nào cũng thức mấy ngày rồi, thêm ngày hôm nay cũng chẳng sao."

"Mượn có tý tiền, cũng không phải là không trả được, nhưng mà đằng nào cũng mượn rồi, mượn thêm tý nữa rồi trả cả thể chắc cũng không sao" …

Sự buông thả một khi được kích hoạt, sẽ giống như mở một chiếc hộp có nhiều ngăn vậy.

Chúng ta luôn cho rằng chỉ có tiền bạc mới có thể đem lại cho chúng ta cuộc đời mà mình muốn, vì vậy mà không tiếc thấu chi đi sức khỏe, thấu chi đi tương lai để đổi lấy nó.

Mà không biết rằng, một khi tư tưởng này bén rễ bên trong não, một cuộc đời bi thương xác định là đã bắt đầu.

Các cụ bảo rồi, khôn ba năm, dại một giờ, những thứ không tốt, chỉ cần khởi động nó thôi là sau đó nó sẽ lan ra như bệnh dịch.

Một đạo diễn nổi tiếng từng nói rằng:

"Con người ý à, dù bề ngoài có hào nhoáng đến đâu, sau khi lột lớp da xuống, cũng chỉ còn lại một đám đầy những dục vọng và nhu cầu không đáy."

Là con người, ai cũng mang trong mình những nỗi khát khao, những theo đuổi, nhu cầu vô bờ bến, những sự tự do vô hạn, mong muốn có được mọi điều tốt đẹp.

Tuy nhiên, buông thả cho những ham muốn ấy trỗi dậy là bản năng, trong khi kiềm chế nó lại là bản lĩnh.

Người biết kiềm chế, sống càng thông suốt còn những thứ không tốt, chỉ cần khởi động nó thôi là sẽ lây lan như bệnh dịch - Ảnh 4.

04
Kiềm chế dục vọng, sống cuộc đời thong thả, tự tại

Một nhà Nho từng nói, càng là người biết kiềm chế, sống càng thông suốt.

Đời người làm gì có hoàn mỹ tới cực hạn, chỉ có sự tự do nhờ bản lĩnh kiềm chế.

Đừng để cái gọi là theo đuổi một cuộc sống hoàn hảo trở thành khởi đầu của một cuộc đời bi thảm.

Chống lại những ham muốn hào nhoáng và cám dỗ của lợi ích, không thấu chi quá mức sức khỏe, chấm dứt những thói quen xấu, trở về với sự đơn giản và bình dị.

Đừng thấu chi, tiêu hết tiền của ngày mai, ôm lấy hiện thực và tận hưởng cuộc sống mỗi ngày mà không nợ nần và nhẹ nhõm.

Một tác gia nói:

"Một cuộc sống thực sự chất lượng là cuộc sống quay về với chính mình, nhận thức rõ năng lực và điều kiện của bản thân, đồng thời theo đuổi những điều tốt đẹp nhất trong điều kiện có hạn này."

Hãy tạo ra cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn trong phạm vi mà bạn có thể gánh vác được.

Mong bạn những năm tháng về sau không bệnh tật, không nợ nần, thảnh thơi tận hưởng hương vị đích thực của cuộc sống!

Như Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM